Phá sản phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi
Mục tiêu của Đề án phát triển giáo dục mầm non - đến cuối năm 2015 toàn quốc phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi - đã không đạt được. Trong khi đó, nhiều nơi sĩ số vẫn vượt quá quy định, lương của giáo viên không đủ sống.
Nhiều chỉ tiêu không đạt
Năm 2006, đề án phát triển giáo dục mầm non yêu cầu đến năm 2015 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đề án được coi là cú hích tạo bước chuyển biến cơ bản giúp hệ thống giáo dục mầm non được quan tâm đầu tư xây mới trường lớp, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cải thiện chế độ chính sách của cả giáo viên lẫn trẻ em. Đề án phát triển giáo dục mầm non được phê duyệt kinh phí lên tới 14.660 tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2014, kinh phí thực hiện ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng (63,5%).
Trong đó, phần lớn số tiền được cho là xây dựng trường học mới, nhà công vụ cho giáo viên, mua đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học. Tính đến năm 2014-2015 số lượng trường mầm non được xây mới tăng hơn 3.000 trường so với năm 2006, tỉ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) được huy động đến trường cũng tăng 7,8%. Giáo viên cũng tăng hơn 81.000 người, đạt tỉ lệ 1,7 giáo viên/nhóm/ lớp.
Tuy nhiên, theo đánh giá tổng kết của đề án, đến nay nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được. Ví dụ, tỉ lệ huy động trẻ đến lớp hiện đạt 25,3% trong khi mục tiêu đặt ra là 30%; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia 31,1% (mục tiêu 50%). Đặc biệt mục tiêu đến cuối năm 2015 toàn bộ trẻ được phổ cập mầm non đã bị phá sản khi mới chỉ có 45/63 tỉnh thành được công nhận phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi (đạt 71,4%.) Toàn quốc đang có 233 xã chưa có trường mầm non.
Lương giáo viên không đủ sống
Bà Bùi Thúy Phượng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, tính đến tháng 2/2016 địa phương có gần 6.000 giáo viên, trong đó 98,2% giáo viên đạt chuẩn nhưng chế độ chính sách cho họ hiện nay còn quá thấp.
Theo bà Phượng, trước đây giáo viên mầm non được chấm công, trả công bằng thóc lúa này đã được tính lương bằng ngạch lương 1,86. Tuy nhiên, so với mức độ, tần suất công việc của giáo viên hàng ngày thì mức chi trả này chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống. Bà Phượng cho biết, ở các huyện vùng biên giới trước đây không ít giáo viên bỏ nghề vì mức lương bèo bọt.
TP Hồ Chí Minh có chính sách hỗ trợ giờ làm thêm cho giáo viên, nhưng mới chỉ thực hiện được với đối tượng giáo viên trong các trường công lập 700 nghìn đồng/ tháng và 200 nghìn đồng/ tháng đối với giáo viên dạy hòa nhập trẻ khuyết tật. Bà Trần Thị Bắc, Trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, giáo viên mầm non làm việc hơn 10 tiếng/ ngày. Hầu hết thời gian trong ngày giáo viên phải dạy học, chăm sóc trẻ ở trường nên không có thời gian tăng gia, làm thêm gì ở ngoài.