Phụ huynh tiểu học loay hoay khi thầy cô bị siết dạy thêm

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Là mẹ đơn thân, công việc luôn phải chạy đi chạy lại, chị Thúy tuần qua đau đầu tìm cách đón con lúc 16h30, vì cô giáo đóng lớp học sau giờ.

"Mấy hôm nay tôi đều đến đón muộn, nhìn con lủi thủi một mình mà xót", chị Thanh Thúy, ở TP HCM, kể.

Con chị Thúy đang học lớp 2 và 5 trường công ở quận 12, còn chị làm nhân viên truyền thông ở quận 1, cách đó gần 20 km. Vì đặc thù công việc, chị Thúy thường xuyên phải làm việc bên ngoài, hay có việc gấp, nên hiếm khi về đón con được vào lúc 16h30.

"Đón con đúng giờ là việc không tưởng với tôi", chị nói.

Thời gian qua, chị gửi con cho cô giáo chủ nhiệm. Sau khi tan học, cô đưa các con về một địa điểm được thuê gần trường, cho ăn nhẹ và học bài, đến khoảng 19h, thu mỗi bé khoảng 2,5-3 triệu đồng một tháng.

Người mẹ "cực kỳ tâm đắc" với hình thức này, bởi khi về nhà, chị chỉ cần hướng dẫn các con tắm rửa, không mất thời gian cho ăn hay dạy học. Song từ sau Tết, cô thông báo ngừng lớp do "sợ bị kiểm tra, kỷ luật" khi quy định mới về quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu lực.

Là mẹ đơn thân, không có ông bà hỗ trợ, một tuần nay, cứ đến 16h là chị nhấp nhổm, dù việc còn dở. Chị nhờ em gái đón giúp được hai lần, còn lại các bé đều phải tự chơi ở trường đợi mẹ tới hơn 18h.

Chị Ngọc Minh, ở Hà Nội, có con gái lớp 3, đang học thêm ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh sau giờ học ở trường, từ 16h20 đến 17h40, mỗi tuần bốn buổi. Từ giữa tuần trước, trường thông báo dừng.

Con học ở quận Hà Đông, còn chị làm ở Cầu Giấy, cách nhau 10 km. Giờ tan làm của chị cũng muộn hơn con gần một tiếng, không thể ngày nào cũng xin về sớm. Trong khi đó, ông bà đều ở quê, việc của chồng lại chặt chẽ về giờ giấc.

"Tôi thấy bế tắc", chị Minh nói. "Tôi định thuê người đón con nhưng chưa tìm được người phù hợp và tin tưởng".

Trên các diễn đàn, nhóm lớp, không ít phụ huynh có con ở tiểu học cho hay bối rối, loay hoay tìm cách đưa đón, trông con sau giờ chính khóa. Cũng có người lo con không theo kịp chương trình, viết chữ xấu... vì thầy cô không nhận dạy kèm nữa. Lý do là Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 14/2, yêu cầu không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống.

Thực tế, quy định này không mới, mà có trong nhiều văn bản từ năm 2012. Tuy nhiên, việc dạy thêm vẫn diễn ra ở cả trong và ngoài trường, với hình thức và tên gọi khác nhau như phụ đạo, tăng cường, liên kết..., theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.

Sau Thông tư của Bộ, không chỉ giáo viên và trường công đồng loạt dừng dạy ngoài giờ mà một số trung tâm dạy thêm cho trẻ tiểu học, như dạy viết, Toán tiếng Anh, ôn thi cấp 2 chất lượng cao... cũng thông báo đóng cửa.

Chị Hoàng Mai, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, có con học lớp 5, sốt ruột vì điều này. Định hướng cho con vào một số trường tư thục có tiếng nên từ năm ngoái, bé học thêm ba môn Toán, Tiếng Việt ở trung tâm; học tiếng Anh với học gia sư riêng, tổng 5 buổi một tuần, hết hơn một triệu đồng.

Chỉ hai tuần nữa, con chị sẽ tham gia kỳ đánh giá năng lực của các trường. Con đang tập trung học với quyết tâm đỗ, thì chị Mai nhận tin lớp Tiếng Việt dừng học từ ngày 15/2, còn lớp Toán chuyển sang học online.

"Kế hoạch ôn luyện của con bị đảo lộn hết", chị Mai chia sẻ. "Tôi rất khó chịu trước quy định mới vì gây ảnh hưởng đến bao nhiêu gia đình nhưng không có lộ trình".

Học sinh trường Tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội, tựu trường, tháng 8/2022. Ảnh: Giang Huy

Học sinh trường Tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội, tựu trường, tháng 8/2022. Ảnh: Giang Huy

Ông Nguyễn Văn Ngai nói chia sẻ với phụ huynh tiểu học khi thói quen và nhiều kế hoạch thay đổi trong thời gian ngắn. Ông nhìn nhận thực tế nhiều gia đình không thể đón con lúc 15-16h, nên nhu cầu tìm chỗ học thêm như một hình thức trông giữ là có thật. Cùng với đó là việc ôn luyện để vào trường top đầu, cũng là mong muốn chính đáng.

Tuy nhiên, quy định cấm học thêm với học sinh tiểu học là hợp lý, bởi các em đang ở lứa tuổi vừa học, vừa chơi, nên việc học hai buổi ở trường, xong lại học thêm là không cần thiết.

"Học thêm với trẻ tiểu học chỉ tạo thêm căng thẳng", ông nói.

Đây cũng là suy nghĩ của chị Đỗ Hương, ở Hà Nội. Vì thế, con chị, nay học lớp 5, chưa từng đi học thêm.

"Tại sao phải ép con học từ lúc 7-8 tuổi trong khi con vẫn có suất lớp 6 trường công gần nhà?", chị lý giải. Ngoài giờ chính khóa ở trường, chị Hương cho con học thêm lớp vẽ và bóng đá. Vào mùa hè, bé được học bơi.

"Tôi luôn thấy vui vì bé ít ốm, thể lực tốt, có thêm tài lẻ là vẽ, thường tặng tranh cho người thân", chị nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Vĩnh Phúc cho rằng phụ huynh có thể tận dụng thời gian mà con không đi học thêm để gần gũi với con cái, tăng sự gắn kết, đồng thời dạy các em thêm nhiều kỹ năng mềm.

"Không chừng đây còn là cơ hội để các con tái tạo năng lượng, giảm áp lực để học tốt hơn", ông nói.

Ông Ngai khuyên phụ huynh không nóng vội việc cho con ôn luyện thi trường top, đặc biệt khi chương trình mới hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực thật sự của học sinh.

Về phía các trường, ông đề xuất đổi mới cách kiểm tra, đánh giá đầu vào, có thể bằng phỏng vấn, thực hiện dự án, trải nghiệm... Khi các bài thi nặng tính ôn luyện không còn, việc học thêm từ tiểu học sẽ tự bị hạn chế.

"Cái này rất cần sự tham gia từ phía địa phương, cơ quan quản lý giáo dục trong việc giám sát, hướng dẫn các trường", ông Ngai nói.

Với nhóm phụ huynh không thể sắp xếp đưa đón, ông Ngai gợi ý họ cho con tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao sau giờ học.

TS Chu Thị Thủy An, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Vinh, đồng tình. Theo bà, các trường và địa phương cần quan tâm đến nhu cầu của phụ huynh để có hình thức hỗ trợ phù hợp, chẳng hạn trông giữ ngoài giờ hoặc sinh hoạt câu lạc bộ năng khiếu, kỹ năng.

"Miễn là không nhồi nhét kiến thức văn hóa, gây áp lực cho học sinh thì ở một góc độ nào đó có thể chấp nhận được. Nếu cấm đoán hoàn toàn thì sẽ sinh ra các hình thức biến tướng, lách luật khó quản lý hơn", bà nhận định.

Chị Thúy vẫn đang loay hoay tìm phương án đón con. Trước mắt, chị sẽ cho hai bé tham gia câu lạc bộ năng khiếu của các trung tâm liên kết với trường.

"Nhạc, họa gì cũng được, miễn có người giữ con", chị nói. "Dù các lớp chỉ mở tới 17h30, con vẫn phải ở trường đợi mẹ đón, nhưng đỡ được chút nào hay chút ấy".

Chị Minh tính tới việc cùng một số phụ huynh góp tiền, nhờ cô giáo trông giúp. Nhưng chị cũng nghĩ cô sẽ từ chối, vì "đây là thời điểm nhạy cảm".

Còn chị Mai đang tìm sinh viên giỏi để đến nhà kèm thêm cho con môn Toán, vì nghĩ "gia sư đến nhà thì khó bị kiểm tra hay xử lý gì".

*Tên phụ huynh được thay đổi

Sau khi nhiều nhà trường thông báo dừng tổ chức dạy thêm theo Thông tư 29, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi bỗng thêm nỗi lo quản lý con ở nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hằng - Phương Lệ ([Tên nguồn])
Dạy thêm, học thêm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN