Phụ huynh sợ không dám bỏ học thêm
Nhiều gia đình phải bỏ qua lời mời của bạn bè đi du lịch vào dịp nghỉ 30-4 sắp tới kéo dài 5 ngày. Lý do đưa ra khá chính đáng là phải dồn thời gian cho con đi học thêm nhằm đối phó với kỳ thi tuyển sinh lớp 6. Không những thế, đứa nhỏ học mẫu giáo lớn cũng đang kín lịch với lớp học chữ “tiền tiểu học”.
Ít người dám nói “không”
Trong khi Bộ GD-ĐT đang tích cực lấy ý kiến về việc xử phạt hành chính trong giáo dục, đặc biệt là xử phạt trong vấn đề dạy thêm để hạn chế học thêm tràn lan thì khá nhiều phụ huynh không quan tâm tới việc này. Lý do là, họ đang bận tìm thầy, tìm lớp cho con học thêm để chuẩn bị cho con vào lớp 1...
Với những phụ huynh chưa có kinh nghiệm thì vẫn đang loay hoay tìm lời giải đáp qua bạn bè, qua các thông tin trên diễn đàn về việc có nên cho con tham gia khóa “tiền tiểu học” hay không. Còn với những phụ huynh đã có con đi học thì đa số câu trả lời sẽ là cần cho con học trước. Có muôn ngàn câu chuyện được các bà mẹ chia sẻ trên diễn đàn nhưng đều có điểm chung, đó là trên lớp với những bé chưa được làm quen với chữ, với tính toán sẽ vô cùng thiệt thòi vì ở vào thế yếu, vào thiểu số. Sức ép từ phía bạn bè, cô giáo và chính các bậc phụ huynh vốn không muốn con mình phải học sớm trước tuổi cuối cùng cũng phát sinh và trở thành áp lực đè lên những cô cậu vừa qua tuổi mẫu giáo. Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, tâm lý lúc này trở nên nhạt nhòa trước các bài học thực tế được đưa ra.
Phụ huynh, học sinh đang vào mùa luyện thi cho các kỳ tuyển sinh sắp tới
“Tốt nhất là nên tự chuẩn bị trước cho con hành trang vào lớp 1” - một cô giáo có kinh nghiệm với học sinh lớp 1 cho biết. Nguyên nhân, khi lớp học có sĩ số quá lớn, giáo viên không thể quán xuyến, sửa cách cầm bút, kiểm tra cách phát âm của từng cháu. “Không những thế, chương trình lớp 1 hiện nay khác xa so với trước. Bản thân các bậc phụ huynh ở độ tuổi này, phần lớn ngày trước đi học không cần bố mẹ kèm, không phải đi học 2 buổi. Nhưng bây giờ với chương trình mới, các con học 2 buổi trên lớp, tối vẫn phải về ôn lại bài. Nếu không có bố mẹ kèm cặp, các cháu khó có thể đạt được yêu cầu của chương trình, đọc thông, viết thạo ngay từ học kỳ II” - cô giáo này cho biết.
Một lớp luyện chữ cho các em mầm non trước khi vào lớp 1
Phản đối học 2 buổi/ngày
Với bậc phổ thông, một hiện tượng chứng minh tình trạng học thêm rộng khắp là việc phản đối học 2 buổi/ngày của phụ huynh. Tại huyện Mê Linh, Ban Giám hiệu trường THCS Tráng Việt phản ánh, mô hình học 2 buổi/ngày không phù hợp với nhu cầu của đại đa số gia đình khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế không cao. Học sinh 14, 15 tuổi ngoài việc đến trường còn phải giúp bố mẹ việc đồng áng, ruộng vườn, chăn nuôi. Nếu học cả ngày phụ huynh thường là không nhất trí mà thay vào đó chỉ cần cho con học thêm 1, 2 buổi/tuần.
Nông thôn đã vậy nhưng ở nội thành cũng có tình trạng tương tự khi không có nhu cầu cho con học cả ngày ở trường khi đã qua bậc tiểu học. Theo ông Nguyễn Như Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng, toàn quận hiện có 15 trường THCS được cấp phép dạy thêm, học thêm trong năm học này với 9.584 học sinh tham gia. Việc dạy thêm được tổ chức trong nhà trường vào các buổi chiều trong tuần (3 buổi/1 tuần), có hai trường (THCS Tây Sơn và THCS Lê Ngọc Hân) do không đủ phòng học nên tổ chức tại các địa điểm ngoài nhà trường.
Trả lời thắc mắc về việc vì sao 13 trường THCS có đủ phòng học để dạy thêm vào buổi chiều mà không tận dụng điều kiện đó để tổ chức cho việc dạy học 2 buổi/ngày - ông Nguyễn Như Thắng lý giải: “Đa số phụ huynh không muốn cho con học cả ngày tại trường, do độ tuổi THCS đã khá lớn. Trước đây, trường THCS Ngô Quyền đã tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng sau đó phải dừng lại vì tập thể phụ huynh đã làm đơn không đồng ý”. Thực tế, GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh phân tích, phụ huynh không có nhu cầu cho con đi học 2 buổi/ngày vì muốn thời gian buổi còn lại dành cho việc học thêm để đầu tư vào các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi ĐH.
Cuộc đua từ khi chuẩn bị vào lớp 1 và kéo dài 12 năm học để đến đích cuối cùng là ĐH đều phải nhờ cậy đến các lớp học thêm dày đặc. Câu hỏi đặt ra là phụ huynh có quá nhiều tham vọng hay vì nguyên nhân khách quan khác từ sự không cân đối giữa chương trình môn học, phương pháp giảng dạy với yêu cầu của các kỳ thi? Có lẽ cũng chính vì thế mà vượt lên mọi biện pháp từ kiểm tra, kỷ luật, phạt tiền, dạy thêm học thêm vẫn đang bao phủ hầu khắp các gia đình có con đi học ở mọi cấp.