Phát khổ đeo tấm chắn giọt bắn: Học sinh biết theo ai?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, trong 15 tiêu chí được ban hành, không có tiêu chí nào nói phải đeo mặt nạ chống giọt bắn. Đây là sự sáng tạo của các địa phương. Bộ Y tế cũng không có hướng dẫn phải đeo mặt nạ chống giọt bắn.
Ngoài khẩu trang, học sinh lớp học này của Trường Tiểu học Núi Thành còn đeo cả tấm chắn giọt bắn. Ảnh: Vietnamnet
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/5, phóng viên các cơ quan báo chí đặt câu hỏi về việc học sinh đi học trở lại ở nhiều địa phương đang nảy sinh những bất cập.
Đeo mặt nạ chống nóng: nên hay không nên?
Ngày đầu tiên đi học trở lại, hình ảnh học sinh tại một lớp ở Trường tiểu học Nhị Đồng, Dĩ An, Bình Dương đeo khẩu trang nhưng vẫn đeo thêm mũ có tấm ngăn giọt bắn được chia sẻ trên mạng xã hội nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Tại TPHCM, Trường THPT Trần Quang Khải sẽ phát 2.400 mũ chắn giọt bắn cho toàn bộ học sinh. Đây là quà tặng của một phụ huynh tài trợ để học sinh, giáo viên nhà trường sử dụng để tránh dịch bệnh.
Nhìn hình ảnh các em nhỏ vừa khẩu trang, vừa đội mũ ngăn giọt bắn, nhiều người cho rằng, việc đeo như vậy sẽ dẫn đến khó thở, nhất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nóng bức.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thấy yên tâm thì nên chăng, cho học sinh nghỉ thêm 1,2 tuần nữa. Vì nếu nghỉ thêm thì so với mấy tháng đã nghỉ thì “thấm tháp” vào đâu.
Về vấn đề này, cô Đỗ Thị Hạnh, giáo viên dạy môn Sinh- Hóa tại một trường THCS ở Hà Nội cho biết, nhìn hình ảnh học sinh đeo mặt nạ giọt bắn mà thấy thương.
Cô Hạnh cũng cho biết, lớp cô dạy chỉ có 17-20 học sinh. Các em chỉ đeo khẩu trang thôi mà nhiều lúc thấy học sinh phải kéo xuống để dễ thở. Đằng này, học sinh trong đó nhiệt độ nóng mà vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn thì … quá khổ.
“Nên chăng, nếu có thì nên cho học sinh đeo một trang hai thứ, một là khẩu trang không thì đeo mặt nạ chống giọt bắn thôi. Chứ bắt học sinh đeo cả hai thứ như vậy thì chắc gì đã thở nổi, còn học hành làm sao được nữa”- cô Hạnh cho biết.
Cô Thanh Huyền, một giáo viên ở một trường quốc tế ở Quận 1, TP.HCM cho rằng, trường cô đang dạy chỉ bắt buộc học sinh đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và rửa tay thôi chứ không áp dụng đeo mặt lạ chống giọt bắn.
Cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM cho rằng, việc các học sinh làm chuẩn chỉnh những bước như đeo khẩu trang đúng cách, khai báo sức khỏe, rửa tay diệt khuẩn cộng với giữ khoảng cách 1-1,5m như khuyến cáo đã yên tâm rồi. Còn việc đeo thêm như các trường là không cần thiết, hại mắt thì chưa chắc chắn nhưng ít nhất dễ gây mỏi mắt của học sinh.
“Việc đeo mặt lạ chống giọt bắn cần được các bác sĩ, Bộ Y tế lên tiếng để tránh gây ý kiến trái chiều của phụ huynh cũng như học sinh. Có khi tác dụng chưa thấy đâu mà lại gây hại với các học sinh rồi. Bộ y tế nên có hướng dẫn cụ thể tránh để học sinh thêm khổ”- cô Huyền Thảo chia sẻ.
Phụ huynh Đỗ Thanh Tùng, có con học một trường Tiểu học tại Quận Cầu Giấy cho biết, sang tuần sau hai con của anh mới quay trở lại trường. Dù rất lo lắng về an toàn khi con quay trở lại trường học, nhưng anh chỉ dạy con cách rửa tay diệt khuẩn, cách đeo khẩu trang, cách giữ cự ly với bạn bè chứ nếu trường có ý định dùng mũ có tấm ngăn giọt bắn thì anh cũng không khuyến khích.
“Thực ra, có mũ ngăn giọt bắn thì có tốt hơn nhưng nếu bắt con đeo cả khẩu trang nữa thì thực là quá thể. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng thế này, con đang quen sự thoải mái ở nhà, để con đội mũ và đeo khẩu trang thì cả vấn đề”- anh Tùng chia sẻ.
Bộ Y tế có khuyến cáo?
Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm của Bộ, đã đi học phải an toàn.
Mà theo Thứ trưởng, vấn đề an toàn phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế. Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, hướng dẫn thế nào là an toàn.
Thứ trưởng Độ cho rằng, Bộ GD&ĐT đã ban hành hai bản xây dựng tiêu chí đánh giá thế nào là một “nhà trường an toàn”. Theo đó, Bộ GD&ĐT đưa ra 15 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí cứng là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn toàn bộ nhà trường và không tổ chức hoạt động tập thể.
Chia sẻ với báo chí, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) cho biết, việc học sinh phải mang nón che giọt bắn trong lớp là không cần thiết.
Cũng theo bác sĩ này, nón che giọt bắn trên thực tế chỉ dùng trong những trường hợp thực sự cần như bác sĩ đứng đối diện để khám cho bệnh nhân hoặc nhân viên y tế làm việc trong môi trường lấy mẫu bệnh phẩm phải mang liên tục.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng, không có tiêu chí nào nói phải đeo mặt nạ chống giọt bắn. Bộ Y tế cũng không có hướng dẫn phải đeo mặt nạ chống giọt bắn. Đây là sự sáng tạo của các địa phương”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Ông Độ cho rằng, các địa phương nên làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn. Nếu Bộ Y tế khuyến cáo thì chúng ta nên làm, nếu không thì nên cân nhắc để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp.
Nguồn: [Link nguồn]
Mấy ngày qua học sinh đi học trở lại phải đeo khẩu trang, che tấm chắn, lớp học không bật điều hòa trong thời tiết...