Phạt 30 triệu nếu ‘mắng’ học sinh: Giáo dục hà khắc hay văn minh?
Giáo viên có trách nhiệm trong hành xử nhưng cũng phải có điều lệ để bảo vệ họ, TS Tâm lý Trần Thành Nam đề xuất khi góp ý cho Dự thảo xử phạt hành chính lĩnh vực giáo dục.
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo được lấy ý kiến từ ngày 28/9/2018.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy từ 1-6 tháng.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, TS Tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội) đánh giá, dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với học sinh đặc biệt với những hình thức đánh, xúc phạm học sinh là tích cực và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
TS Trần Thành Nam
Phù hợp với xu hướng thế giới?
TS Nam cho biết, đã có nhiều bằng chứng rõ ràng về những ứng xử bạo lực, phi sư phạm của giáo viên làm tăng hành vi tấn công và bắt nạt ở học sinh, giảm điểm thành tích học tập và tăng tỉ lệ lo âu trầm cảm và tội phạm vị thành niên.
TS Nam cho rằng, theo tổ chức nhân quyền thế giới đã tuyên bố và chỉ rõ những hình thức giáo dục trừng phạt hà khắc với những hành vi như nêu trên vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ và có hơn 142 quốc gia trên toàn thế giới đã ra sắc luật nghiêm cấm những hình thức trừng phạt thân thể và xúc phạm học sinh trong các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà mái ấm thậm chí cả trong các cơ sở giáo dưỡng, giáo dục lại trẻ.
"Cần làm rõ các khái niệm trong dự thảo: "Xúc phạm nhân phẩm" phải định lượng ra, như cụ thể lời nói thế nào? Phải có hệ quả về mặt tâm lý trên trẻ như thể hiện qua cảm giác lo lắng, sợ hãi...Với học sinh có hành vi ngỗ nghịch, cần phải dạy các giáo viên các chiến lược quản lý hành vi. Giáo viên có trách nhiệm trong hành xử nhưng cũng phải có điều lệ để bảo vệ họ". TS Tâm lý Trần Thành Nam |
Vì thế, theo TS Nam, cùng với các sắc luật, các hình phạt cho những vụ việc bạo hành học trò trong trường học cũng được các nước trên thế giới đưa ra bao gồm nhiều hình thức kết hợp với nhau từ phạt hành chính, phạt tù, phạt tước quyền lợi làm trong ngành tùy theo mức độ.
“Việc dự thảo đưa ra phạt tiền 30 triệu, phải xin lỗi công khai và có thể đình chỉ dạy từ 1-6 tháng theo cũng có thể phù hợp trước hết thể hiện quyết tâm và thái độ kiên quyết của toàn ngành Giáo dục hiện nay chống lại bạo lực học đường, vì một môi trường giáo dục an toàn và thân thiện”- TS Nam nêu quan điểm.
Nếu nghĩ phạt 30 triệu là nặng, cách tiếp cận sai?
Hành vi bạo lực học đường cần xử lý nặng nên hình phạt cần đủ nặng. Tuy nhiên, theo TS Thành Nam, việc định nghĩa các trường hợp phải rõ ràng.
“Mức phạt ở đây có thể đến 30 triệu, tiếp cận của giáo viên đang sợ là mình bị vi phạm thì bị phạt nặng quá. Đây là cách tiếp cận sai. Phải tiếp cận là đồng ý không có bạo lực, họ sẽ không vi phạm”- TS Nam nói.
TS Nam cho rằng, với học sinh có hành vi ngỗ nghịch, cần phải dạy các giáo viên các chiến lược quản lý hành vi. Giáo viên phải có công cụ hữu hiệu quản lý hành vi lớp học đã thì mới thực hiện điều này được. Ở Mỹ, luật còn phòng đến mức người có tiền sự tiền án bạo lực không bao giờ được vào ngành. Người đánh học sinh bị cho ra khỏi ngành và không bao giờ vào lại.
Theo TS Nam, cần làm rõ các khái niệm trong dự thảo: "Xúc phạm nhân phẩm" phải định lượng ra, như cụ thể lời nói thế nào? Phải có hệ quả về mặt tâm lý trên trẻ như thể hiện qua cảm giác lo lắng, sợ hãi như thế nào đó.
“Nếu xử phạt không rõ thì khó có thể làm được hoặc lại dễ làm theo kiểu nộp tiền luôn khi vi phạm nếu để cho hiệu trưởng làm”- TS Nam băn khoăn.
Cần có điều lệ bảo vệ giáo viên
TS Nam cho rằng, trong dự thảo cần làm rõ việc ai giám sát, ai kết luận về mức phạt. Đây là vấn đề cần bàn thêm nữa. Trên thực tế, Mỹ đã ban hành luật chống bạo lực học đường từ những năm 1980 nhưng thực sự thay đổi trong giáo viên - hiệu trưởng cực kì chậm. Thậm chí, sau 10 năm vẫn có người ủng hộ giáo dục hà khắc.
“Vì vậy cần xây dựng một cơ chế giám sát, phát hiện, xử phạt thế nào cho minh bạch, nhất quán và hiệu quả”- TS Nam nói.
Mặt khác, theo TS Nam, dự thảo có cái “khó” cần bàn, kiểu bắt giáo viên không được đánh nhưng không cho họ công cụ quản lý hành vi thay thế thì chịu. Luật làm là phải thống nhất.
TS Nam đề xuất, cô giáo đánh bị phạt thì bố mẹ hay ai đó đánh thì cũng phải bị phạt tương tự. Nhưng phạt bố mẹ thì ai phạt. Với lại, nếu chỉ điều chỉnh trong trường học thì bố mẹ gây sự, làm nhục giáo viên trong phạm vi nhà trường cũng phải bị phạt nặng. Phụ huynh làm nhục con họ, hay học sinh khác trong trường cũng bị phạt tương tự.
“Nói đi phải nói lại, giáo viên có trách nhiệm trong hành xử nhưng cũng phải có điều lệ để bảo vệ họ”- TS Nam đề xuất.
Theo dự thảo nghị định xử phạt, mức phạt cao nhất có thể lên đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm.