PGS. TS Bùi Hiền: 'Họ chửi tôi điên, nhưng lại học chữ của tôi để chế nhạo tôi rất nhanh'
Những ngày qua PGS. TS Bùi Hiền, tác giả công trình nghiên cứu cải tiến chữ cái tiếng Việt cho biết bản thân ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận, nhiều người nói ông điên và không ít người cho rằng ông "không có việc gì để làm nên rửng mỡ".
Mới đây, cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.
PGS.TS. Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư... hơn
Theo đó, cách viết tiếng Việt sẽ giống với ngôn ngữ thông thường, không còn các chữ ghép ch-tr-nh… Như vậy "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Để hiểu hơn, chiều ngày 27/11 PV có mặt tại nhà riêng PGS.TS. Bùi Hiền để trò chuyện nhằm làm rõ hơn về đề xuất này.
PGS-TS Bùi Hiền, người đề xuất cải cách tiếng Việt
Trước khi công bố công trình nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ, ông có nghĩ mình gặp phải phản ứng dữ dội như vậy từ dư luận?
Trước khi báo cáo khoa học tôi đã nhận được những phản ứng trái chiều cả từ dư luận và đồng nghiệp. Đa số họ thấy tiếng Việt như thế là tốt lắm rồi, cứ để yên nó như thế, chẳng sao, đến ngay trong giới ngôn ngữ học, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có không ít người phản đối ý tưởng của tôi.
Khi bắt tay vào làm tôi lường trước hết được những khó khăn xảy ra. Tôi không giật mình vì chuyện này nhưng để làm cho nó tốt, không gây ra xáo trộn thì tôi nghĩ chưa nên đưa công trình cải cách của tôi ra xã hội. Rất tiếc các nhà báo đưa lên và chỉ đưa 1 nửa tin tức, gây hiểu nhầm.
Bộ khóa do PGS.TS Bùi Hiền biên soạn
Người ta phản ứng là có lý, nhưng việc tôi làm không phải vô lý. Chỉ có cách đưa tin không đảm bảo tuần tự của nhận thức, đưa độp một cái mà không đưa người đọc bộ từ khóa nên gây tranh cãi. Phải nhìn cả hệ thống mới hiểu được toàn bộ, nếu mang từng cái ra để phân tích thì rất khó. Việc tôi làm là tối ưu, rút gọn và mang lại sự đơn giản nhất cho tiếng Việt
Theo ông đánh giá đâu sẽ là điểm lợi của đề án này và tính khả thi của đề án này tới đâu?
Trước hết là gạt bỏ những tập quán cũ đi mà nhìn vào hiện tại, tương lai thì tính khả thi của đề án này theo tôi đánh giá là rất lớn.
Văn bản đầu tiên tôi công bố là trên Tạp chí Giáo dục Đại học cách đây khoảng 20 năm, từ năm 1995. Từ đó đến nay, năm nào Viện Khoa học Ngôn ngữ, các trường đại học cũng đề cập vấn đề về Ttếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của nó nhưng chưa tập trung. Theo tôi thấy thì đó là việc cấp thiết, không thể kéo dài được nữa, nhất là khi chúng ta đang bước sang thời kỳ công nghệ 4.0.
Đơn giản như bây giờ tôi và các bạn làm việc hầu như không viết tay nữa mà toàn đánh máy. Như vậy, chuyện dùng máy tính cũng cần phải gọn, ngắn và khoa học. Hiện nay, mấy bộ Vietkey của chúng ta còn dựa trên cái cũ, quá nhiều điều phức tạp. Trong khi đó, mỗi một giờ, mỗi một phút của chúng ta đều là tiền bạc, công sức, rất quý giá. Làm phép tính thử thế này, mỗi văn bản nếu chúng ta áp dụng bằng chữ mới có thể tiết kiệm đến khoảng 8 đến hơn 8%. Có nghĩa là cứ 100 giờ thì tiết tiết kiệm được 8 giờ.
Ngoài ra, chữ viết hiện tại gây rắc rối khi quá nhiều chữ ghép, gây lỗi chính tả tràn ngập các văn bản. Bạn muốn biên tập cũng phải tra từ điển. Đến tôi khi viết còn phải tra vì không thể nhớ hết, như vậy vô tình bạn phải làm thêm rất nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian mà chưa chắc đúng. Áp dụng chữ mới, chúng ta sẽ không phải đi sửa chữa lại lỗi chính tả nữa.
Theo ông việc thay đổi cách viết có thể tiết kiệm 8% thời gian, công sức
Việc làm của ông không phải là mới vì trước đó rất nhiều người đã nói tới cải tiến tiếng Việt, điều này có đúng không?
Đúng, tôi không phải là người đi đầu. Trước đây, rất nhiều người đã nghiên cứu về thay đổi tiếng Việt, mà cụ thể là Bác Hồ. Nhưng những đề xuất đó chỉ trên trường hợp có nhu cầu cấp thiết, giản lược bớt chữ để viết nhanh hơn chứ không cải tiến toàn bộ và xuyên suốt, vì thế lúc dùng lúc lại không dùng.
Theo tôi hiện nay chữ viết đã cải tiến nhiều. Ngay trong văn bản nhà nước cũng đã cải tiến rồi đấy, ví dụ như chữ Đắk Lắk, (lẽ ra phải chữ “c” chứ không phải chữ “k”-PV).
Nhưng các vị đi trước làm chưa hệ thống. Tôi đi sau và kế thừa. Tôi có thì giờ và chuyên tâm nên làm hệ thống hơn. Đây không phải việc tôi làm cho vui, mà tôi nghiêm túc nghiên cứu trong nhiều năm, có chủ đích, có suy nghĩ và có kết quả.
Mà nói đúng hơn, tôi không cải tiến chữ viết. Tôi đâu sáng tạo ra chữ mới nào ngoài chữ “n’”. Tôi chỉ đang làm 1 việc là giản lược chữ, tối ưu chữ viết. Nói đúng hơn là tôi mang chữ cũ gắn cho nó các giá trị mới, tức là “c” trước đây chỉ là “c”, còn giờ tôi không cho nó là “c” nữa mà để nó thay thế luôn các chữ “ch-tr”...
Như vậy bộ chữ mới tôi lọc đi nó hoàn toàn trùng khớp với ngữ âm của tiếng Việt. Hơn 30 phụ âm thì cũng chừng đó phụ âm chữ, đi song song, không cho âm ghép nữa. Thay đổi là cả quá trình, không phải chuyện bỏ sách đi in mới là xong!
Trao đổi trên truyền hình, ông cho rằng cách viết mới sẽ tiết kiệm được thời gian và giấy mực. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống sách vở, cách sử dụng ngôn ngữ sẽ thay đổi, có phải lúc đó giáo viên, những người Việt đã lớn cũng phải đi… học lại mẫu giáo?
Thật ra, nếu đổi theo cách của tôi mà các bạn không đọc bộ từ khóa trước thì sẽ mù chữ ngay lập tức. Nhưng ngay sáng hôm nay tôi có đưa cho một bạn đọc. Bạn ấy chỉ nhẩm nhẩm qua bộ khóa tôi đưa một chút là đã có thể đọc cả văn bản ngay được.
Như vậy, đúng là các bạn phải học lại từ đầu, nhưng nếu phải học, cũng chỉ cỡ học một ngày là xong. Vì học lại là học lại theo hệ thống, chứ không phải học lại nhận dạng các chữ. Hệ thống tiếng Latin mình có trong đầu rồi, tôi có thay đổi chữ nào đâu, chỉ thay đổi giá trị thôi.
Các tác phẩm văn học, mọi tài liệu… cũng sẽ phải thay đổi, in ấn lại, như vậy liệu có phải tiết kiệm không hay là tốn kém thêm?
Mọi người đang quá máy móc, tại sao các văn bản cũ vẫn đang dùng được chúng ta lại phải thay cái mới?
Chỉ cái gì mới, văn bản mới, sách mới thì mới in chữ mới thôi, chữ mới thì dễ dàng như vậy có sao đâu mà không học được.
Tôi không nói là không phải tốn kém, mà chúng ta phải xác định là sẽ mất công sức và ít kinh tế cho việc thay đổi sách giáo khoa… Tuy nhiên đấy là việc nên làm nếu thay đổi.
Tôi nhấn mạnh, chỉ thay đổi cái nào chúng ta cần, không cần thiết thay đổi toàn bộ. Chúng ta còn nhớ bộ chữ cũ 40 năm sau chưa quên đâu, đọc song song 2 chữ được cơ mà!
Vậy với thế hệ sau, thế hệ không biết tới chữ cũ làm sao để các em đọc đọc được tài liệu cũ (đang in ấn chữ cũ) thưa ông?
Với thế hệ sau, những ai đọc được 2 loại chữ thì tốt, còn nếu không, các tác phẩm văn học, hệ thống sách… cái gì cần ta in ra chữ mới cái đó. Hơn nữa nhu cầu kiến thức của các em học sinh khi đấy sẽ nằm ở bộ sách chữ mới, chứ không phải chữ cũ.
Đấy là cả quá trình, không phải đùng một cái ngày mai chúng ta bỏ hết sách rồi in sách thay mới toàn bộ. Nhiều người nghĩ tới việc bỏ sách cũ hết đi là vô lý!
PGS ân cần giải thích từng phần sửa đổi trong bảng chữ cái
Ông cho biết mới nghiên cứu phần nguyên âm, vậy chắc hẳn sẽ có đề xuất thay đổi phần đơn âm. Ông có thể chia sẻ một chút về phần này?
Những nội dung trong bài viết công bố tại hội nghị ngôn ngữ của tôi mà các báo đã đăng chỉ là đề xuất cải tiến những bất hợp lý trong phụ âm. Còn nguyên âm cũng có những bất hợp lý, và tôi đang tiếp tục làm.
Ví dụ như cùng âm "ua" nhưng nếu ghép với phụ âm để thành "quả" thì âm đó đánh vần là "oa" nhưng nếu ghép thành "của" thì âm đó đánh vần là "ua".
Những điểm không thống nhất trong nguyên âm như thế cũng khá nhiều và nó làm cho tiếng Việt trở nên rắc rối. Họ phản đối, nhưng lại học chữ của tôi để chế nhạo tôi rất nhanh.
PGS.TS Bùi Hiền nói về việc bị "ném đá" với đề án mới của mình
Những ngày qua ông chịu áp lực như thế nào khi công bố một phần nghiên cứu đề xuất thay đổi tiếng Việt?
Hôm đầu tôi có đọc bình luận của mọi người. Tôi thấy họ ném đá tôi, họ nói tôi điên, có người còn bảo “thằng già, hết chuyện để làm đi đào bới linh tinh” nhưng tôi khẳng định là tôi thấy những người đó không đáng để quan tâm.
Những người ném đá tôi dữ dội trên mạng xã hội thường là những người không đọc kĩ đề xuất của tôi. Họ thậm chí có thể được đánh giá là thiếu giáo dục, vô văn hóa và kém nhận thức vì nếu có nhận thức họ sẽ hành xử một cách khác. Nếu họ có học thức, chân thành và văn minh thì có thể đến gặp tôi rồi cùng nhau trao đổi. Tôi sai, thiếu sót chỗ nào họ có quyền phản bác, chứ không phải không đọc đã ném đá như thế.
Hơn nữa trên mạng xã hội có đến “1000 viên đá ném” vào đầu tôi. Chỉ ném đá chứ không phân tích do đó tôi không quan tâm lắm. Ngược lại tôi thấy họ rất mâu thuẫn. Trên mạng xã hội họ chê khó học, nhưng ngay đêm đầu tiên họ bắt đầu học chữ của tôi rất nhanh, thậm chí còn viết được những đoạn rất dài.
Họ học chữ của tôi để chế nhạo tôi rất nhanh như vậy thì khó khăn chỗ nào? Tôi không hiểu! Tôi đúng là Tiến sĩ trên giấy tờ
Có người cho rằng, đây chỉ là một công trình nghiên cứu cho có, gây sốc dư luận, bởi đó là công việc của các giáo sư, tiến sĩ, ông nghĩ sao về điều này?
Ngày từ đầu trên mạng mọi người bảo tôi là ông già rảnh việc, thằng điên.. rồi “Tiến sĩ giấy”. Tôi là tiến sĩ trên giấy thật. Phải có giấy cấp thì tôi mới là tiến sĩ chứ. Có điều tôi không phải tiến sĩ do Việt Nam cấp mà do Liên Xô cấp. Nếu Liên Xô cấp cho tôi tiến sĩ giấy thì cũng đành chịu vậy.
Tôi cũng xin nói luôn, tôi làm hoàn hoàn làm vì chủ đích của bản thân tôi, không phải bỗng dưng tôi làm nhưng cũng không có ai chu cấp tiền nong, càng không có ai đặt hàng để tôi phải làm cả.
Tôi đã làm hơn 20 năm rồi, khi tôi làm xong bộ nguyên âm thì lúc bấy giờ mới hoàn chỉnh, không bị thiếu hụt, sẽ là bức tranh đầy đủ. Vì thế tôi làm và sẽ làm cho đến cùng mặc dù tôi biết mọi người, hầu hết là phản đối tôi.
Tôi đâu làm cho nhà nước, lấy tiền của nhà nước của nhân dân đâu mà tôi phải sợ trả lại tiền bạc hay gì đó. Sau khi nghiên cứu này hoàn chỉnh, đưa ra được giới khoa học chấp nhận, nhà nước chấp nhận,... thì lúc bấy giờ mới đưa ra nhân dân để lấy ý kiến xem cái này tốt hay xấu rồi có quy trình để triển khai chứ đâu phải như các báo đưa tin ngay hôm nay chữ cũ, ngày mai chữ mới, không đầu, không cuối khiến người ta bị sốc.
Ông có buồn nếu công trình của mình không được áp dụng hay không?
Không được nhà nước chấp nhận là mộ việc hoàn toàn khác vì đây đâu phải công trình tôi làm cho nhà nước. Tôi làm xong, nghiên cứu xong là tôi đã thành công rồi!
Tôi chỉ bỏ công sức nghiên cứu chứ không mất tiền thử nghiệm như các nghiên cứu thực nghiệm khác để mà nếu không được thực hiện thì sẽ mất tiền trăm, tiền triệu.
Hơn nữa tôi giờ nhiều tuổi rồi, nếu kịp thì sang năm tôi công bố tiếp, không thì thôi chứ không ai ép tôi làm cả. Tôi làm theo khả năng của tôi. Giờ tôi còn phụ thuộc vào sức khỏe, chứ không chỉ trí tuệ vì năm nay 83 tuổi rồi.
Công trình nghiên cứu cũng không mất đi đâu, tôi nghĩ sau này 10 năm, 100 năm sau biết đâu có người lục lại, người ta sẽ dùng, chứ tôi không nghĩ nếu người ta không dùng tôi sẽ buồn.
“Cân nhắc giữa mặt lợi và mặt không có lợi của việc cải tiến chữ quốc ngữ theo đề xuất của PGS. Bùi Hiền, tôi...