Phải học 9 năm mới được làm bác sĩ
Do đặc thù của nghề cứu, chữa người, sắp tới đây sinh viên y khoa phải học liên tục chín năm mới được cấp bằng bác sĩ chuyên khoa, đủ điều kiện để hành nghề.
Trong buổi thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 27-10 tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị Luật Giáo dục đại học (ĐH) phải có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. Theo đó, sinh viên y khoa ngoài học sáu năm tại ĐH y khoa thì phải có ít nhất 2-3 năm học chuyên khoa và thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề mới có thể hành nghề, như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế.
Học trên sáu năm: Phù hợp với xu thế thế giới
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Trần Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết việc người bác sĩ có đủ điều kiện hành nghề phải học trên sáu năm là không mới trên thế giới. Việc này đã được bàn trong các hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH y và các hội thảo đổi mới chương trình đào tạo y khoa trong nước theo hướng hội nhập quốc tế của Bộ Y tế.
Theo PGS-TS Trần Hùng, chương trình đào tạo y khoa hiện nay sinh viên chỉ học sáu năm thì tốt nghiệp, được cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chưa có đủ kỹ năng thực hành và điều kiện hành nghề. Các bác sĩ mới tốt nghiệp cần phải được đào tạo thêm về thực hành từ 18 tháng trở lên mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ của một bác sĩ đa khoa và được cấp chứng chỉ hành nghề. Việc đào tạo để trở thành bác sĩ chuyên khoa cần thời gian dài hơn nhưng trung bình là ba năm. Đây cũng là cách thức đào tạo chung trên thế giới.
Như vậy, tối thiểu cần chín năm để đào tạo ra một bác sĩ chuyên khoa, chưa kể các chuyên khoa sâu phải mất thời gian đào tạo lâu hơn. Chất lượng đào tạo y khoa ở nước ta hiện nay không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo và chưa thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh. Vì thế, việc tăng cường đào tạo thực hành lâm sàng (18 tháng) và thi quốc gia lấy chứng chỉ hành nghề là điều cần thiết phải thực hiện để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa các bác sĩ đa khoa.
Nhà trường sẽ kết hợp với các bệnh viện (BV) có đủ điều kiện để đào tạo thực hành theo mô hình trường viện được quy định trong Nghị định 111/2017 của Chính phủ. Chương trình đào tạo này góp phần nâng cao khả năng thực hành của đội ngũ bác sĩ hiện nay, cần thiết cho công việc trực tiếp liên quan đến sức khỏe con người.
PGS-TS Trần Hùng cũng cho rằng chính sách giáo dục cần tạo điều kiện cho người sau tốt nghiệp đi học thực hành tại BV có thu nhập ổn định để yên tâm học tập và phát triển kỹ năng. Tại các nước trên thế giới, bác sĩ tốt nghiệp ĐH, khi thực hành dưới sự hướng dẫn tại BV được hưởng lương tập sự.
Một ca phẫu thuật tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Lan
Phân biệt rõ thành phần để đào tạo
BV Chợ Rẫy, TP.HCM là đơn vị hằng năm tiếp nhận số lượng lớn các sinh viên y khoa hoặc bác sĩ học chương trình nội trú, chuyên khoa thực hành. BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho hay BV luôn tạo điều kiện cho các sinh viên, bác sĩ ra trường học thực hành và xác định đây là việc tiếp sức cho thế hệ bác sĩ mai sau.
Theo BS Việt, với quy định hiện tại, bác sĩ đa khoa ra trường phải thực hành 18 tháng tại BV mới được cấp chứng chỉ hành nghề, được khám bệnh trực tiếp cho bệnh nhân, vị chi mất 7,5 năm. Tuy nhiên, để được khám chuyên khoa phải tiếp tục mất thêm vài năm nữa. Cũng có những người học sáu năm xong không đi theo con đường khám chữa bệnh thì không cần thực hành. Do đó cũng cần phân biệt rõ hai thành phần để đào tạo.
Hiện tại BV đang tiếp nhận sinh viên, người học thực hành tại BV theo cơ chế viện trường và trên tinh thần hỗ trợ qua lại là chính. “Nếu chương trình học mới gắn việc học với đào tạo thực hành thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên không cần phải tự tìm nơi đủ điều kiện để thực hành. Do đó, giữa nhà trường và BV cần có cơ chế chủ động phối hợp rõ ràng hơn và xác định thực hành tại BV là chương trình học. Học chuyên khoa có thể sẽ phải đi thực hành nhiều hơn” - bác sĩ Việt đề xuất.
Về vấn đề đãi ngộ, theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các chính sách cũng cần xem xét mức lương của bác sĩ. “Học ngành khác chỉ mất bốn năm, còn học bác sĩ kéo dài 8-9 năm mà mức lương khởi đầu cũng giống nhau thì không tạo động lực cho các bác sĩ. Vấn đề này cũng đã được Bộ Y tế kiến nghị xem xét” - bác sĩ Tăng Chí Thượng nói.
Các nước đào tạo nghề y như thế nào? Mỹ: Để trở thành bác sĩ ở Mỹ, sinh viên phải mất 11-14 năm đào tạo để có thể chính thức hành nghề. Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa ở Mỹ gồm ba giai đoạn: ĐH (bốn năm), trường y (bốn năm) và chuyên khoa (3-7 năm) tùy vào từng chuyên ngành. Pháp: Sinh viên ở Pháp phải mất ít nhất tám năm để trở thành một bác sĩ thông thường và 11 năm để trở thành bác sĩ phẫu thuật, đồng thời liên tục phải trải qua các kỳ kiểm tra gắt gao. Quá trình học tập để trở thành bác sĩ ở Pháp trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn cơ bản (PCEM) kéo dài hai năm; giai đoạn chuyên ngành (DCEM) kéo dài bốn năm; giai đoạn 3 sinh viên có hai sự lựa chọn, một là bác sĩ y khoa thông thường (hai năm), hai là chuyên gia y tế (4-5 năm). Úc: Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tại Úc chia làm ba bậc. Ở bậc thấp nhất đào tạo cử nhân kéo dài 5-6 năm, bốn năm học kiến thức khoa học căn bản và một năm thực hành, đi sâu vào chuyên ngành. Tiếp đó là chương trình đào tạo sau ĐH (bốn năm) và cuối cùng đi thực tập và đào tạo nội trú tại BV khoảng 2-3 năm. Trung Quốc: Trung Quốc đào tạo bác sĩ chỉ mất năm năm. Bốn năm đầu cho chương trình ĐH và một năm để thực tập tại BV. Singapore: Thường ở Singapore chương trình đào tạo cử nhân ngành y chỉ mất khoảng 4-6 năm (tùy chuyên ngành) nhưng để trở thành bác sĩ thành thục hành nghề thì phải mất thêm khoảng ba năm. Quá trình học tập để trở thành bác sĩ ở Singapore trải qua ba giai đoạn: Sáu năm ĐH, một năm định hướng, hai năm sau ĐH. TÚ QUYÊN Sở Y tế TP.HCM ủng hộ đào tạo bác sĩ 9 năm Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) là đầu mối biên soạn, tham mưu chương trình học đang được lấy ý kiến trong Luật Giáo dục ĐH. Chương trình học này được dự thảo trên cơ sở tham khảo mô hình đào tạo y khoa ở nhiều nước phát triển. Quan điểm của Sở Y tế TP.HCM là ủng hộ thay đổi chương trình theo xu thế hội nhập này. Hiện tại, bằng bác sĩ của Việt Nam chưa được thế giới công nhận vì chương trình đào tạo chưa theo chuẩn mực các nước trên thế giới. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của nước ta chưa cao, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời gây tốn kém thời gian và kinh phí cho bác sĩ. Với chương trình học hiện nay, bác sĩ thường đi làm một thời gian rồi mới đi học thêm chuyên khoa. Với cách học mới, bác sĩ phải đi học liên tục đến khi có bằng chuyên khoa rồi mới đi làm, như thế họ sẽ được trang bị kiến thức, thực hành đầy đủ, thuận lợi hơn cho việc khám chữa bệnh. PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM |
Ngày 19-1, ông Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đang kiến nghị...