Ở nơi cô mong trò dừng…đẻ!
Sau tiết chào cờ đầu tuần, các lớp học của trường THPT Ba Tơ (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu học tiết đầu tiên. Trong lớp 12A4, em Phạm T. C chăm chú nghe giảng bài. Thoạt nhìn, giống bao bạn học trò khác, nhưng không ai nghĩ rằng em đang là mẹ một con…
Sau giờ tan học, cô học trò Phạm T. C lại về với con bên ngôi nhà của mình, lo bếp núc, việc nhà Ảnh: Nguyễn Ngọc
Hơn năm trước, Phạm Thị C và cô bạn thân cùng lớp là Phạm T. L cùng 16 tuổi đang đi học “bất ngờ” rủ nhau…lấy chồng. Từ ngày lấy chồng, cả hai bỏ học ở nhà. Thầy cô trong trường vất vả vào làng kêu gọi các em trở lại trường. Cả hai trở lại được mấy hôm thì L nghỉ học. Cái lý muôn đời của tình trạng tảo hôn vẫn là “lấy chồng rồi phải đi làm với nhà chồng, rồi lo nấu ăn không đi học nữa”.
Tương lai mù mịt như cánh rừng già thăm thẳm. Cô Đinh Thị Ái Ly - Phó hiệu trưởng trường THPT Ba Tơ bảo, bây giờ chỉ còn C đi học tiếp, còn L thầy cô trong trường cũng không còn bất kỳ thông tin nào nữa. Nhìn C còn ngồi học mà cô Ly cứ nơm nớp sợ… “cái bầu” sẽ lại lôi tuột luôn cô gái bẽn lẽn hay cười này ra khỏi trường.
“Mỗi năm sau những kỳ nghỉ hè, lễ hội, những cuộc hẹn hò nơi góc núi lại lấy đi của trường vài ba nữ sinh. Buồn lắm chứ, các em nghỉ học lấy chồng gần như đóng sập tương lai của mình lại rồi”, cô Nguyễn Thị N- giáo viên chủ nhiệm lớp của hai em Phạm T. L và em Phạm T. C xót xa. Cô giáo chủ nhiệm nhớ lại, năm lớp 11 em C là học sinh giỏi của lớp, là lớp trưởng. Khi thầy cô phát hiện em C có bầu, ngay cả chính em cũng chẳng hay biết điều đó.
“Cũng may là khi phát hiện em vừa qua kỳ thi lớp 11, chuẩn bị nghỉ hè. Khi ấy cái bụng to đùng. Cứ ngỡ sinh con xong em sẽ không đến lớp nữa vì sợ bạn kỳ thị, thầy cô lặn lội lên tận nhà để động viên em đến lớp. May là em quyết tâm đi học và thành tích học tập vẫn tốt”, cô N kể. Khi tiếng trống ra chơi vừa cất lên, C lại lẻn ra phía sau trường điện thoại gọi về cho ba, mẹ chồng hỏi thăm đứa con nhỏ mới 7 tháng ở nhà…
Tiếng trống tan trường vang lên, tôi bám theo bóng Phạm T. C đạp xe về nhà. Vượt qua con dốc cao dựng đứng, ngôi nhà của cha mẹ chồng và vợ chồng C cùng ở. Vừa về đến nhà em bồng con, lo cơm nước, tranh thủ giặt giũ đống áo quần. Ông Phạm V. T, bố chồng của em, hồn nhiên nói: “Bố mẹ ngày trước thế nào thì bây giờ con cái cứ thế... Tụi nó có bầu thì mình cho cưới thôi, chứ giờ biết làm sao”.
Bà Phạm T. T, mẹ ruột của C thở dài khi cuộc sống của vợ chồng C gặp nhiều khó khăn, gia đình nội ngoại phải hỗ trợ gạo phụ giúp đôi vợ chồng trẻ. Bà T ngày xưa cũng lấy chồng khi mới 15 tuổi. Người phụ nữ Hrê thời bà đến tuổi đó là dựng vợ gả chồng hết rồi. Nên bà nghĩ bây giờ cũng vậy thôi.
Còn Đinh Thị D trú ở xã Ba Dinh (huyện Ba Tơ) mới 15 tuổi đã làm mẹ được gần 1 năm. Ngày D có bầu cả cha mẹ và nhà trường điều không hay biết. Bây giờ với đứa con nhỏ bồng trên tay, đến trường với em chỉ còn là điều xa vời. “Đứa bé đau ốm miết nhưng đường đi xa quá, nhà nghèo không có tiền nên chưa được đi khám lần nào”, bà Đinh Thị Bùi, mẹ ruột của D nghẹn ngào kể.
Cách đây 3 năm, khi còn là học sinh trường THPT Ba Tơ, Phạm Thị S đã lấy chồng. S lúc ấy chỉ mới 16 tuổi 2 tháng, vừa phải mang thai vừa đi học và sinh con ngay trước ngày thi THPT. “Lúc ấy em còn quá nhỏ. Em đến giờ lúc nào cũng ân hận, để bây giờ cuộc sống quá khó khăn, không đủ tiền mua sữa, mua thuốc, áo quần cho con”, S buồn bã.Tảo hôn, hôn nhân cận huyết chưa có hồi kết
Quảng Ngãi từng là địa phương có số cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống lên đến con số hàng ngàn. Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2016 -2020 của tỉnh như một sự cố gắng ngăn chặn tình trạng này.
Nếu như trước năm 2016, cả 6 huyện miền núi trong tỉnh là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và Trà Bồng, cùng với một số xã miền núi của huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành có đến 462 cặp tảo hôn, thì đến cuối 2018 chỉ còn 150 cặp. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của tỉnh phần nào cũng đã được chấm dứt.
Cuối năm ngoái, em Phạm Thị Mỹ C (sinh năm 2004, ở thôn Bắc Hà, xã Sơn Hạ, huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi) có ý định lấy chồng khi chưa đầy 15 tuổi. Gia đình bên nhà trai đã chuẩn bị làm lễ “tác nêm” (dạm hỏi nhà gái). Ngay khi biết được thông tin này, cán bộ thôn Bắc Hà đã báo cáo lên xã. Chính quyền địa phương đã đến nhà gia đình để phân tích cho bố mẹ của C hiểu mặt trái của tảo hôn.
Từ đó, gia đình đồng ý chưa cho con kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Hiện em Mỹ C đã trở lại trường tiếp tục học tập.
Ông Nguyễn Đức On, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Điều quan trọng nhất là tuyên truyền cho từng bậc phụ huynh và thanh, thiếu niên hiểu được Luật Hôn nhân và gia đình, những nguy hiểm, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để chính họ biết phòng, tránh.
Những đứa trẻ của nhiều người mẹ rất trẻ ảnh: Nguyễn Ngọc
“Từ ngày lấy chồng, có con em thấy cuộc sống khác quá xa so với cuộc sống trước đó của em khi còn ở nhà ba mẹ ruột. Phải lo đủ thứ từ cái ăn, cái mặc… Giá như ngày đó em hiểu biết được kiến thức về hôn nhân thì bây giờ mọi chuyện đã khác, chắc bây giờ cũng được vui chơi cùng lũ bạn”. Em Phạm. T. C
Một nam sinh lớp 8 của Trường THCS Quảng Ninh (xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vừa bị người thân của một...