Phản ứng của bạn là gì nếu con nói: “Mẹ ơi, lấy cho con ly nước?”
Khi con cái yêu cầu cha mẹ làm việc gì đó cho mình ngay lập tức, phản ứng của mọi người thường rơi vào 2 trường hợp.
Khi cha mẹ học cách buông bỏ từ từ, cho con cơ hội thử sức, họ có thể phát triển sự tự tin và tự chủ của con, đồng thời giúp con bình tĩnh đối mặt với những trở ngại trong tương lai.
Cuối tuần, có một người mẹ đang nấu ăn trong bếp, chợt nghe con gái gọi lớn:
“Mẹ, lấy cho con ly nước”, giọng điệu khẩn cấp và có chút ra lệnh.
Cô sửng sốt, nghĩ xem mình có nên đi rót nước cho con không?
Trong cuộc sống, luôn có những đứa trẻ ngạo mạn, hách dịch người lớn tuổi.
"Bà nội, giày của con đâu? Lấy giúp con".
"Cha, nhanh lấy cho con quần áo”.
Ảnh minh họa.
Khi trẻ có thói quen ra lệnh cho cha mẹ, hầu hết phản ứng của cha mẹ có thể là: Làm ngay, đáp ứng yêu cầu của con hoặc từ chối, tiếp tục làm việc của mình.
Nhưng bạn hãy bình tĩnh và suy nghĩ lại, liệu 2 phản ứng này có thực sự tốt cho trẻ?
Nghe lời chẳng khác nào chiều chuộng con cái
Nhiều bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng, việc lấy nước hay mang tới một đôi giày chỉ đơn giản là cách mà mình yêu thương, chăm sóc con.
Trên thực tế, điều quan trọng không phải là mọi việc đơn giản hay phức tạp mà là trẻ em cần được tạo cơ hội để thử sức mình.
Việc nghe lời trẻ một cách mù quáng chỉ khiến chúng ỷ lại, luôn cần người lớn giúp đỡ trong mọi việc.
Ngụy Vĩnh Khang (Trung Quốc) là một thiên tài trong học tập. Năm 4 tuổi, cậu đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở, vào đại học năm 13 tuổi và học thạc sĩ năm 17 tuổi tại Học viện Khoa học Trung Quốc.
Mẹ cậu rất yêu thương cậu, làm mọi việc từ mặc quần áo, ăn uống cho đến thúc giục con làm bài tập về nhà.
Nhưng khi đang học thạc sĩ, cậu sớm gặp khó khăn trong cuộc sống vì thiếu sự giúp đỡ của mẹ. Phòng ký túc xá của cậu thường xuyên không được dọn dẹp, đống rác cao như núi. Cậu thậm chí còn thản nhiên mặc áo sơ mi ngắn tay vào mùa đông vì không biết tự mua áo ấm.
Khi không có sự giúp đỡ của mẹ, cậu thường không để ý tới thời gian, không đến lớp, bỏ dở việc học. Cậu liên tục thi trượt các môn học, cuối cùng đã bị đuổi học.
Đằng sau mỗi đứa trẻ không biết làm gì cả là những bậc cha mẹ quá chiều chuộng và không muốn buông tay con mình.
Từ chối làm theo ý muốn của con có phải bỏ bê cảm xúc?
Trước những mệnh lệnh lớn tiếng của con, nhiều khi cha mẹ không những không muốn giúp đỡ mà còn lo lắng việc đó có thể gây hại cho con mình. Tuy nhiên, sự từ chối tàn nhẫn của cha mẹ lại mang đến tổn hại cho con cái.
Để nuôi dưỡng tính tự lập của con gái, có một người mẹ đã đưa ra quy tắc rằng: Mọi việc con có thể làm thì hãy tự làm, nếu để cha giúp đỡ, chắc chắn cha sẽ bị chỉ trích.
Có lần một người đến nhà cô ấy làm khách. Trước khi ăn, con gái cô hét lớn:“Mẹ ơi, chiếc váy hồng của con mất rồi”.
Cô lờ đi và thay vào đó đổ lỗi cho con gái mình: "Việc của mình phải tự mình giải quyết, nếu đánh mất thì con phải tự đi tìm”.
Lúc này, con gái cô khóc lớn: "Mẹ ơi, con thật sự không tìm được. Mẹ không giúp con tìm được sao?".
Rõ ràng, lúc này, cô bé không còn đơn giản là không tìm được váy nữa mà hy vọng có người có thể giúp đỡ trong lúc tuyệt vọng. Thế nhưng, người mẹ lại phớt lờ con mình, bỏ mặc con khóc lóc trong phòng.
Đôi khi trẻ không thực sự muốn ra lệnh cho cha mẹ nhưng chúng muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ, mục đích là để có được nhiều kết nối tình cảm hơn bằng cách yêu cầu giúp đỡ.
Cũng giống như cô bé trên, cô bé cũng muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mẹ thông qua việc được mẹ giúp tìm váy. Cô bé chỉ muốn biết rằng, mẹ yêu mình, sẵn sàng giúp đỡ mình nếu gặp khóc khăn.
Đâu mới là phương pháp giáo dục tốt nhất cho trẻ?
- Chấp nhận và để trẻ cảm thấy được quan tâm
Có một cuộc khảo sát cho thấy, khi cha mẹ chấp nhận cảm xúc của con, cảm xúc của trẻ nhanh chóng được giải tỏa, bộ não bốc đồng của chúng được chuyển hóa thành bộ não lý trí.
Vì vậy, dù hoàn cảnh hay thái độ của trẻ thế nào, trước tiên cha mẹ cũng nên chấp nhận những nhu cầu của con mình lúc này.
Cha mẹ có thể chấp nhận bằng lời nói hoặc bằng hành động, hiệu quả tốt nhất là sử dụng cả 2 cùng nhau.
Ví dụ, bạn có thể dùng lời nói để an ủi con: “Ồ, con khát nước và muốn uống nước phải không?”
Hoặc nói: “Mẹ nghe rồi. Có vẻ như con rất muốn mặc chiếc váy đó”.
Bạn cũng có thể sử dụng các hành động để chấp nhận con mình, chẳng hạn như đến gần trẻ, ngồi xổm xuống, nhìn hoặc dùng tay chạm vào lưng trẻ.
Hãy giải quyết tâm trạng của trẻ trước, sau đó mới giải quyết rắc rối sau. Khi những cảm xúc, yêu cầu của trẻ được cha mẹ hiểu và chấp nhận, cảm xúc trẻ sẽ ổn định.
- Khuyến khích trẻ hoàn thành những gì chúng có thể
Mục tiêu cuối cùng của cha mẹ trong việc nuôi dạy con là nuôi dưỡng một con người độc lập, có thể tự chăm sóc bản thân và có chính kiến riêng.
Một số việc như rót nước, tắm rửa, mặc quần áo… cần được để trẻ tự làm càng sớm càng tốt, khuyến khích trẻ hoàn thành những việc trong khả năng của mình.
Dù trẻ còn nhỏ nhưng khi được cha mẹ hướng dẫn từng bước, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, trẻ sẽ có thể sống tự lập và tự tin.
- Hiểu được nhu cầu của trẻ và tạo sự kết nối về mặt cảm xúc
Mỗi đứa trẻ là một cái cây nhỏ cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương của cha mẹ để lớn lên thành một cây cao chót vót.
Có một bà mẹ chia sẻ trên trang Zhihu về cách mình đáp nhu cầu của con mình.
Khi đứa trẻ bảo cô lấy tất, cô đã nói rõ ràng với chúng rằng: “Con cần mang tất phải không, mẹ phơi chúng ở ban công, con có thể tự ra lấy được không”.
Quả nhiên, khi đứa con mang tất vào phòng, cô phát hiện con mình rất cáu kỉnh vì chúng đang vội. Sau đó, cô an ủi nhẹ nhàng, đứa trẻ không còn giận mẹ nữa, tự mình mặc quần áo và mang tất.
Khi một đứa trẻ cư xử bất thường hoặc thậm chí cố tình gây rắc rối, điều trẻ cần nhất lúc này có thể là sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ.
Nếu cha mẹ làm những điều này, trẻ sẽ có cơ hội để tự lập và phát triển tốt hơn.
Nguồn: [Link nguồn]