PGS Văn Như Cương: Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà

Sự kiện: Giáo dục

"Mô hình home-schooling nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dễ làm hỏng các con. Tôi không ủng hộ mô hình học này. Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà” - PGS Văn Như Cương khẳng định.

Câu chuyện hai anh em Đặng Thái Anh (SN 2003) và Đặng Nhật Anh (SN 1998) ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học (home-schooling) và đạt được những kết quả cao bất ngờ đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

PGS Văn Như Cương: Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà - 1

Hai anh em Nhật Anh và Thái Anh tự học ở nhà (ảnh: Như Hùng)

Được biết, trước thế kỷ 20, mô hình home-schooling là phổ biến và đối với hàng triệu gia đình tại Mỹ, Úc và ngày nay cũng vậy. Hiện nay, mô hình này cũng được nhiều phụ huynh Việt quan tâm.

Xung quanh câu chuyện nên hay không nên chọn mô hình home-schooling cho con, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục).

Cô Loan cho hay: “Gần đây ở một số nước như Hoa Kỳ, Singapore cho phép cha mẹ có thể dạy con học ở nhà theo chương trình cấp học, hàng năm các em phải trải qua một kỳ đánh giá chất lượng, nếu đạt được các tiêu chuẩn thì được phép chuyển lên lớp trên.

Tuy nhiên, không phải cấp học nào cũng có thể thực hiện được hình thức dạy học này: Chủ yếu là ở cấp tiểu học và ở một số gia đình với một số môn học nhất định chứ không thể trở thành xu hướng cũng như không thể thay thế hệ thống giáo dục chính quy như hiện nay được vì những lý do sau đây:

Trong hệ thống giáo dục quốc dân mục tiêu đào tạo hay mô hình nhân cách người học tương ứng với từng cấp học được xác định dựa trên điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đặc điểm của lứa tuổi học sinh, yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu về sự phát triển hài hòa, toàn diện của các em.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó người cần phải học nhiều môn học và tham gia nhiều hoạt động như vui chơi, hoạt động tập thể với những trải nghiệm và hoạt động cùng nhau để hình thành nhân cách. Điều này rất khó thực hiện ở giáo dục gia đình.

Việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống khó thực hiện ở giáo dục gia đình, đặc biệt là những giá trị phổ quát mang tính toàn cầu như: Hòa bình, hữu nghị, tinh thần quốc tế, kỹ năng hợp tác, hòa nhập, phòng tránh bạo lực học đường, xâm hại tình dục… thường được tổ chức dưới dạng các hoạt động tập thể và đây là thế mạnh của giáo dục nhà trường.

Việc học tập tại gia đình sẽ làm hạn chế các mối quan hệ xã hội, giao tiếp của các em với các bạn cùng trang lứa với sự đa dạng về cá tính, tính cách, hoàn cảnh… điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập và thích nghi với cuộc sống vốn rất sôi nổi, phức tạp.

Hoạt động dạy học, giáo dục trẻ em phải được tiến hành bởi những người được đào tạo, có phương pháp và kỹ năng sư phạm, được tổ chức có hệ thống và phối hợp với các lực lượng giáo dục khác chắc chắn sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện.

Trong một số trường hợp cha mẹ có kiến thức và kỹ năng dạy con mình học tập có thể đạt được kết quả như mong muốn ở một số môn học và một số lĩnh vực, nhưng về tổng thể không thể thay thế giáo dục nhà trường với các thầy cô giáo trong việc giáo dục trẻ em”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh chia sẻ: “Ở Việt Nam, đa số bố mẹ Việt đều bận đi làm kinh tế. Nếu muốn cho con ở nhà học, bố mẹ phải thực sự hiểu về chương trình đào tạo và bản thân bố mẹ cũng phải có trình độ thực sự để thường xuyên kiểm tra năng lực của con.

Còn việc, gia đình ở TP. HCM có bố/mẹ nghỉ làm để ở nhà dạy con là điều rất hiếm và ít gia đình có thể làm được vì thế cho đến nay ở nước ta vẫn chưa có một con số chính thức nào về việc áp dụng phương pháp home-schooling cho con.

Bố mẹ có thực sự đủ năng lực để dạy và kiểm tra con không đó là điều khó nói, việc tạo cho con một hệ thống kiến thức toàn diện không phải phụ huynh nào cũng làm được. Bởi lẽ, làm gì có ai giỏi tất cả các môn, có thể giỏi môn tự nhiên nhưng còn môn xã hội thì sao? 

Đó là chưa kể việc áp dụng mô hình home-schooling sẽ hạn chế con việc tiếp xúc với xã hội bên ngoài, rèn cho con tính kỷ luật và chịu trách nhiệm với tập thể. Mô hình home-schooling không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dễ làm hỏng các con. Tôi không ủng hộ mô hình học này. Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà”.

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

Có nên quyết định cho con nghỉ học ở trường, tự học ở nhà?

Từ việc một số học sinh được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để tự học ở nhà, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, ngành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN