Phụ huynh băn khoăn vì đủ loại phí không tên
Ngoài các khoản phí có tên, hầu hết các trường đều có thu tiền quỹ lớp, quỹ trường, quỹ hội phụ huynh với số tiền dao động từ 150.000 – 500.000 đồng/ học sinh/1 kỳ học.
Những khoản tiền này được các phụ huynh gọi là… “khoản phí không tên”.Tặc lưỡi đóng theo.
Vừa phải đóng cho con hơn 2.500.000 đồng tiền đầu năm, chị Hoàng Thị Thanh - phụ huynh có con học tại một trường Tiểu học (Quận Đống Đa – Hà Nội) cho biết: “Các khoản tiền khác không có thắc mắc gì, riêng quỹ lớp, quỹ trường, quỹ hội phụ huynh thì nhiều quá gần 600 – 700.000 đồng/học sinh/1 kỳ”?
Chị Thanh kể, khi Ban phụ huynh lớp thông báo thu chi tiền quỹ là cô giáo chủ nhiệm ra ngoài. Buổi họp phụ huynh bỗng bị chia làm 2 phe, bởi một số phụ huynh không đồng ý đóng nhiều như vậy. Nhất là khoản đóng thêm quỹ để chi tiền trông trẻ buổi trưa cho cô.
“Khoản tiền đó chỉ 30.000 đồng/tháng/học sinh, nhưng phụ huynh tính ra cô được thêm khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, trong khi ở trường cô đã được chi khoản này. Họ cho rằng Ban phụ huynh muốn nịnh cô nên cứ vẽ thêm”- chị Thanh “tường thuật”.
Ngoài những khoản có tên, nhiều phụ huynh còn điêu đứng vì nhiều khoản không tên
Tuy nhiên, chốt lại hầu hết phụ huynh vẫn tặc lưỡi đóng, vì số tiền nhỏ, hơn nữa cũng là để cô chăm sóc con chu đáo hơn. Số còn lại đành phải theo.
Phụ huynh Nguyễn Ngọc Anh (Từ Liêm – Hà Nội) có con học lớp 5 tuổi thì cho biết: “Tiền quỹ trường thì cô giáo thu, quỹ lớp thì hội trưởng Hội phụ huynh thu. Khi nộp tiền thì không ai giải thích gì, nhưng họp cuối năm thì được giáo viên và hội trưởng Hội phụ huynh đọc cho một dãy các khoản chi quỹ”.
Mức chi giống các lớp khác: Quà + hoa cho giáo viên ngày 20.10, ngày 20.11; thăm cô giáo ốm; mua gối ngủ trưa cho các con; tổ chức sinh nhật; tổ chức trung thu, hỗ trợ mua ghế….và cuối năm thì khoản quỹ bao giờ cũng chẳng thừa đồng nào.
Cũng có phụ huynh thắc mắc cần làm rõ khoản nào nhà trường trích tiền cơ sở vật chất, tiền học phí ra mua thì quỹ hội không cần phải chi nữa. “Nhưng rồi ai cũng tặc lưỡi cho qua, vì nói ra lại ngại đánh giá tiếc mấy chục nghìn”- chị Ngọc Anh nói.
“Đóng 10 đồng mà minh bạch thì vẫn vui vẻ”
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: “Tổng số tiền của mọi người phải đóng góp là rất lớn nhưng của mỗi người lại không phải là nhiều nên không thể “hình sự” hoá vấn đề được”. Cũng như số tiền quỹ trường, quỹ lớp một học sinh thì chỉ vài trăm, nhưng cả trường hàng nghìn học sinh số tiền đó sẽ lên đến tiền tỷ. Chính vì vậy cần có cơ chế công khai cho phụ huynh và học sinh biết việc sử dụng các quỹ này như thế nào?
Khi được hỏi về việc sử dụng các loại quỹ, Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) từ chối trả lời với lý do: “Quỹ hội phụ huynh thì do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu, quỹ lớp cũng do phụ huynh tự thống nhất thu và chi nên trường không quản lý và chịu trách nhiệm về các khoản này”.
Ông Nguyễn Đức Thạc - Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng: Nhiều phụ huynh “ấm ức” về các khoản thu nhưng cũng chỉ dám giữ trong lòng vì lo ngại sự phân hoá trong ứng xử của thầy cô đối với con cái họ.
Chính vì vậy họ “tặc lưỡi” với các khoản quỹ với hi vọng nó sẽ phục vụ được cho con em họ cả về vật chất và tinh thần: “Tuy nhiên, nếu các trường kể cả Hội phụ huynh làm được việc minh bạch công khai các khoản thu thì dù đóng 1 đồng hay 10 đồng họ vẫn vui vẻ” – ông Thạc nói.