Quy định chống tiêu cực: Hạn chế quyền tố cáo
Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 26/2 sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013 đang gây phản ứng ở điều khoản “xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi”.
Không khuyến khích được tinh thần chống tiêu cực cũng như chưa đảm bảo quyền tố cáo của công dân.
Quy định này dường như thu hẹp quyền tố cáo của công dân - một quyền được quy định khá cụ thể trong Luật Tố cáo, được QH ban hành từ năm 2011.
Cản trở quyền tố cáo, "hăm dọa" người tố cáo
Bình luận về quy định trên, ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, cho biết Luật Tố cáo được xây dựng trên nguyên tắc người tố cáo tiêu cực có thể gửi đơn thư, bằng chứng tố cáo của mình đi bất cứ cơ quan nhà nước nào. Nếu thấy không có thẩm quyền giải quyết, nơi nhận có nghĩa vụ tìm hiểu pháp luật để chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp này, Thông tư 04 chỉ ra ba địa chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý tố cáo và yêu cầu người tố cáo “có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận” và “không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào”. Quy định như vậy dẫn tới hạn chế quyền tố cáo của công dân.
Mặt khác, ngôn ngữ thể hiện trong Thông tư 04 không được mềm mại, chính xác mà có phần nặng nề với người tố cáo khiến người có thông tin, bằng chứng về biểu hiện tiêu cực trong thi cử bớt đi phần quyết liệt tố giác, thậm chí có cảm giác “hăm dọa” người tố cáo.
Việc giới hạn đầu mối tiếp nhận thông tin tiêu cực trong các kỳ thi sẽ không khuyến khích được tinh thần chống tiêu cực. Trong ảnh: Đại diện thí sinh kiểm tra niêm phong đề thi tại kỳ thi THPT năm 2012. Ảnh: HTD
“Có thể suy đoán là Bộ GD&ĐT muốn việc giải quyết tố giác về gian lận thi cử có trình tự, thủ tục chặt chẽ, có thời hạn để giải quyết kịp thời và không để việc đó ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Nhưng không nên vì thế mà để xảy ra những lỗi lập quy như vậy. Thông tư 04 nên sửa đổi theo hướng chỉ ra những địa chỉ của ngành giáo dục có trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ánh về tiêu cực trong thi cử, cũng như quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết. Thế là đủ. Còn trách nhiệm của người tố cáo đã có luật, nghị định nêu rõ” - ông Minh phân tích.
Không thể loại bỏ "kênh" báo chí
Theo ThS Trần Quang Trung, khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM, Luật Tố cáo đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người đến tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tố cáo… bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Từ trước đến nay báo chí cũng là một trong những kênh để cơ quan có thẩm quyền hợp tác chống tiêu cực. Cơ quan báo chí đưa tin về việc tố cáo và giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Báo chí sau khi đã xác minh đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đưa tin đó. Do đó, các cơ quan báo chí cũng có chức năng tiếp nhận những thông tin liên quan đến tiêu cực.
Như vậy, nếu quy chế quy định không được phát tán thông tin cho người khác mà chỉ được gửi đơn đến ba đầu mối tiếp nhận là không đúng với tinh thần khuyến khích tố cáo tiêu cực mà Luật Tố cáo đã quy định.
Lộ ý không khuyến khích chống tiêu cực
Đồng quan điểm, luật sư Trần Văn Toản, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng phân tích: “Khi phát hiện tiêu cực thì mọi công dân đều có quyền tố cáo. Ngoài những cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tố cáo vẫn có quyền cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhằm để những cơ quan này tiến hành xác minh và phối hợp tìm ra chân tướng sự việc. Việc giới hạn đầu mối tiếp nhận thông tin tiêu cực là gián tiếp tước mất quyền của công dân.
Ngoài ra, thông tư quy định “người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận” là chưa ổn. Luật quy định tố cáo là quyền của công dân, người tố cáo phải có nghĩa vụ nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra mà thôi. Như vậy, thông tư này đã không khuyến khích được tinh thần chống tiêu cực cũng như chưa đảm bảo quyền tố cáo của công dân.
Sở GD&ĐT không thèm tiếp khi tôi đưa chứng cứ Nếu quy định này được thực hiện sẽ giúp các địa phương che giấu thông tin, đồng thời hạn chế việc công khai, minh bạch mà chúng ta đang khuyến khích. Về việc quy định nơi tiếp nhận tố cáo, trước đây khi còn công tác, lúc phát hiện ra tiêu cực tôi đã từng đưa chứng cứ lên gặp lãnh đạo Sở GD&ĐT nhưng không ai thèm tiếp. Tôi đưa lên Bộ GD&ĐT thì một cán bộ của Bộ khuyên tôi nên đưa cho báo chí để gây sức ép dư luận. Tôi là người trong cuộc nên tôi quan niệm rằng khi có bằng chứng tiêu cực chỉ có đưa lên báo chí mới có hiệu quả. Cựu thầy giáo Đỗ Việt Khoa |