Quay cuồng vì chọn nhầm môn tự chọn

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều học sinh tại TP HCM đã bắt đầu xin đổi nguyện vọng học tổ hợp môn tự chọn sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kỳ I

Theo dự đoán của các trường, sau khi kết thúc kết thúc học kỳ I, nhất là khi hết lớp 10, số học sinh (HS) muốn đổi môn học sẽ còn nhiều hơn.

Học không được, đổi không xong

Vừa kết thúc kỳ kiểm tra giữa học kỳ I, anh Lê Bá Tuấn - phụ huynh có con học một trường ngoài công lập tại quận Tân Phú - cho biết con về nhà xin cha mẹ nói với nhà trường cho đổi từ tổ hợp môn khoa học xã hội, do môn địa lý điểm kém, sang một tổ hợp môn học khác.

Phụ huynh này cho biết thêm kết quả kiểm tra giữa kỳ của con rất thấp, năng lực không theo nổi trong khi chương trình, thời gian học quá căng thẳng khiến con tha thiết xin đổi môn. "Tôi đã tính đến tình huống nếu nhà trường không cho đổi môn, sẽ xin cho con sang trường khác chứ không thể để tình trạng này kéo dài" - anh Tuấn cho biết.

Tình trạng HS xin đổi môn tự chọn ở lớp 10 là tình huống được dự báo trước khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm đầu tiên ở bậc THPT. Chị Hoàng Thị Hạnh - phụ huynh một trường THPT tại TP Thủ Đức - ta thán con gái hiện nay ở thế ở không được, đi không xong vì học không được nhưng xin đổi thì cũng chưa được.

"Đầu năm lớp 10, cháu dự định khi kết thúc bậc phổ thông sẽ thi đại học khối B, có môn sinh học. Nhưng hiện nay cháu xin đổi sang môn khác. Dù nhà trường đã tư vấn phải đợi thêm thời gian mới biết mình có phù hợp hay không nhưng con nói học tiếp thì rất áp lực, nếu có học tiếp thì cũng không thể tập trung nổi" - phụ huynh này cho biết.

Học sinh lớp 10 gặp nhiều khó khăn trong việc chọn môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh lớp 10 gặp nhiều khó khăn trong việc chọn môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TẤN THẠNH

Cân nhắc kỹ khi đổi môn

Tại quận 1, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay vừa qua có một HS muốn chuyển môn giáo dục - kinh tế pháp luật, mỹ thuật sang hóa học và địa lý nhưng vẫn cùng ban, lý do là em này không muốn học môn mỹ thuật dù nhà trường đã tư vấn rất kỹ. Bà Dung cho biết với trường hợp HS muốn chuyển môn, nhà trường có tìm hiểu và lắng nghe nguyện vọng của các em và phụ huynh thêm một lần nữa, nếu vẫn quyết định đổi thì nhà trường cho đổi nhưng yêu cầu các em cam kết chỉ đổi một lần. Đây không phải là cứng nhắc mà muốn các em suy nghĩ kỹ với lựa chọn của mình. Nếu không, các em đổi tới đổi lui càng không thể được.

Theo lãnh đạo nhiều trường phổ thông, điểm số giữa học kỳ I chưa khẳng định được điều gì, vì vậy HS không nên quá lo nếu chẳng may kết quả không như mong muốn. Dù vậy, nhiều giáo viên khuyên HS nên cân nhắc và suy nghĩ kỹ, nếu đã thật sự muốn đổi môn thì nên đổi sớm.

Bà Vũ Thị Ngọc Dung cho biết nếu HS muốn chuyển tổ hợp môn, ban thì cần chuyển càng sớm càng tốt, để không bị thiệt thòi về mặt kiến thức. Dù khi chuyển ban, môn các em sẽ không được học lại từ đầu nhưng nhà trường sẽ vẫn bố trí giáo viên hỗ trợ thêm cho HS. "Mặc dù vậy, tự học để bổ sung kiến thức vẫn là nhiệm vụ chính của HS" - bà Dung nói.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3), cho biết hiện nhà trường chưa ghi nhận trường hợp HS muốn đổi tổ hợp môn, dù vậy nếu em nào có nguyện vọng, nhà trường sẽ cho đổi vì đó là quyền lợi của HS. "Tuy vậy, tránh tình trạng đứng núi này trông núi nọ, các em chới với khi chưa thật sự biết hết khả năng học tập của mình mà đòi đổi thì nhà trường vẫn phải có quy định. Chẳng hạn, sau khi đã tiếp tục tư vấn, lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu của HS và phụ huynh mà vẫn muốn thay đổi thì cần những cam kết gì" - ông Khoa nói. 

Hiệu trưởng xem xét quyết định

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT. Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, từng trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất... nên sẽ có những hướng dẫn cụ thể. Phụ huynh và HS theo dõi các hướng dẫn của trường. Tuy nhiên, theo lãnh đạo sở, ít nhất HS phải học hết học kỳ I để bảo đảm các điều kiện về kiểm tra, đánh giá môn học rồi mới xem xét đến việc chuyển đổi môn tự chọn.

Nguồn: [Link nguồn]

Phụ huynh TP.HCM lo con đau bụng, ngộ độc vì thức ăn trước cổng trường

Nhiều đồ ăn, thức uống trước cổng trường ở TP.HCM được chế biến, xử lý chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến phụ huynh lo ngại con em bị ngộ độc. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN