Phụ huynh đừng thốt lên ‘con tôi xuất chúng’
Nhiều phụ huynh hào hứng đưa con đến các lớp học kỹ năng hoặc chính mình đi học các lớp huấn luyện con trở thành nhân tài, nhà lãnh đạo trong tương lai.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM câu chuyện về một học sinh giỏi trường chuyên nổi tiếng đã bị rối loạn tâm lý khi gặp phải thất bại đầu tiên trong đời. Cậu bé vốn luôn được cha mẹ khích lệ rằng mình là người giỏi giang nhất, nuôi dạy theo cách “con là xuất chúng” nên đến khi bị loại trong một cuộc thi thể thao cấp trường, cậu đã trở nên giận dữ, bất cần, xấu hổ, gây hấn với mọi người…
Những đứa trẻ bị ám thị
Nhiều học sinh khác cũng bị ảo tưởng quá mức, không nhận ra giới hạn của bản thân khi được cha mẹ đăng ký cho học các lớp như dạy con thành công, dạy con tài giỏi, dạy con xuất chúng… đang được quảng cáo rầm rộ.
Học phí cho các lớp, khóa học kiểu này từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng tùy thời gian dài, ngắn. Không ít đoạn clip trên mạng cho thấy những em bé còn nhỏ xíu đã hô khẩu hiệu rất kêu như “Tôi tài giỏi, tôi giàu có, tôi nhân ái”.
Một số em khác viết thư bày tỏ quyết tâm và lòng yêu thương, hoặc nhiều em ôm cha mẹ khóc nức nở bày tỏ lòng hiếu thảo, quyết tâm học hành… Những hình ảnh, clip này đã tác động mạnh mẽ tới tâm lý nhiều bậc phụ huynh.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết một số khách hàng của ông đã tỏ ra rất phấn khởi sau khi những lớp học này kết thúc, con cái họ tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy, “mèo lại hoàn mèo” khiến họ thất vọng. Một số em khác sau khóa học đã đặt ra mục tiêu học tập quá khả năng của bản thân, chẳng hạn chọn các trường không phù hợp nên nhanh chóng gặp thất bại. “Thất bại này là những đòn nặng nề giáng vào chính đứa trẻ. Phụ huynh thì hoang mang với khả năng thật sự của con lại càng khiến đứa trẻ tổn thương” - ông nhận xét.
“Rất nhiều người muốn con mình trở nên xuất chúng, đó cũng là lý do ngày càng nhiều lớp kỹ năng được mở ra nhằm vuốt ve, chiều theo mong muốn của cha mẹ. Nhưng mỗi đứa trẻ có một kiểu tâm lý, một khả năng khác nhau. Cách dạy phương pháp ám thị con là mình tài giỏi, xuất chúng sẽ tạo ra những phản xạ có điều kiện khiến trẻ có tâm lý tự tin hơn trong một thời gian ngắn. Đáng nói là nó chỉ có tác dụng với một số trường hợp, còn lại sẽ gây bất lợi cho những đứa trẻ khác. Đến lúc việc vực dậy tâm lý cho trẻ cũng khó khăn như cài đặt một hệ giáo dục gia đình chuẩn mực cho chính các phụ huynh” - chuyên gia tâm lý Lê Khanh phân tích.
Người lớn cũng ảo tưởng
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, nhiều phụ huynh khi tìm đến phòng tư vấn của ông đã giận dữ cho rằng “thầy không biết tư vấn”. Những người này luôn đòi hỏi chuyên gia tâm lý phải đưa ra được những giải pháp để con nghe lời, chăm học, thành công theo ý mình. Khi ông nói rằng vấn đề chủ yếu là ở phụ huynh chứ không phải ở con trẻ, họ đã kỳ vọng và đòi hỏi con phải trở thành một hình ảnh thành công nào đó không phù hợp với con. Họ luôn mong đợi có một giải pháp nào đó có thể giúp con họ giỏi giang mà không cần trả giá, không cần khổ luyện.
Theo ông Lê Khanh, nhiều người lớn cũng đang chạy theo các lớp huấn luyện kiểu như làm giàu không khó, tư duy thành đạt… Lẽ ra cần phải có kỹ năng nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, các giới hạn của bản thân thì họ cũng được khích lệ rằng họ rất có tài năng, họ phải nắm cơ hội và tự thay đổi để giàu có. Kết quả là nhiều người bỏ việc, nhảy việc, chuyển qua các lĩnh vực tay trái với mong muốn “làm giàu không khó”. Phần đông trong số họ mau chóng gặt được những thất bại nặng nề.
Ông Lê Khanh cho rằng cần chú trọng dạy con trẻ các giá trị nhân văn, cha mẹ phải làm gương cho con cái, dạy kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi. Một đứa trẻ được nhận một nền giáo dục gia đình lành mạnh sẽ luôn hạnh phúc và tự tin, từ đó dám đương đầu các thử thách và phát huy hết khả năng của mình.
Hiện gần như không có cơ chế nào kiểm soát hoạt động của các lớp học huấn luyện kỹ năng. Hội Tâm lý TP.HCM cũng chưa được giao nhiệm vụ thẩm định chất lượng mà lẽ ra hội nên có, hệ quả là giờ ai mở lớp cũng được, ai tư vấn cho phụ huynh cũng được. Có những người bằng cấp không rõ ràng, xưng là tiến sĩ ở một trường đại học không có uy tín nào đó ở nước ngoài nhưng vẫn mở lớp rầm rộ, thu phí khủng. Phụ huynh hay có tâm lý đắt xắt ra miếng, thêm kỳ vọng con mình xuất chúng nên bao nhiêu tiền cũng đóng để đi học. Hậu quả của việc tác động tâm lý phản khoa học không đến ngay mà nó đến từ từ, có thể rất lâu sau đó nên cũng không ai truy cứu trách nhiệm. Ở một số nước, hiệp hội tâm lý giám sát rất chặt chẽ các lớp dạy tâm lý, chỉ cần vi phạm đạo đức một lần thôi đã có thể bị ngừng hành nghề vĩnh viễn Chuyên gia tâm lý LÊ KHANH Loạn các lớp dạy kỹ năng Bên cạnh những trung tâm rất tốt thì tôi biết cũng có những trung tâm quảng cáo rất hay nhưng chất lượng rất kém. Họ hoàn toàn thiếu phương pháp sư phạm và thiếu luôn tính khoa học trong nội dung dạy. Nhưng các trung tâm này làm quảng cáo giỏi, đánh vào thị hiếu của phụ huynh hoặc là tìm mọi cách để được liên kết với các trường học giành thị phần. Khi dự các lớp ấy tôi mới nhìn thấy họ là những con buôn. Một cô giáo ở quận 1, TP.HCM |
Các tỷ phú tự thân được coi là những người đưa ra lời khuyên về tiền bạc tốt nhất bởi họ có được thành công...