Phạt giáo viên dạy thêm để... “chữa cháy”

Phạt giáo viên dạy thêm chỉ là giải quyết phần ngọn của sự trì trệ hệ thống giáo dục hiện nay: giáo trình không hợp lý, bệnh thành tích nặng nề, đời sống giáo viên ngày càng giảm...

Rất nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc đã “phản ứng” với thông tin phạt nặng giáo viên dạy thêm. Mặt trái của vấn đề học thêm là có thật nhưng không vì thế mà phủ nhận cả những mặt tích cực của nó. Xa hơn, việc “năng nổ” dạy thêm không hẳn là do giáo viên chủ động mà trong nhiều trường hợp họ là nạn nhân: chương trình quá tải, bệnh thành tích từ trên ấn xuống, phụ huynh yêu cầu...

Giáo viên làm gì nên tội!

Không đồng tình với quy định phạt này, bạn đọc Cấm Chỉ dẫn chứng: “Lúc còn học THPT, tôi cùng nhóm bạn gồm 10 đứa cùng đi học thêm. Thầy cô ôn lại kiến thức cơ bản và trọng tâm là giải nhiều bài tập. Sau 3 năm chúng tôi thi đại học, trong nhóm có 9 đứa đậu vào Trường Đại học Kinh tế, còn 1 đứa vào trường y khoa. Cùng thời, cũng có nhiều bạn học “chạy điểm”, nghĩa là thầy cô nào dạy trên lớp thì học thêm thầy cô đó để biết trước chương trình kiểm tra và thi. Ngành giáo dục thấy hiện trạng việc dạy thêm, học thêm có nhiều biến tướng, quản không xuể thì cấm, phạt. Cách làm này có thể lợi bất cập hại”.

Một bạn đọc lấy tên Bất Bình nói thẳng: Đây là cách làm thiển cận, không quản được thì cấm. “Tôi cũng là giáo viên đứng lớp. Chương trình sách giáo khoa quá tải, thi cử nặng nề, chỉ học lý thuyết trên lớp là đã hết thời gian thì lấy đâu thời gian để làm bài tập. Theo tôi cứ cho phép dạy thêm nhưng quản lý chặt chẽ, ai vi phạm nghề nghiệp sẽ bị xử lý” - bạn đọc này cho biết.

Phạt giáo viên dạy thêm để... “chữa cháy” - 1

Học sinh của một trường tiểu học tại TPHCM đang đến điểm học thêm sau giờ học chính khóa. Ảnh: Tấn Thạnh

Nhiều bạn đọc là giáo viên nói “huỵch toẹt”: “Tôi là giáo viên, học sinh có nhu cầu học thì tôi dạy, vừa có thêm thu nhập vừa giúp học sinh lấy lại căn bản, vừa giúp học sinh nâng cao kiến thức, có hại ai đâu? Sao lại cấm? Nói thật nếu học sinh không đi học thêm thì khó mà đậu đại học được. Khi chúng tôi đi đăng ký dạy thêm thì phải đóng thuế....Vô lý!!”.

Chỉ rõ những tồn tại của ngành giáo dục, bạn đọc Robert thẳng thừng: “Càng ngày Bộ GD-ĐT càng đưa ra những quy định buồn cười. Do quản lý kém, tắc trách ở những người đứng đầu vận hành nền giáo dục nước nhà, bệnh thành tích quá nặng... mà bây giờ đổ vấy cho giáo viên. Một người thầy sống suốt đời với bụi phấn, họ dùng tâm huyết của mình để truyền lại cho học trò thêm kiến thức thì tại sao lại "Phạt nặng giáo viên dạy thêm".

Đúc kết vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Thanh Năm kết luận: Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Đừng trói chân con ngựa, hãy đóng yên cương cho nó". Quản lý nhà nước không nên cấm việc dạy thêm mà hãy tạo điều kiện cho họ dạy thêm với điều kiện quản lý chặt, có khoa học để phát huy những mặt tích cực của vấn đề này.

Phụ huynh đồng tình

Nói về mặt trái của vấn đề dạy thêm, nhiều bạn đọc có con, em đang học thêm cũng không kém phần bức xúc. Họ cho rằng có quá nhiều nhiễu nhương trong việc dạy thêm mà với cương vị của họ không thể nào từ chối được.

