PGS Văn Như Cương: Bộ GD&ĐT công bố phần mềm xét tuyển chung quá gấp gáp

“Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm, đừng để gần phút chót như thế này mới công bố quyết định mới mà không hề thông qua ý kiến các trường khiến cho cả học sinh và các trường đều rơi vào tình cảnh bị động”, PGS.TS Văn Như Cương cho hay.

Vừa qua, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2016 sẽ tổ chức phương thức xét tuyển tập trung với các trường đại học.

Theo ông Mai Văn Trinh: “Việc xét tuyển chung là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn mà không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Phương thức xét tuyển đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch, đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung thay vì các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng”.

PGS Văn Như Cương: Bộ GD&ĐT công bố phần mềm xét tuyển chung quá gấp gáp - 1

 Cảnh hỗn loạn trong ngày cuối xét tuyển đại học năm 2015

Lý giải về vấn đề xét tuyển chung có lợi gì cho các trường và thí sinh, ông Mai Văn Trinh phân tích: “Để làm được điều này, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm 2015, tổ kỹ thuật chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật.

Phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu ĐKXT duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã ĐKXT. Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật, đảm bảo tính chính xác. Các trường không phải sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển riêng cho trường mình từ hệ cơ sở dữ liệu chung này. Khi có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống”.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường PTTH Lương Thế Vinh). Thầy Cương cho biết: “Nếu Bộ GD&ĐT tổ chức xét tuyển chung và dùng chung phần mềm đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT cần tính toán và giải quyết những vấn đề như:

Thứ nhất, Bộ có nghĩ rằng dùng chung một phần mềm xét tuyển như vậy sẽ hạn chế tối đa lượng thí sinh ảo? Hay trường hợp thí sinh đăng ký một lúc hai trường nếu thí sinh đỗ cả hai trường, Bộ sẽ làm sao để yêu cầu thí sinh thí sinh học trường này mà không được học trường kia? Việc học trường gì là lựa chọn tự do của thí sinh. Đó cũng là vấn đề mà Bộ cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Thứ hai, khi chia sẻ với báo Tiền Phong, GS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ cũng đã nói: Tuyển sinh là việc của các trường và đã được quy định rất rõ trong Luật giáo dục  Đại học. Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm hết và làm thay việc của các trường. Tôi cũng cùng quan điểm như GS. Trần Văn Xê: Tại sao Bộ còn quy định dùng chung phần mềm chung?

Hơn thế, tôi cũng nghe lãnh đạo một số trường cho rằng để thực hiện đúng theo Luật giáo dục Đại học quy định thì nên hỏi ý kiến xem các trường có đồng ý không tham gia phương thức xét tuyển chung của Bộ hay không chứ đừng nên áp đặt như thế này. 

Điều này Bộ GD&ĐT cũng cần rút kinh nghiệm đừng để gần phút chót như thế này mới công bố quyết định mới mà không hề thông qua ý kiến các trường khiến cho cả học sinh và các trường đều rơi vào tình cảnh bị động.

Một vấn đề nữa, trước đó Bộ GD&ĐT đã ký quyết định cho phép 10 trường ở khu vực miền Bắc do ĐH Bách Khoa chủ trì (gọi là nhóm GX) thực hiện tuyển sinh riêng và chia sẻ kết quả tuyển sinh theo nhóm. 

Tới thời điểm hiện tại, các trường đã tốn rất nhiều công sức lập nhóm cũng như phần mềm tuyển sinh. Nếu áp dụng phương thức tuyển sinh mới này của Bộ GD&ĐT thì coi như công sức của nhóm GX “đổ xuống biển". Điều đó cho thấy Bộ GD&ĐT chỉ đạo khá tùy tiện và cần nghiêm túc rút kinh nghiệm".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN