PGS.TS Trần Thành Nam 'dốc lòng' bày cách để lớp 1 học online hiệu quả

Sự kiện: Giáo dục

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, khó có thể khẳng định khi nào học sinh có thể tới trường. Vì vậy, phương án học trực tuyến vẫn là một lựa chọn nhưng làm thế nào để học trực tuyến chủ động bài bản đang là vấn đề khiến cha mẹ có con vào lớp 1 không khỏi lo lắng.

Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Sáng 3/9, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức tọa đàm chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky, có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến tuyến vì đại dịch. Báo cáo cũng cho thấy 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. Có đến 57% học sinh cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp. Các vấn đề kỹ thuật đường truyền và thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân (chiếm 60%) gây xao nhãng và giảm hứng thú học tập.

Tuy vậy, trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức và sử dụng thành thạo hình thức học này sẽ là một chỉ báo của năng lực công dân số. Học trực tuyến cũng được chứng minh mang lại lợi ích cho những đứa trẻ hướng nội, những bạn nhỏ rụt rè.

Học trực tuyến cũng là 1 cách thức kết nối xã hội, một hoạt động làm cá nhân bận rộn và cảm thấy có giá trị. Do vậy, học trực tuyến ở một góc độ nào đó là một phương cách giúp các con giải tỏa lo lắng, qua đó giáo viên có cơ hội giáo dục cho các con vệ sinh và bảo vệ sức khỏe tâm thần.

PGS.TS Trần Thành Nam đã chỉ ra một số thách thức đối với học sinh lớp 1 khi học trực tuyến. Đó là, 6 tuổi là độ tuổi rất háo hức khám phá nên dễ bị mất tập trung bởi bất kỳ một kích thích nào xung quanh.

Các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay (do kỹ năng phối hợp thính giác – vận động hoặc thị giác - vận động vẫn đang phát triển) vì vậy sẽ bỏ lỡ bài học ngay nếu bị phân tâm hoặc lúng túng bởi công nghệ...

Để có thể dạy học trực tuyến hiệu quả, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ, những khó khăn khi các con học trực tuyến và cần có những chiến lược phối hợp giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ giúp con vượt qua trở ngại tâm lý để sẵn sàng cho việc học trực tuyến.

Cha mẹ cần làm gì?

Theo PGS. Nam, đối với phụ huynh, điều đầu tiên quan trọng nhất là tạo con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến như một điều rất thú vị cần khám phá.

Để con có thể học trực tuyến một cách tập trung hơn thì cha mẹ cũng cần tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc tôn trọng trật tự khi con học.Tất cả những đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như ti vi, đồ chơi, vật nuôi… cần loại bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ.

Trẻ sẽ có tâm thế học tốt hơn nếu ăn mặc như ngày đi học thường ngày. Cha mẹ có thể cho con mặc đồng phục khi ngồi học, dạy ngồi đúng tư thế. Điều này khiến con tập trung hơn và thoát khỏi cảm giác ở nhà hoặc cảm giác hôm nay là thứ 7.

Để giúp con tập trung chú ý trong giờ học trực tuyến, cha mẹ có thể làm các lời nhắc nhở dễ thương để dán trên màn hình máy tính ngay trước mặt con. Và mỗi khi tâm trí con đi lang thang thì hãy nhìn vào tờ giấy note nhắc nhở ấy để mang sự chú ý của mình vào bài học. Hãy sáng tạo và hào phóng khen thưởng để giúp con có động lực tập trung học tập.

Với một số trẻ quá hiếu động, khi bị bắt phải ngồi yên tập trung vào bài học sẽ khiến các con rất bồn chồn. Cha mẹ có thể đưa cho con quả bóng stress để bóp vặn nó khi lo lắng sẽ khiến con kiểm soát hành vi tốt hơn và ngồi yên tại chỗ.

Cha mẹ lưu ý là học trực tuyến tước mất các cơ hội vận động giải tỏa căng thẳng của con vì vậy trong cuộc sống gia đình cần phải bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như tưới cây, sắp xếp lại góc học tập, bê đồ lên giặt, quét nhà, dọn đồ chơi, chuẩn bị bàn ăn, chăm sóc thú cưng...

Vì cảm xúc của trẻ rất dễ tổn thương nên cha mẹ cần sẵn sàng hỗ trợ tâm lý cảm xúc cho con trẻ khi vào học trực tuyến từ nhận diện đến bình thường hóa cảm xúc và hướng dẫn con thực hiện những bài tập thư giãn phù hợp khi đối diện với các cảm xúc tiêu cực.

Cha mẹ cần chủ động học hỏi nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân để sử dụng và giúp con sử dụng thiết bị an toàn, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với con trẻ. Cha mẹ cũng cần cập nhật những kiến thức để chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch (tư việc dành thời gian cho con đủ, tạo ra cảm xúc tích cực, lên lịch trình, ứng phó với hành vi không đúng đắn của trẻ, quản lý căng thẳng trong gia đình).

Nguồn: [Link nguồn]

Học sinh lớp 1 ở Hà Nội học trực tuyến từ 13/9, tối đa 3 tiết/ngày

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường sắp xếp thời gian học và các môn học phù hợp, tránh gây áp lực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN