Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cả nước chỉ nên chọn một ngày khai giảng
Phó Thủ tướng đề nghị cả nước tổ chức ngày lễ khai giảng năm học mới cùng một ngày và theo đúng các nghi lễ, tổ chức đơn giản, ngắn gọn vì học sinh.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai năm học mới 2015-2016 diễn ra ngày 12.8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành giáo dục thay đổi cách tổ chức khai giảng năm học mới.
PTT Vũ Đức Đam đề nghị cả nước chung một ngày khai giảng
Phó Thủ tướng cho biết, bản thân ông cũng nhiều năm dự khai giảng tại các tỉnh, thành và nhận thấy, ngày giờ khai giảng còn phụ thuộc vào lãnh đạo đến dự, trong khi đó học sinh phải ngồi chờ.
“Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng. Tôi đến dự khai giảng và nhà trường yêu cầu phát biểu nhưng phần lớn các cháu có để ý tôi phát biểu gì đâu”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Do đó, Phó Thủ tướng đề xuất cả nước tổ chức ngày lễ khai giảng năm học mới cùng một ngày và theo đúng các nghi lễ, tổ chức đơn giản, ngắn gọn vì học sinh. Cả nước chỉ khai giảng trong 1 ngày (sáng mùng 5 hoặc sáng mùng 4) và khai giảng đúng nghi lễ cần thiết là chào cờ.
“Nếu được, cả nước cùng làm một buổi, cùng một giờ, cùng một thời khắc, cùng hát quốc ca, cùng chào cờ cùng đọc thư Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn còn phần sau là để ngày hội cho thầy cô giáo và các cháu. Chúng ta làm thực sự vì học sinh. Chúng ta xem lại những lễ khai giảng trước vì các cháu hay vì người lớn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.
Sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức khai giảng trong một ngày.
“Bộ trưởng Luận yêu cầu các sở tổ chức khai giảng ngắn gọn.Tuy nhiên, ngày 5.9.2015 rơi vào thứ Bảy nên có nhiều ý kiến khác nhau trong việc chọn ngày khai giảng thống nhất. Vì vậy, các đơn vị lấy ý kiến theo số đông, chọn ngày khai giảng phù hợp”, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra những hạn chế của ngành giáo dục trong năm 2014-2015. Theo Phó Thủ tướng, chất lượng giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở một số nơi vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu. Tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn chậm, không đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, ở một vài nơi, một số hiện tượng chưa tốt trong giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường vẫn chưa được khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, thực tiễn chỉ đạo triển khai Thông tư 30 cho thấy, khó khăn, trở ngại lớn nhất trong triển khai đổi mới của giáo dục là thói quen cũ trong cách nghĩ, cách làm (của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, của cha mẹ học sinh và của xã hội). |