Bạn đọc Xuân Thời dẫn chứng: “Nhiều giáo viên cho rằng mình dạy giỏi nên phụ huynh nài nỉ dạy thêm... là biện hộ, áp đặt vô lý cho phụ huynh. Thầy cô truyền đạt hết tâm huyết và kiến thức tại lớp thì học trò đã đủ giỏi rồi. Nếu học trò kém thì phải xem lại kỹ năng sư phạm của mình. Tôi thấy việc tăng giờ học trong trường cũng hợp lý nhưng các thầy cô cứ thích kéo học sinh về nhà. Con trai của tôi dù học khá và khá mệt mỏi với nhiều giờ phụ đạo nhưng cháu cứ đòi phải học thầy A, cô B vì thầy cô ấy mới... ôn đúng đề kiểm tra! Dù tôi rất ghét việc các cháu nhỏ phải học thêm nhưng cũng phải chiều theo con mình và không dám làm trái ý thầy cô giáo”.

Phạt giáo viên dạy thêm để... “chữa cháy” - 2

Ngoài giờ học chính khóa, học sinh cần thời gian vui chơi giải trí, tiếp xúc xã hội, nghỉ ngơi

Cùng cảnh ngộ, một phụ huynh khác kể: con của phụ huynh này học lớp 5 của một trường ở quận 1-TPHCM. Nếu cháu không đến nhà cô học thêm thì bị đì trong lớp, bị cho điểm kém về nhà khóc om sòm. Phụ huynh này phải chở con đến nhà cô giáo trên học mỗi tuần 3 buổi. Nhà cô chật hẹp, học sinh phải ngồi nhờ bàn ghế ở quán phở trước nhà. Lâu lâu kẹt tiền đóng tiền học thêm trễ 1 ngày thì cô giáo mặt nặng mày nhẹ, còn mẹ cô ngồi ngay trước cửa ra vào nhắc nhở "nhớ bữa sau đem tiền theo đóng". Sao mà khổ thế!”.

Một vấn nạn khác chính là phụ huynh quá thiếu trách nhiệm với con em của mình. Nhiều người xem học thêm như là cách trút bỏ gánh nặng chăm sóc con cái. Giao con cái cho giáo viên dạy thêm để mình “rảnh tay rảnh chân”. Nói cách khác xem giáo viên như người giữ trẻ. Đây cũng là nguyên do mà nhiều phụ huynh cứ nằng nặc yêu cầu giáo viên dạy thêm dù họ đã khá vất vả với chương trình chính khóa.

Bạn đọc Trần Phương Nam dẫn chứng: “Ngày xưa chúng ta đi học không có dạy thêm, học thêm. Nay con gái tôi đang học lớp 3, từ lớp 1 đến giờ tôi chưa cho đi học thêm ngày nào, cháu vẫn học giỏi nhất trường. Đơn giản là tôi tự kèm cho cháu ở nhà với phương pháp dạy theo thể trạng: hôm nào bé khỏe thì dạy nhiều, yếu thì dạy ít và mệt thì thôi. Khi thi thì tôi dặn cháu không cần điểm cao, cứ thoải mái làm hết khả năng của mình. Việc dạy thêm, học thêm tôi nghĩ không cần cấm, có cầu ắt có cung nhưng kèm các cháu là thể hiện trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái”.

Thầy, trò, phụ huynh đều oải

“Trong giờ chính khóa không thể dạy hết các dạng bài tập, nhất là bài thi đại học. Chỉ một số ít các em có chí tự lực, tự học được, còn phần đông học sinh không có tính kiên trì, tự học, gặp bài khó là bỏ qua. Từ đó mới xuất hiện nhu cầu học thêm. Còn kiểu dạy thêm sát đề kiểm tra trên lớp thì giáo viên đó là "con sâu làm rầu nồi canh”, kiếm tiền trên học trò lười. Nếu học như vậy các cháu chỉ nắm kiến thức theo kiểu học vẹt” - bạn đọc An Hòa.

“Ngày xưa có cái gọi là học thêm đâu vậy mà học trò vẫn cứ học tốt, thành tài thành danh. Tốt nhất là dạy và học làm sao mà chỉ cần học ở trường rồi về nhà tự học bài, tự tìm hiểu thêm qua sách tham khảo vẫn lên lớp, thi đậu. Học thêm chỉ khiến cho học sinh không phát huy được tính tự học, ỷ lại và thụ động hơn mà thôi. Phụ huynh đưa đón mệt mỏi, giáo viên căng giờ mà dạy không còn đủ thời gian tư duy cho nghề. Còn học sinh thì “chạy” từ sáng đến tối nên cũng chẳng sáng tạo được gì” - bạn đọc Phạm Quang Hiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Hồ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN