"Ớn lạnh" những con đường đến trường của học sinh buôn H’Mông

Sự kiện: Giáo dục

Để đến trường học, nhiều học sinh tại buôn H’Mông trong (thuộc xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) phải vượt qua những đoạn đường dốc trong rừng và chiếc cầu tạm bắc chông chênh qua con suối không tên.

"Ớn lạnh" những con đường đến trường của học sinh buôn H’Mông - 1

Nhiều em nhỏ phải vượt qua con suối nguy hiểm để đến trường.

Nỗ lực đi tìm con chữ

Một ngày trung tuần tháng 10, khi mặt trời còn chưa ló dạng, PV Infonet đã có mặt tại buôn H’Mông trong (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu về hành trình gian nan đi tìm con chữ của những em học sinh nơi vùng đất đặc biệt này.

Gọi là vùng đất đặc biệt bởi lẽ, hiện người dân nơi đây cư trú bất hợp pháp trên lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Jà Wầm. Trong số họ, hầu hết đều không có sổ hộ khẩu, không giấy đăng ký kết hôn và các cháu nhỏ cũng không có giấy khai sinh.

Trên đường vào buôn, chúng tôi gặp em Vừ Văn Tương, học sinh lớp 6E-Trường Trung học cơ sở (THCS) Hoàng Văn Thụ (Xã Ea Kiết) khi cậu bé này vừa lụi cụi dắt xe đạp qua cầu tạm bắc qua con suối không tên để đến trường.

Lúc này, đồng hồ mới điểm 5 giờ sáng nhưng khi trò chuyện, Tương tỏ ra rất gấp gáp. “Từ nhà em đến trường khoảng 15km nhưng phải đạp xe hơn 1 tiếng đồng hồ vì đường xấu. Bạn em đang đợi ngoài kia, nếu không đi ngay là trễ giờ học”, Tương vừa trò chuyện, vừa vội vã leo lên xe để đến trường.

"Ớn lạnh" những con đường đến trường của học sinh buôn H’Mông - 2

Cảnh học sinh tại buôn H'Mông dắt nhau qua chiếc cầu tạm.

Tiếp tục đi vào buôn, PV thấy có một nhà đã sáng đèn nên tìm tới hỏi chuyện. Chủ nhà là anh Thào Văn Bình (38 tuổi) cho biết, thường ngày vợ chồng anh phải thức dậy từ 4 giờ sáng để lo cơm nước cho đứa con trai đang theo học lớp 8 ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Ea Kiết kịp giờ lên lớp.

Anh Bình chia sẻ: “Thấy con đi học vất vả, vợ chồng tôi rất thương. Ngày nắng chẳng sao chứ vào mùa mưa thì mãi tới 5 giờ sáng vẫn chưa thấy rõ đường đi. Những lúc như vậy, con tôi cùng đám trẻ trong buôn phải dùng đèn pin đội trên đầu soi đường đi đến lớp cho kịp giờ học”.

Cũng theo anh Bình, tại buôn H’Mông trong đã có một phân hiệu của Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (xã Ea Kiết). Đây là ngôi trường do bà con trong buôn góp công sức dựng lên.

Theo chỉ dẫn của anh Bình, khi trời vừa sáng, PV có mặt tại điểm trường tại buôn H’Mông trong để ghi nhận nỗ lực đi tìm con chữ của những học sinh nơi đây.

"Ớn lạnh" những con đường đến trường của học sinh buôn H’Mông - 3

Nhiều tốp học sinh chia nhau chơi trò chơi dân gian.

Điểm trường này nằm trên một bãi đất trống khoảng 400m2 gồm 4 phòng học có kết cấu rất đơn sơ với nền xi măng, vách gỗ và mái lợp tôn. Từ sớm tinh mơ, nhiều học sinh đã đến trường, chia nhau ra chơi các trò chơi dân gian như đá cầu, nhảy dây, tạo nên một không khí rất sôi động. 

Thi thoảng, lại có vài nhóm học sinh theo chân nhau đến lớp, trên tay các em là những gói bánh, kẹo để ăn sáng có giá trị không quá 3 ngàn đồng. Thậm chí, có em còn mang áo quần cũ, đi chân đất đến lớp.

Nỗi niềm người “gieo chữ”

"Ớn lạnh" những con đường đến trường của học sinh buôn H’Mông - 4

Để duy trì công tác dạy học nơi đây, các giáo viên phải luôn nỗ lực hết mình kèm cặp học sinh.

Trao đổi với PV, cô Đàm Thị Ngọc (giáo viên dạy môn Anh văn) cho hay, tại điểm trường này, có khoảng 150 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đang theo học. Vì điều kiện gia đình khó khăn, nhiều học sinh quanh buôn H’Mông trong không được cha mẹ trang bị đầy đủ dụng cụ học tập khi đến trường. Do đó, hằng năm phía nhà trường đều phải vận động các nhà hảo tâm và trích thêm kinh phí để mua sách vở, hỗ trợ cho các em có điều kiện học tập tốt nhất.

Cũng theo cô Ngọc, trong quá trình giảng dạy, nhiều học sinh tại đây không tiếp thu kịp những nội dung giáo viên truyền đạt vì bất đồng ngôn ngữ. “Thường thì những em học mẫu giáo và lớp một đều chưa nói rõ tiếng Kinh nên việc tiếp thu kiến thức còn chậm, công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức của giáo viên cũng gặp rất nhiều trở ngại”, cô Ngọc chia sẻ.

Nói về những vất vả khi dạy học tại điểm trường này, cô Ngọc tâm sự rằng, do con đường từ trung tâm xã Ea Kiết vào buôn H’Mông trong quá xấu nên mỗi lần trời mưa, đường trơn trượt khiến việc đi lại rất khó khăn. Không ít lần, cô Ngọc cũng như những đồng nghiệp khác bị ngã xe, người lấm lem bùn đất trên hành trình “gieo chữ”.

"Ớn lạnh" những con đường đến trường của học sinh buôn H’Mông - 5

Nhiều đoạn đường trơn trượt mà các em nhỏ phải vượt qua để đến lớp.

Cô Ngọc cho biết: “Mỗi lần trời mưa, giáo viên tụi em vào buôn H’Mông trong giảng dạy là phải mang theo 1 bộ quần áo, để phòng trường hợp bị té (ngã) thì còn có đồ thay. Vì sự nghiệp trồng người, vì tương lai của các em nhỏ, cá nhân em cũng như những giáo viên nơi đây đều tìm cách khắc phục khó khăn, động viên nhau cố gắng cống hiến trí lực để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ mà nhà trường giao phó”, cô Ngọc tâm sự.

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 1999, bà con người H’Mông tại các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang… đã di cư vào những cánh rừng thuộc địa phận xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar tỉnh Đắk Lắk sinh sống và phá hằng trăm hecta rừng để làm nương rẫy.

Trước thực trạng trên, năm 2012, UBND huyện Cư M’Gar đã phối hợp với UBND xã Ea Kiết cùng Lâm trường Buôn Jà Wầm cắt 12 hecta đất để xây dựng khu tái định cư, trường học, trạm xá…và vận động bà con di dời ra khỏi rừng.

Những hộ gia đình nghe theo sự vận động của chính quyền, ra định cư tại buôn H’Mông mới (tức khu tái định cư) đã được địa phương tạo điều kiện, làm sổ hộ khẩu và các giấy tờ pháp lý khác.

Còn lại, những gia đình không chịu di dời và sống bất hợp pháp trên diện tích đất rừng do lâm trường Buôn Jà Wầm quản lý (buôn H’Mông trong) đều không có giấy kết hôn, không sổ hộ khẩu…con em của họ sinh ra cũng không thể làm giấy khai sinh.

"Ớn lạnh" những con đường đến trường của học sinh buôn H’Mông - 6

Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực để tạo điều kiện cho các em nhỏ được đến trường.

Một lãnh đạo UBND huyện Cư Mgar cho rằng, việc bà con người H’Mông trong sinh sống trên đất rừng là không hợp pháp. Tuy nhiên, chính quyền cũng như ngành giáo dục địa phương đã tạo mọi điều kiện để các em nhỏ được đến trường học hành. “Các em nhỏ không có tội, các em phải được học hành để có một tương lai tươi sáng hơn”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết bộc bạch: Để đến trường học, các em học sinh tại buôn H’Mông trong đã phải vượt qua một chẳng đường xấu, nhiều nguy hiểm. Địa phương cũng luôn tìm cách hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần để động viên các em nhỏ nơi đây cố gắng trên hành trình "đi tìm con chữ".

Chuyện học ở “ốc đảo” Giồng Bàng mùa lũ

Giồng Bàng thuộc xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vỏn vẹn chỉ khoảng 160 hộ, 550 nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Nhân-Hải Dương ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN