PGS Văn Như Cương: Chỉ cần 200 tỷ đồng có thể đổi mới SGK

Trước con số 800 tỷ đồng mà Bộ trưởng Bộ GDĐT dự toán để thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK, thầy Cương cho rằng đó vẫn là một chi phí quá lớn và cần phải được tính toán lại một cách chi tiết.

PGS Văn Như Cương: Chỉ cần 200 tỷ đồng có thể đổi mới SGK - 1

 PGS Văn Như Cương

Theo thầy Văn Như Cương, chỉ cần khoảng 200-300 tỷ đồng thay vì 800 tỷ đồng như Bộ GDĐT dự toán và ở cả 2 hạng mục đều đang có vấn đề.  

Trao đổi với PV Infonet về hạng mục xây dựng chương trình, biên soạn một bộ SGK và thẩm định chương trình, SGK cần 462 tỷ đồng, thầy Cương cho biết: “Tôi cũng có thể xem là một người trong cuộc khi từng có tham gia viết sách một số lần. Theo tôi, tổng cộng số tiết viết cho SGK khoảng 10.000 tiết từ lớp 1 đến lớp 12. 

Để trả tiền cho tác giả viết sách một tiết (khoảng 2-3 trang) trước đây chỉ 300.000-500.000 đồng/tiết, giờ nếu cứ tính xông xênh là một triệu đồng/tiết, dù đã là khá lớn, thì như vậy để viết một bộ SGK cần khoảng 10 tỷ đồng. Tính thêm cả những chi phí phụ thêm như thẩm định, thực nghiệm, chỉnh sửa,… thì tất cả những khoản này cũng không thể đến 10 tỷ đồng nữa”.

Vậy theo tính toán của thầy Cương, mỗi bộ SGK chỉ cần khoảng 20 tỷ đồng và nếu có 4 bộ SGK như dự kiến của Bộ GDĐT đi chăng nữa thì cũng chỉ mất tổng cộng chưa đến 100 tỷ đồng cho các tác giả viết sách.

“Để xây dựng chương trình thêm khoảng 20-30 tỷ đồng nữa cùng các phụ phí khác thì cũng không thể lên đến 462 tỷ đồng. Như vậy là quá nhiều, tôi cho rằng cần tính toán lại một cách chi tiết”, thầy Cương nêu quan điểm.

Ở hạng mục thứ hai là triển khai thực hiện chương trình, SGK (gồm các công việc Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, Cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên, ghi hình bài giảng,…) theo thầy Cương cũng không thể nào lên đến con số 316,8 tỷ đồng. Theo thấy Cương, nếu làm tiết kiệm thì những việc này cũng chỉ đến 100 tỷ là cùng.

“Số tiền gần 800 tỷ đồng mà Bộ GDĐT tính toán theo tôi chỉ khoảng 200 tỷ đồng, nhiều lắm thì cũng chỉ  300 tỷ đồng thôi”, thầy Cương kết luận.

Xung quanh câu chuyện về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, thầy Cương tán thành với chủ trương của Bộ GDĐT là Bộ sẽ đứng ra viết một trong các bộ SGK bởi theo thầy Cương, nếu Bộ viết một bộ SGK thì sẽ không bảo đảm được thời gian và kế hoạch thực hiện đề án. 

“Không ít người đề nghị Bộ GDĐT không nên viết một bộ SGK nào cả mà giao cho một số nhóm. Bộ chỉ làm việc thẩm định. Nhưng tôi thấy nếu như thế là rất phiêu lưu. Bởi nếu giao cho các cá nhân hoặc nhóm nào đó viết nhưng đến ngày người ta bảo viết chưa xong thì sẽ bị chậm tiến độ và chuyện đấy là hoàn toàn xảy ra. Bộ GDĐT đảm nhận một bộ SGK thì chắc chắn ít nhất sẽ có một bộ SGK đúng thời hạn”.

Tuy nhiên, về việc Bộ GDĐT viết một bộ SGK và đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác thì thầy Cương cho rằng điều này là không khả thi bởi rất khó có những nhóm có thể viết toàn bộ tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12.

“Không nên yêu cầu những bộ SGK của các cá nhân, nhóm phải có ngay lập tức. Ban đầu chỉ có 1 bộ SGK của Bộ, sau khi đưa ra nếu thấy trong bộ SGK đó có những phần này phần kia không ổn thì người ta mới bắt đầu viết lại để sửa chữa một cuốn (phần) nào đấy trong đó thôi. Nếu hay hơn thì chúng ta nên thừa nhận”, thầy Cương nói.

Theo thầy Cương, những bộ SGK khác không nên đòi hỏi ngay mà chỉ nên có trong vòng 1, 2 năm sau khi bộ SGK của Bộ được đưa ra.

Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ về “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” ngày 27/9, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho biết tổng kinh phí dự kiến cho việc này là 778,8 tỷ đồng, gồm các công việc sau:

Thứ nhất, xây dựng chương trình, biên soạn một bộ sách giáo khoa và thẩm định chương trình, sách giáo khoa cần 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ:

- Tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa): 13,1 tỷ đồng.

- Xây dựng, thẩm định chương trình: 55,2 tỷ đồng.

- Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới: 6,1 tỷ đồng.

- Thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 04 bộ): 46,3 tỷ đồng.

- Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện: 10 tỷ đồng.

- Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình: 7,7 tỷ đồng

- Biên soạn một bộ sách giáo khoa: 321,6 tỷ đồng, bao gồm: Biên soạn bộ đề cương sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, phê duyệt) hết 34 tỷ đồng; Biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, biên tập, thẩm định, phê duyệt) hết 287,6 tỷ đồng.

- Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán cấp tỉnh về quy trình, kỹ thuật tập huấn qua Internet: 2,0 tỷ đồng

Thứ hai, Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới cần 316,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ:

- Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương: 14,9 tỷ đồng

- Cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên: 169,5 tỷ đồng.

- Ghi hình bài tập huấn và bài giảng theo chương trình mới: 121,3 tỷ đồng. Trong đó, 36,4 tỷ đồng dùng ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ để tổ chức tập huấn qua Internet (30% tổng số giờ theo chương trình mới); và 84,9 tỷ đồng ghi hình bài giảng trên Internet để giáo viên, học sinh tham khảo (70% tổng số giờ theo chương trình mới):

- Cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc): 5,1 tỷ đồng.

- Tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên: 6 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN