Phân luồng thí sinh xong rồi sao nữa?

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp giảm 5% so với năm 2016. Điều này có thể thấy, công tác phân luồng chưa thực sự ổn định. Còn từ thực tế địa phương, hậu phân luồng mới thực sự đáng nói vì nó liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sau này.

Phân luồng thí sinh xong rồi sao nữa? - 1

Học sinh trường THPT Thực nghiệm Hà Nội trải nghiệm tại trường CĐ nghề cơ điện Hà Nội. Ảnh: Nghiêm Huê.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết năm nay, chỉ có 41% thí sinh thi THPT quốc gia của Hòa Bình đăng ký xét tuyển ĐH. “Vài năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH của Hòa Bình không cao. Một phần do đặc trưng của tỉnh miền núi, khó khăn, phần do công tác phân luồng của ngành thực hiện tốt” – ông Vinh cho hay.

Cũng theo ông Vinh, sau THPT, học sinh của Hòa Bình sẽ có các hướng rẽ như lao động phổ thông hoặc đi học nghề. Đối với hướng lao động phổ thông, có hai lựa chọn. Thứ nhất, những học sinh ở các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy sẽ gắn bó với nghề trồng cam của địa phương. Còn ở các vùng khác thì sẽ đi làm công nhân tại các nhà máy như Samsung Thái Nguyên hoặc Canon Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho biết, năm nay, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH của tỉnh là 50%. Ông Nguyễn Đức Hiền cho hay, từ năm 2008, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành công tác phân luồng học sinh từ sau THCS.

Tuy nhiên, ông Hiền khẳng định, kết quả phân luồng của Bắc Giang tốt không phải công của riêng ngành giáo dục, mà còn do nhận thức của phụ huynh đã thay đổi. Người dân quan tâm đến công ăn việc làm của con cái sau khi ra trường, không còn chạy theo bằng cấp nữa.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên được tỉnh giao cho  nhiệm vụ thực hiện công tác phân luồng, vừa dạy chương trình văn hóa, vừa dạy nghề cho học sinh. Đối với những học sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, khi tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng trung cấp nghề. Các trung tâm giáo dục thường xuyên còn phải có nhiệm vụ đưa học sinh đi thực tập và giới thiệu việc làm.

Hai nghề mà học sinh Bắc Giang học xong ra thường có việc làm ngay là may công nghiệp và cơ khí.  Chính vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp THPT học sinh đã có việc làm và thu nhập ổn định. Đó là  lý do mà phụ huynh, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có động lực vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

“Mặc dù trên địa bàn tỉnh có các trường nghề rất khó tuyển sinh nhưng trung tâm giáo dục thường xuyên năm nào cũng quá tải. Vì học sinh tốt nghiệp THPT ra có hai bằng và lại có công ăn việc làm. Đây là cách làm của Bắc Giang” - ông Hiền nói. Năm nay, Bắc Giang  có 22.000 học sinh  tốt nghiệp THCS, trong đó gần 17.000 học sinh  thi vào THPT còn lại hơn 5.000 học sinh đăng ký vào trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Vẫn còn nhiều lao động giản đơn

Đối với học sinh lớp 12, ông Hiền cho hay, các trường THPT đều làm công tác hướng nghiệp theo hướng phục vụ nhu cầu lao động, phù hợp với phát triển kinh tế của địa phương, không chạy theo xu hướng của xã hội, tránh những nghề đang thừa nhiều.

“Từ nhiều năm nay, Bắc Giang có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 12 không tham gia xét tuyển ĐH lớn. Một phần trong số này sẽ đi làm lao động phổ thông trong các nhà máy như Samsung, may công nghiệp, một phần sẽ đi vào miền Nam. Còn những học sinh ở vùng Sơn Động thì sẽ sang Trung Quốc lao động theo mùa vụ”- Ông  Hiền cho hay.

Nhưng đây cũng là vấn đề mà những người làm giáo dục như ông Hiền trăn trở.  Thầy cô ở các trường THPT cũng đã tham vấn cho học sinh đừng vội đi làm sớm.

 “Vào đời cần phải có trong tay một nghề, có thể học tại  các trường nghề, không nhất thiết phải vào ĐH. Chúng tôi vẫn khuyên các em nên cố học một  ngành nào đó rồi mới đi làm. Đi  lao động giản đơn luôn, như báo chí vừa qua phản ánh, ngoài 30 tuổi,  các công ty sẽ đào thải thì rất nguy hiểm, không bền vững” - ông Hiền chia sẻ.

Thực tế ở Bắc Giang, nguồn nhân lực tham gia lao động tại các nhà máy của công ty Samsung khá nhiều. Lao động có  bằng nghề  đều đảm nhận những vị trí nhất định ở các tập đoàn này, lương cao hơn, không bị sàng lọc như lao động đại trà.

Hay như tại các công ty may xuất khẩu, lao động có bằng CĐ thiết kế  thì sẽ đứng ở những vị trí tốt, quan trọng.  Chính vì vậy, ngoài việc tham vấn cho học sinh, các trường THPT của Bắc Giang còn tổ chức cho học sinh đi tham quan ở các nhà máy trên địa bàn để học sinh nắm được tình hình thực tế.

Trăn trở của Bắc Giang cũng là trăn trở của Hòa Bình. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, các công ty lớn về tận các trường THPT đưa đón học sinh, phụ huynh  đến tham quan nhà máy, nơi ăn chốn ở của công nhân. Chính vì vậy, phụ huynh chỉ nhìn thấy ra trường là con chỉ mất ba tháng học nghề tại các nhà máy, vừa học vừa có thu nhập, sau đó lương từ 3 triệu đến 4 triệu là yên tâm.

Với người dân vùng khó, thì thu nhập như thế là con số đáng mơ ước của họ. Nên họ cũng không thiết tha cho con đi học để có nghề. “Chúng tôi cũng đã tư vấn nhưng thực tế, nếu đi học nghề, học sinh được hỗ trợ miễn học phí, phụ huynh không nhìn thấy có tiền ngay, không có thu nhập nên họ vẫn không mặn mà”- ông Vinh cho hay.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, học sinh tốt nghiệp THPT không còn đổ xô vào ĐH là điều đáng mừng. Nhưng sau đó, nguồn nhân lực sẽ thế nào? Không lẽ lao động Việt Nam cứ mãi chỉ lao động giản đơn, lao động phổ thông? Các công ty nước ngoài đến Việt Nam, sử dụng hết giai đoạn sung sức nhất của mỗi người (từ 20 – 35 tuổi) rồi đào thải, lao động lại ra đứng đường với hai bàn tay trắng?

Ông Nguyễn Đức Hiền cho hay, từ năm 2008, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành công tác phân luồng học sinh từ sau THCS. Tuy nhiên, ông Hiền khẳng định, kết quả phân luồng của Bắc Giang tốt không phải công của riêng ngành giáo dục, mà còn do nhận thức của phụ huynh đã thay đổi.
Công bố kết quả thi THPT Quốc gia chậm nhất ngày 7/7

Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã chấm thi xong, có thể đến ngày 6/7, một số nơi sẽ công bố điểm thi trước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN