Phụ huynh bức xúc vì nhiều khoản trường thu “quá tay”

Sự kiện: Giáo dục

Mới đây, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) khối lớp 10 tại Trường THPT Trưng Vương TP Hồ Chí Minh phàn nàn vì số tiền phải đóng để mua tivi, máy lạnh, dàn âmpli, cho mỗi lớp là trên 22 triệu đồng. Bình quân mỗi HS phải đóng 600.000 đồng.

Thắc mắc của phụ huynh không phải không có căn cứ, trang thiết bị giảng dạy học tập nằm trong khoản chi từ tiền ngân sách; hoặc từ nguồn thu của nhà trường, tại sao phải lấy từ sự hỗ trợ của PHHS?

Mỗi năm thêm phát sinh “tiền hỗ trợ”

Mặc dù năm học mới bắt đầu cũng đã được gần 2 tháng, nhưng đến nay chúng tôi vẫn còn nghe khá nhiều phụ huynh bàn tán việc đóng các khoản tiền học cho con. 

Ngoài các khoản tiền theo quy định của cơ quan quản lý giáo dục, thì thông qua Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh, nhà trường cũng “gợi ý” thêm nhiều khoản hỗ trợ: lắp thêm quạt điện ở hội trường, tiền tổ chức khai giảng năm học mới… 

Song song đó, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh hầu hết các trường học đều đưa ra việc đóng quỹ. Với nhiều mức đóng góp khác nhau, 500 ngàn đồng/người, có trường mỗi phụ huynh đóng quỹ đến 2 triệu đồng/người…

Một phụ huynh phải thốt lên: “Thật sự thấy các khoản chi hơi quá tay. Hoàn cảnh của gia đình tôi rất khó khăn, đầu năm học đóng quỹ lớp 500 ngàn, vợ chồng tôi đi bán từng bó rau nên kinh tế rất eo hẹp, bây giờ có phát sinh gì thêm mong những gia đình có điều kiện đóng góp giúp chúng tôi. Còn gia đình nào có điều kiện chi riêng…”.

Chuyện mà chúng tôi cũng được nghe khá nhiều là việc lắp máy lạnh trong phòng học sinh. Nhiều phụ huynh có ý kiến đóng góp tiền mua máy lạnh gắn cho con cái học đỡ nóng, nhưng cũng nhiều người phản đối. 

Một phụ huynh là bác sĩ có con đang học tại Trường Tiểu học L.Q.Đ ở quận 3 cho biết: “Đóng tiền để trồng cây xanh trong trường thì tôi sẵn sàng còn đóng tiền lắp máy lạnh thì tôi không đóng”.  Hàng năm, một số trường thu thêm kinh phí “tự nguyện” gây bức xúc trong phụ huynh.

Hàng năm, một số trường thu thêm kinh phí “tự nguyện” gây bức xúc trong phụ huynh.

Theo phân tích của vị bác sĩ này, lý do ông không đồng ý gắn máy lạnh trong phòng học, bởi vì học sinh khi ra chơi hay nô đùa sẽ ra mồ hôi, sau đó vào phòng máy lạnh có thể rất dễ bị bệnh. Trong phòng học đã có quạt, nếu cần thiết thì lắp thêm quạt nữa. Một vấn đề nữa là học sinh học trong phòng máy lạnh dẫn đến sức đề kháng sẽ yếu, nếu có bé bị bệnh lây nhiễm như cảm cúm thì rất dễ lây cho cả lớp…

Anh H.M cũng có con học tại trường này cho biết, một số phụ huynh nhà có điều kiện luôn đưa ra ý kiến cho việc đóng góp để mua sắm trang bị cho lớp học của con mình, nên nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn chạy theo cũng “đuối sức”. 

Còn việc đóng góp, anh M nói: “Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh nói rằng vận động phụ huynh đóng góp quỹ của hội nhưng lại đưa ra “giá sàn” là 700 ngàn đồng/người. Đã nói là vận động thì tuỳ khả năng của phụ huynh chứ sao lại đưa ra giá sàn, như vậy là quá vô lý”.

Tại một trường tiểu học thuộc quận 2, nhiều phụ huynh lại phản ánh về khoản tiền nuôi heo đất. “Thứ 6 hằng tuần học sinh phải bỏ tiền vào heo, tiền ăn sáng còn không có, học sinh làm gì có tiền mà nuôi heo. Tôi nghe nói việc nuôi heo trong trường học đã cấm rồi mà sao bây giờ vẫn còn bắt học sinh nuôi là sao?”, một phụ huynh nói.

Chúng tôi cũng nhận được phản ảnh của một số phụ huynh có con học tại Trường THPT Trưng Vương, quận 1, họ phải đóng 600 ngàn đồng/người để mua tivi màn hình lớn gắn trong lớp học. Việc này do Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường đưa ra trong lần họp phụ huynh vừa qua. Số tiền các lớp phải đóng trung bình là trên 22 triệu/lớp. Riêng màn hình tivi đã có giá trên 17 triệu, còn lại là tiền chi mua âmpli, cáp treo, dây gắn, tiền công thợ…

Thiết bị hiện đại mấy cũng không thể thay thế người thầy

Trả lời cho câu hỏi, số tiền mua thiết bị trên tại sao không được đưa vào hạng mục được sử dụng từ nguồn kinh phí công, ngân sách? Cô Lương Bích Nga, Phó Hiệu trưởng THPT Trưng Vương TP Hồ Chí Minh cho biết, do nguồn ngân sách công chỉ đủ đầu tư cho 5 phòng học chức năng trong đó được trang bị máy chiếu, dàn loa, âm thanh. Tuy nhiên số lớp học của 3 khối 10-11-12 là 45 lớp. Nếu xoay vòng học trong 5 phòng trên cho các lớp là không đủ. 

Theo đó, với HS lớp 10, tivi chủ yếu phục vụ các môn học như: Nhiếp ảnh, công nghệ thông tin, môn học tích hợp. Giáo viên sử dụng ĐTDĐ kết nối thẳng vào màn hình và giảng dạy trên màn hình của tivi. Cách dạy truyền thống phấn trắng bảng đen thì đã hạn chế từ vài năm nay. Nhà trường cũng có Quỹ Khuyến học với số tiền khoảng một trăm triệu. Nguồn kinh phí này dành cho hỗ trợ chi phí học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Không dùng khoản này để mua thiết bị. 

Ngoài ra còn có nguồn kinh phí ngân sách “Phát triển sự nghiệp”. Trong đó, được  sử dụng chi cho những hạng mục thuộc về “nhu cầu bức thiết” như: việc thay bàn ghế hàng năm. Hay chi cho các việc sửa sang chống thấm, chống dột. “Những khoản này là không vận động PHHS được”, và được coi là nguồn kinh phí công.

Riêng các hạng mục mà phải vận động PPHS trên tinh thần là những khoản tài trợ, không bắt buộc. Trả lời câu hỏi tại sao không đề nghị Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh duyệt cung ứng nguồn kinh phí cho việc mua tivi, máy lạnh, cô Nga cho rằng, nguồn kinh phí rót cho các trường ngày càng giảm. Ngoài ra, các thầy cô trong quá trình giảng dạy nhận thấy việc đầu tư màn hình tivi lợi hơn là sử dụng máy chiếu. Do vậy không chỉ THPT Trưng Vương mà hiện nay nhiều trường học không trang bị máy chiếu mà là mua tivi phù hợp với cách dạy tích hợp, hiệu quả hơn.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh xoay quanh nguồn kinh phí công được sử dụng ra sao trong trường phổ thông, ông Ngai cho biết, những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu học tập nhất là giảng dạy các môn tích hợp, việc giảng bài của các thầy cô đã sử dụng tới tivi, máy chiếu. 

Tuy nhiên, những thiết bị này dù hiện đại tới đâu nó cũng chỉ là một công cụ mà thôi! Thầy cô không nên quá  lạm dụng. Hiện, các giáo viên soạn bài ở nhà chứa trong USB mang tới lớp cắm vào đầu tivi để minh họa cho sinh động hơn. 

“Tuy nhiên không nên quá lệ thuộc vào phương tiện này. Cần sử dụng có chừng mực trong một số bài vở nào đó thôi. Nếu dùng thường xuyên thì sẽ rơi vào tình trạng bài giảng khô khan, thiếu sinh động, thiếu sự lao động, sáng tạo của người thầy” - ông Ngai khẳng định.

Lạm thu đầu năm học mới: Những nhà tài trợ bất đắc dĩ

Nhiều trường học tại Nghệ An ra sức ‘‘tận thu’’ theo hình thức “tự nguyện”, khoản thu tiền “xã hội hóa” đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Nga - Nhân Sơn ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN