Phương án Kỳ thi chung quốc gia: Sát ngày chốt, vẫn quá căng
Chỉ trong 1-2 tuần tới, phương án kỳ thi chung sẽ được công bố, tuy nhiên, đến thời điểm này tranh luận về các phương án vẫn chưa có hồi kết. Thậm chí, còn có cả những ý kiến không tán thành.
Mỗi người nhìn một hướng
Phát biểu tại hội thảo “Về phương án thi tốt nghiệp THPT”, TS Nguyễn Thanh Sơn là một trong số các chuyên gia cho rằng việc tổ chức một kỳ thi chung là không phù hợp. Vì hai kỳ thi có yêu cầu và mục đích khác nhau , nếu gộp vào làm một thì mục đích yêu cầu của từng kỳ thi sẽ giảm đi hoặc bị thay đổi.
Ông Sơn nói: “Hãy cứ giữ hai kỳ thi như hiện nay. Nhưng việc tổ chức chỉ đạo các kỳ thi nên thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được giao cho các địa phương, trực tiếp là các Sở GDĐT, kể cả việc ra đề, chấm thi. Thi 4 môn bình thường, Bộ GDĐT giữ vai trò chỉ đạo và kiểm tra, giám sát. Thi ĐH, CĐ cũng được giao cho các trường ĐH, CĐ tùy theo yêu cầu , nhiệm vụ và chỉ tiêu được Bộ GDĐT giao mà tổ chức thi tuyển.
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc
Đánh giá về các phương án thi theo đề xuất của Bộ GDĐT, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng mỗi phương án đều có ưu điểm và tính hợp lý của nó khi được thực hiện đúng từng thời điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh và tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay, theo bà Lộc phương án 1 vẫn là hợp lý nhất.
“Phương án thi này đảm bảo được tính kề thừa, phát huy những ưu điểm của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Nếu triển khai đây cũng là bước dịch chuyển nhẹ nhàng, giúp cả giáo viên, học sinh và những người làm công tác quản lý giáo dục có thể sãn sàng thích nghi.”, bà Lộc lý giải.
Và theo bà Lộc, về lâu dài cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, đến một thời điểm chin muồi , tất yếu sẽ theo hướng tích hợp các môn với mục tiêu nâng cao năng lực vận dụng kiến thức. Khi đó, chuyển sang thi theo phương án 2 là thích hợp.
Còn GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT lại cho rằng, phương án 1 là phương án “bảo thủ”, không khoa học, vì vẫn dựa quá nhiều vào tính ngẫu nhiên ngay từ việc lựa chọn môn thi, không bao quát chương trình học. Rất khó cho các trường ĐH lấy kết quả đó để xét tuyển.
Từ đó, ông Thiệp đề xuất nên lựa chọn và tích cực chuẩn bị để thực hiện phương án 2 để khắc phục những hạn chế đó. Tuy nhiên, theo ông Thiệp, phương án 2 vẫn cần điều chỉnh: mọi thí sinh bắt buộc phải thi Toán và Ngữ văn, còn 3 môn sau cho phép chọn 2 hoặc thi cả 3 môn.
Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT
Ngược lại, nêu lên điểm nổi bật của phương án 2 và 3 là sự tích hợp của nhiều môn trong các bài thi, nhà giáo ưu tú Hàn Liên Hải, Nguyên trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội thẳng thắn: “Tôi không dám nói đến sự hay dở của các kiểu tích hợp bài thi này vì chương trình và sách giáo khoa hiện hành chưa hề có. Bất kể sự tích hợp nào đã được hình thành rất rõ hay mới chỉ là ý tưởng của các chuyên gia thì khi chưa có chương trình, sách giáo khoa và chưa đưa vào giảng dạy thì không thể yêu cầu học sinh làm các bài thi kiểu này.”
Theo ông Hải, điều này có thể ví như đem thả thí sinh và giáo viên vào biển cả, phản ảnh một kiểu tư duy phản giáo dục. “Có cảm giác các nhà giáo dục vạch ra phương án này chưa từng là học sinh đi thi hoặc là từ “trên trời rơi xuống”. Tôi cứ ngỡ đây là những phương án thi cho 10 năm sau!”, ông Hải nêu quan điểm.
Cần có đánh giá theo cả quá trình
Tại hội nghị, cũng có một số ý kiến cho rằng, trong cả 3 phương án đều không thấy nhắc tới việc đánh giá cả quá trình học tập của học sinh ngoài điểm thi ở kỳ thi chung.
TS Nguyễn Thị Lan Phương (Viện Khoa học giáo dục VN)
TS Nguyễn Thị Lan Phương (Viện Khoa học giáo dục VN) nói: “Chúng ta chỉ đánh giá năng lực học sinh thông qua điểm thi, vậy nếu như đúng ngày thi các em bị ốm hay vì lý do nào khác không làm được bài thì tương lai cũng bị ảnh hưởng.
Theo bà Phương cần đưa thêm các yếu tố khác vào để đánh giá học sinh. Bởi không thể đánh giá học sinh thông qua mấy buổi thi. “Con người chúng ta ai cũng thế, khi muốn chứng minh năng lực của mình thì cần một quá trình chứ không chỉ trong một vài thời điểm”, bà Phương lấy dẫn chứng.
Nếu chỉ điểm thi không lại tăng áp lực cho học sinh nếu chúng ta không cho thêm các kết quả đánh giá quá trình của học sinh vào 3 phương án thì chưa thể nói rắng đánh giá khách quan, tin cậy.
Đánh giá về 3 phương án mà Bộ GDĐT đưa ra, GS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học VN cũng cho rằng 3 phương án mà Bộ GDĐT đưa ra chưa dựa trên cơ sở tâm lí giáo dục, chưa đưa ra cơ sở khoa học đánh giá đây là những phương án hay nhất.
“Nên tìm ra những phương án nào mà để người dân hài lòng nhất. mà phải lấy sự đồng thuận của dân làm trọng. Không thể bấy bất chấp nguyện vọng của dân. Dân khó khăn mà lại làm cho dân khó khăn hơn thì không được”.
Theo ông Dong, nếu chỉ bàn đổi mới thi cử thế nào có lợi cho công tác quản lý là không được, phải lấy quyền lợi của học sinh là chính.