Quá nhiều môn, học sinh phải đi học cả thứ 7?

Sự kiện: Giáo dục

Trong dự thảo quy định cho bậc THCS học gần 30 tiết/tuần trong khi hiện tại với bậc học này chỉ học 1 buổi/ngày, như vậy học sinh sẽ phải học 6 ngày/tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc thứ 7 học sinh sẽ phải đi học, giáo viên sẽ phải đi làm.

Quá nhiều môn, học sinh phải đi học cả thứ 7? - 1

TS Lê Trường Tùng  - Hiệu trưởng ĐH FPT 

Nhận xét về chương trình giáo dục phổ thông (CTGD PT) tổng thể, TS Lê Trường Tùng  - Hiệu trưởng ĐH FPT cho hay: “Điều tôi quan tâm nhất là cách giảng dạy sẽ như thế nào chứ không đơn thuần là chương trình mới chỉ nằm trên lý thuyết”. 

TS Lê Trường Tùng cũng cho biết thêm: “Thực ra, chương trình GDPT tổng thể được các nhà biên soạn làm rất công phu và công sức đổ vào rất lớn.

Ở đó, tôi thấy chương trình mới cũng đã tham khảo một loạt tiêu chuẩn chung của UNESCO, một số chuẩn đào tạo của nước Phần Lan. Tuy nhiên, Phần Lan chỉ có 5 triệu dân và hệ thống giáo dục của họ chỉ phục vụ một số lượng học sinh ít ỏi nên họ xây dựng kiểu khác, trong khi học sinh của mình lên đến gần 20 triệu, để triển khai rộng như Phần Lan là rất khó.

Việc thay đổi cách thức triển khai giảng dạy, cách học sẽ thế nào, tôi chưa thấy nói đến trong dự thảo chứ ở đây không đơn thuần là vấn đề cơ sở vật chất. Ví như, trong dự thảo quy định cho bậc THCS học gần 30 tiết/tuần trong khi hiện tại với bậc học này chỉ học 1 buổi/ngày, như vậy học sinh sẽ phải học 6 ngày/tuần.

Điều đó đồng nghĩa với việc thứ 7 học sinh sẽ phải đi học chứ không được nghỉ như trước đây nữa. Học sinh đi học thì đương nhiên giáo viên phải đến trường trong khi từ trước đến nay họ được nghỉ thứ 7. Vậy sẽ kéo sự vận hành của cả hệ thống.

Trong khi xu thế của hiện nay là học sinh học giảm tải và giảm bớt giờ làm của công chức. Thế mà, dự thảo chương trình mới chỉ quan tâm tới việc học môn gì mà chưa quan tâm đến những vấn đề liên quan kéo theo nó nên khi triển khai chắc chắn sẽ bị vướng.

Nếu để học sinh học đúng số buổi học và được nghỉ thứ 7, chủ nhật thì sẽ phải giảm thời lượng mà đương nhiên giảm thời lượng thì lại không đủ số tiết học theo quy định.

Hiện tại, môn tự chọn của chúng ta chỉ dành cho học sinh lớp 11 và lớp 12 còn lớp 1 đến lớp 10 vẫn phải học tất cả các môn. Điều đó là quá nhiều. Theo tôi, nên để học sinh được học các môn tự chọn sớm hơn, nên từ lớp 6 giống như nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới.

Giống như giáo dục của nước Anh, Úc… học sinh được học các môn tự chọn ngay từ bậc THCS chứ không phải đến lớp 11 mới được học tự chọn như chúng ta.

Đó là chưa kể trong bối cảnh hội nhập quốc tế chúng ta cũng nên xem xét đến việc có nên dùng giáo trình của nước ngoài hay không. Ví như các môn Toán, Lý, Hóa… chắc sẽ không có loại kiến thức đặc thù cho Việt Nam.

Vậy tại sao chúng ta không chọn luôn giáo trình của nước ngoài mà chỉ tập trung lực để xây dựng sách cho những môn học đặc thù của Việt Nam như Văn, Sử, Địa. Lợi thế của người đi sau là tận dụng những gì mà người trước đã làm rồi chứ làm lại từ đầu thì rất tốn công sức.

Vì thế, những môn khoa học còn lại chúng ta nên chọn một bộ sách tiên tiến nhất trên thế giới, mua bản quyền và dịch lại. Bởi lẽ, chúng ta phải thừa nhận chúng ta không phải một nước tiên tiến đi đầu trong đổi mới giáo dục để các nước học theo.

Tiếp theo, trong bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay mạng internet phát triển thì cách thức dạy học sẽ thay đổi thế nào với cả thầy và trò cũng là một vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Theo tôi, chúng ta nên giảm áp lực cho giáo viên bằng cách sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại. Khi đó, sẽ không cần quá nhiều giáo viên và vai trò của giáo viên cũng sẽ khác. Giáo viên không còn là trung tâm của giờ dạy mà chỉ giữ vai trò định hướng thôi. Vì thế, năng suất của giáo viên sẽ cao hơn và việc phát triển nâng cao trình độ của giáo viên cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn”.

Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN