Phạt trẻ bằng cách nhốt vào phòng kín, hiệu quả ngay nhưng tác động xấu sẽ kéo lâu dài
Nhốt vào phòng kín là cách không chỉ giáo viên mà nhiều phụ huynh cũng áp dụng để phạt trẻ khi hư. Chuyên gia tâm lý cho rằng, đây là loại hình phạt có thể có kết quả ngay lập tức, nhưng sẽ để lại một tác động lâu dài.
Những ngày gần đây, vụ việc giáo viên tại lớp Panda của cơ sở giáo dục mầm non Maple Bear Westlake Point (địa chỉ tại 24 Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội) phạt học sinh bằng cách nhốt các cháu trong tủ đựng đồ đã gây bức xúc trong dư luận.
Theo chuyên gia tâm lý – giáo dục Vũ Thu Hương, hành động phạt nhốt trẻ vào tủ đựng đồ của giáo viên là cách giáo dục "độc hại" với trẻ. Khi áp dụng biện áp này, có thể khiến trẻ hoảng sợ, nín khóc ngay lập tức nhưng lại để lại dấu ấn tâm lý không tốt, nặng hơn có thể chấn động lâu dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ bị phạt mà những trẻ khác trong lớp cũng gián tiếp bị, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.
Hình phạt nhốt trẻ trong phòng kín dễ khiến trẻ có nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa
Thực tế thì không chỉ có các cô giáo mầm non hay áp dụng cách phạt này mà nhiều phụ huynh vẫn đánh vào nỗi sợ của con mỗi khi con mắc lỗi để giáo dục con. Chẳng hạn nhốt con vào phòng kín, toilet rồi đóng cửa hay cho trẻ đứng ngoài hành lang một lúc khi trẻ quấy khóc... Trong suy nghĩ của cha mẹ khi đó mục đích là để đe dọa nhưng với trẻ đây lại là hình phạt tàn khốc.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đa số người lớn thường phạt trẻ bằng cách đánh, quát mắng, cô lập chúng trong phòng tối hoặc nhà tắm… Những cách này dễ khiến trẻ có tâm lý rằng mình làm gì sai cũng sẽ bị ghét bỏ, bỏ rơi, dần dẫn đến thái độ thiếu tự tin trước mọi việc làm của bản thân. Trẻ khi đó mất đi tính sáng tạo. Hơn nữa, liên tục áp dụng điều này còn làm cho trẻ "nhờn thuốc" thì sau trẻ càng không nghe lời, coi đó là chuyện thường tình. Những lời răn đe của cha mẹ khi đó không còn hiệu quả.
Trường hợp của bé Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội) là một ví dụ. Ngày nhỏ cậu bé hay mè nheo, hư. Để uốn nắn con, bố mẹ bé đã nghĩ ra cách là đóng cửa tắt đèn nhốt con trong phòng mặc con gào khóc thế nào, chờ đủ 15 phút mới mở cửa. Và mỗi lần bé không nghe lời, nghịch ngợm, ăn vạ là lại bị bố mẹ mang điều đó ra hù dọa: "Không nín là nhốt vào phòng tối cho ông ba bị bắt". Nhiều lần như vậy, bé trở nên sợ bóng tối, nhút nhát. Học đến cuối cấp 1 khi đi ra ngoài lúc trời tối là co người lại sợ hãi. Ngủ bé cũng không cho tắt đèn, đi vệ sinh cũng phải có người đi cùng…
Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, việc giáo dục con từ nhỏ là tốt nhưng cha mẹ không nên quá áp lực và có nhiều biện pháp mạnh với con. Cha mẹ cần hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý từng độ tuổi của trẻ và mỗi đứa trẻ lại có những cách ứng xử cũng khác nhau. Trong giáo dục con, đôi khi có thể phải dùng biện pháp mạnh nhưng mức độ nào và hình thức nào phải căn cứ vào độ chịu đựng của trẻ chứ không trẻ nào giống trẻ nào. Và cần nhớ đừng nên vượt qua "ngưỡng" đó.
Trẻ nhỏ khi bị hoảng sợ kéo dài là đã thành "bệnh lý". Khi đó trẻ không chỉ bị ảnh hưởng trong sinh hoạt hằng ngày, học tập và cả trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Cha mẹ nếu không khắc phục được cho con thì cần đưa tới các phòng khám, trị liệu tâm lý để chuyên gia hỗ trợ.
Tại sao trẻ có thể kể rất nhiều việc với bạn bè ở lớp nhưng lại không tâm sự cùng cha mẹ? Đây cũng chính là băn...