Oằn vai các khoản chi đầu năm học

Sự kiện: Giáo dục

Dù chưa chính thức tựu trường nhưng phụ huynh tại TPHCM đã phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua đồng phục và sách vở, đồ dùng học tập cho con. Ngoài ra, phụ huynh còn phải chuẩn bị đóng các chi phí khác tại trường.

Nhiều trường thông báo học sinh mua đồng phục trên tinh thần tự nguyện. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều trường thông báo học sinh mua đồng phục trên tinh thần tự nguyện. Ảnh minh họa: TTXVN

Gánh nặng mang tên đồng phục

Chị Hoàng Diễm (có con năm nay vào lớp 1 ở một trường tiểu học tại quận Gò Vấp, TPHCM) tuần qua chi 1,2 triệu đồng mua đồng phục cho con sau khi đến trường nộp hồ nhập học. Theo chị Diễm, một học sinh học ở trường có 3 loại đồng phục phải trang bị gồm đồng phục chính khóa, giá 175.000 đồng/bộ; thể dục, giá 165.000 đồng/bộ và đồ ngủ giá 115.000 đồng/bộ.

Chị Diễm cho biết, chị được nhân viên của trường tư vấn nên mua đồng phục chính khóa và đồ ngủ mỗi thứ 5 bộ để con mặc thoải mái, không thì ít nhất cũng nên mua 3 bộ để có thay đổi. Riêng đồ thể dục, nên mua 2 bộ để lỡ thời khóa biểu xếp hai ngày học liền nhau trong tuần thì cũng có cái để mặc. Sau khi nghe tư vấn và cân nhắc về khả năng tài chính, chị Diễm quyết định mua 3 bộ đồng phục chính khóa, 3 bộ đồ ngủ và 2 bộ thể dục, tổng cộng 1,2 triệu đồng.

Cách đây ít ngày, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc mua bán đồng phục của Trường THPT Bình Phú, quận 6, TPHCM. Theo đó, phụ huynh phản ảnh, nhân viên của trường yêu cầu: “Balo phải là balo đồng phục, balo không có logo trường bảo vệ không cho vào. Đồng phục phải mua theo đơn vị bộ, không được mua lẻ áo, quần, váy...”. Nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc và cho rằng việc bắt buộc mua balo của trường là hết sức vô lý, nhất là thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay. Nhân dịp này, cộng đồng mạng cũng “khai quật” thông báo bán đồng phục của Trường THPT Bình Phú trước đó là bán theo “combo” với giá từ 1,8 triệu đồng đến 2,15 triệu đồng và không bán lẻ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Nghĩa Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú, xác nhận những nội dung phản ánh kể trên là xảy ra tại trường. Song, ông Nhân khẳng định nhà trường không có chủ trương bắt buộc học sinh mua balo. Trước khi nhận hồ sơ nhập học, trường đã triển khai cho cán bộ, giáo viên nắm rõ quy định để thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho phụ huynh, học sinh, một nhân viên nhà trường đã trao đổi không chính xác chủ trương của trường. Sự việc này lãnh đạo Trường THPT Bình Phú không hay biết, cho đến khi bị đăng tải trên mạng xã hội. “Chúng tôi đã làm việc với nhân viên nhà trường để chấn chỉnh sau khi bị phản ánh. Nhân viên này cũng đã nhận khuyết điểm trong sự việc. Tôi khẳng định, phụ huynh, học sinh mua balo, đồng phục trên tinh thần tự nguyện, nhà trường hoàn toàn không bắt ép”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, từ năm học 2022- 2023, nhà trường không dùng từ “combo” và cũng không ép học sinh mua đồng phục theo bộ mà học sinh thoải mái lựa chọn. Thậm chí, phụ huynh học sinh có thể chọn nhà cung cấp khác hoặc mua vải tự may, miễn sao đúng với màu và mẫu mã đồng phục của trường.

Bữa trưa 60.000 đồng

Sau khi nhập học không lâu, nhiều phụ huynh khối 10 năm học 2023-2024 Trường THPT Phạm Phú Thứ (quận 6, TPHCM) cảm thấy sốc trước các mức thu dự kiến của trường. Cụ thể, trong thông báo đến phụ huynh học sinh về các khoản thu dự kiến, Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết nhà trường sẽ tổ chức 2 loại hình lớp là lớp thường và lớp phương pháp mới. Trong đó, lớp thường học phí 500.000 đồng/học sinh/tháng; lớp phương pháp mới 1,6 triệu đồng/học sinh/tháng. Chi phí ăn bán trú là 60.000 đồng/học sinh/ngày, số buổi ăn ước tính là 26 buổi/tháng.

Ông Phạm Đức Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, cho biết, với học phí 500.000 đồng/học sinh/tháng đối với lớp thường là bao gồm 300.000 đồng học phí buổi 2; 120.000 đồng học phí công lập; 15.000 đồng tiền nước uống; ngoài ra là tiền máy lạnh… Với lớp phương pháp mới, ngoài các khoản thu của lớp thường còn bao gồm các khoản thu thoả thuận về học tiếng Anh với người nước ngoài, tin học MOS, ngoài ra còn thêm các câu lạc bộ, trải nghiệm, tiền quản lý hoạt động giáo dục… Năm trước, trường thu 1,5 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán của Trường THPT Phạm Phú Thứ, học sinh khi chọn học lớp thường, số tiền sẽ phải đóng hằng tháng là 2,06 triệu đồng; với học sinh chọn lớp phương pháp mới, số tiền hằng tháng là 3,16 triệu đồng/học sinh. Trường cũng tổ chức tạm thu đầu năm học 1,5 triệu đồng/học sinh lớp 10 ngay khi nộp hồ sơ nhập học.

Dự kiến tháng 10 tới, Trường THPT Bình Phú sẽ mở thêm một đợt bán đồng phục để học sinh có thể mua bổ sung nếu cần thiết, bởi từ đầu năm nhiều em do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa mua hoặc chỉ mới mua một phần...

Liên quan đến 60.000 đồng/bữa trưa bán trú, ông Hiền cho biết, mức phí này bao gồm 35.000 đồng tiền ăn và 25.000 đồng tiền phí nghỉ trưa. Theo ông, nhà trường không tổ chức bán trú, do mỗi khối chỉ có khoảng tối đa 3 ngày/tuần là học 2 buổi/ngày. Khi học sinh có nhu cầu ăn trưa bán trú tại trường thì sẽ đăng ký với giáo viên để ăn ở căng tin, giáo viên cũng sẽ hỗ trợ thu tiền hằng tháng giúp căng tin. Sau khi ăn trưa, học sinh nào có nhu cầu nghỉ trưa tại trường thì sẽ ở lại, nam phòng riêng, nữ phòng riêng. Năm ngoái, mức phí nghỉ trưa là 20.000 đồng/học sinh, năm nay trường dự kiến tăng lên 25.000 đồng/buổi. “Phí nhìn thì cao nhưng trách nhiệm của trường rất lớn, vừa tổ chức, vừa trang bị phòng ốc, cơ sở vật chất, máy lạnh, vừa phải bố trí giáo viên quản lý… Mỗi ngày trường chỉ có khoảng 100 học sinh ở lại nghỉ trưa thôi”, ông Hiền lý giải.

“Nhà trường triển khai loại hình lớp phương pháp mới từ năm học 2021-2022, dựa theo nhu cầu của học sinh chứ không ép buộc, với mong muốn trang bị thêm kỹ năng tiếng Anh, tin học quốc tế cho học sinh. Sĩ số học sinh lớp này thường ít hơn lớp thường, dao động khoảng dưới 40 em/lớp. Đối với học sinh học lớp phương pháp mới, nhà trường xây dựng trang web riêng giao bài để học sinh học, làm… Năm nay, tình hình phụ huynh quan tâm loại hình lớp này cũng nhiều, hiện đã có 165 học sinh/800 học sinh đăng ký”, ông Hiền nói. Về khoản tạm thu đầu năm, ông Hiền cho biết, nhà trường đã tiến hành hoàn trả lại cho phụ huynh học sinh ngay khi có văn bản của Sở GD&ĐT yêu cầu các trường không được phép thu, tạm thu bất kỳ khoản thu nào trước khi năm học mới bắt đầu.

Hà Nội: Học phí các trường công lập năm học 2023-2024 cao nhất 300.000 đồng/tháng

Mức học phí năm học 2023-2024 đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng cho khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn là 100.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN DŨNG ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN