Quốc gia đầu tư hơn 335 tỷ/năm cho sinh viên học tiếng Anh
ISRAEL - Cơ quan giáo dục Israel nhận định rằng việc sinh viên thành thạo kỹ năng tiếng Anh trong các khóa học là cần thiết để hội nhập vào thị trường lao động.
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Thông thạo tiếng Anh EF (EPI) năm 2023, Israel đứng thứ 54 trong tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ với 514 điểm - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 493. Israel cũng dẫn đầu trong số 13 quốc gia ở khu vực Trung Đông.
Thành tích này phản ánh sự kết hợp giữa chiến lược giáo dục, nhu cầu kinh tế và ảnh hưởng lịch sử trong việc học tiếng Anh tại Israel.
Mức độ thành thạo tiếng Anh của Israel đứng đầu khu vực Trung Đông. Ảnh: Rosov Consulting
Yếu tố lịch sử, chính trị
Tiếng Anh bắt đầu có chỗ đứng ở vùng lãnh thổ Palestine trong thời kỳ Ủy trị Anh (1920-1948) khi được sử dụng làm ngôn ngữ hành chính. Sau khi Israel thành lập vào năm 1948 và tiếng Hebrew được khôi phục làm ngôn ngữ chính thức thì tiếng Anh vẫn giữ vai trò quan trọng trong giáo dục, thương mại và ngoại giao.
Sự tiếp xúc sớm này đã tạo nền móng cho tầm ảnh hưởng của tiếng Anh tại Israel. Sự gắn bó chặt chẽ về mặt địa chính trị giữa Israel với các đồng minh chiến lược như Mỹ và Anh khiến tiếng Anh trở thành một công cụ quan trọng, không chỉ trong giao tiếp mà còn trong việc thực hiện chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động hợp tác quân sự, đàm phán thương mại và nghiên cứu khoa học. Thành thạo tiếng Anh, do đó, trở thành trụ cột ưu tiên trong chính sách phát triển của Israel.
Chính sách tiếng Anh là ưu tiên cốt lõi
Hệ thống giáo dục Israel coi tiếng Anh là môn học chính và được giảng dạy bắt buộc từ bậc tiểu học (lớp 3) đến trung học phổ thông (lớp 12). Khả năng thông thạo tiếng Anh cũng là điều kiện bắt buộc để học sinh vượt qua kỳ thi Bagrut (tương đương kỳ thi tốt nghiệp phổ thông) và vào đại học.
Bộ Giáo dục Israel cũng thực hiện các cải cách để cải thiện việc giảng dạy tiếng Anh, chuyển từ học thuộc lòng sang phương pháp dạy ngôn ngữ giao tiếp (CLT), chú trọng kỹ năng nói, nghe và hiểu.
Tuy nhiên, hiệu quả của các cải cách này không đồng đều, khi các trung tâm đô thị có thành tích tốt hơn so với các khu vực ngoại vi.Tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong các trường đại học ở Israel. Một số chương trình đào tạo sau đại học cũng được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhằm thu hút sinh viên quốc tế và thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Năm 2023, Hội đồng Giáo dục Đại học Israel đã quyết định đầu tư 50 triệu NIS (khoảng 335,3 tỷ đồng)/năm trong 5 năm để tăng số lượng sinh viên tham gia các khóa học bằng tiếng Anh trong suốt quá trình học tập, theo tờ Times of Israel. Dự án sẽ bắt đầu năm 2024 tại các trường đại học và cao đẳng học thuật, Haaretz đưa tin.
Với khuôn khổ cải cách này, trong vòng 5 năm tới, các cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ xây dựng phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo sinh viên đạt được các kỹ năng cơ bản về đọc, viết, hiểu và nói tiếng Anh. Các chương trình này sẽ dựa trên Khung Tham chiếu Ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR).
Hội đồng đã thống nhất rằng việc thành thạo các kỹ năng tiếng Anh là cần thiết trong các khóa học học thuật, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên hội nhập vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, nỗ lực này đã gặp phải sự phản đối từ Viện Hàn lâm Ngôn ngữ Hebrew khi cơ quan này cảnh báo rằng việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tiếng Hebrew.
Phương tiện thúc đẩy "quốc gia khởi nghiệp"
Tinh thần "Quốc gia khởi nghiệp" của Israel đã biến tiếng Anh thành yếu tố thiết yếu cho thành công trong thị trường toàn cầu. Nhiều công ty công nghệ và trung tâm nghiên cứu, phát triển như Intel, Microsoft và Google đã thiết lập hoạt động tại Israel, nơi tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chính cho tài liệu kỹ thuật, tiếp thị và quan hệ đầu tư.
Sự gắn liền với thị trường quốc tế đảm bảo rằng trình độ tiếng Anh không chỉ là mục tiêu học thuật mà còn là yêu cầu bắt buộc để phát triển kinh tế.Ngành du lịch sôi động của Israel cũng thúc đẩy trình độ tiếng Anh. Đây là ngành có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đóng góp 2,8% vào GDP và chiếm 3,5% tổng số việc làm, theo OECD.
Tại các thành phố như Tel Aviv và Jerusalem, tiếng Anh là ngôn ngữ chung thông dụng giữa dân địa phương và người nước ngoài.
Việc sử dụng phổ biến phương tiện truyền thông tiếng Anh, từ chương trình truyền hình, phim ảnh, âm nhạc đến các nền tảng trực tuyến cũng góp phần quan trọng vào việc học tiếng Anh thụ động trong đời sống hàng ngày của người dân Israel.
Sự tiếp xúc này đã nâng cao đáng kể khả năng nghe hiểu và việc học tập ngoài môi trường giáo dục truyền thống.
PHÁP - Pháp luôn nhấn mạnh vào việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc và quá đỗi tự hào về bản sắc văn hóa. Điều này dẫn đến cách tiếp cận rất thận trọng với tiếng Anh.
Nguồn: [Link nguồn]