NXB Giáo dục “lờ” tiền tác quyền suốt 10 năm

Trên 500 tác giả có tác phẩm in trong sách giáo khoa Tiếng Việt và Ngữ văn của NXB Giáo dục cả khoảng 10 năm qua hầu như không được nhận tiền tác quyền

Tình cờ, một phụ huynh gọi điện thoại hỏi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả có tác phẩm Tiếng vọng được chọn in trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 5- ông mới biết tác phẩm của mình được chọn đăng trong SGK. Ông cho hay không một ai hỏi ý kiến mình về việc chọn tác phẩm, cũng không trả cho ông một đồng nhuận bút cũng như sách biếu nào. Hàng chục triệu bản SGK đã được in nhưng các tác giả (có tới trên 500 người) có tác phẩm sử dụng trong đó không được trả tiền tác quyền, thậm chí còn không hay biết.

NXB Giáo dục “lờ” tiền tác quyền suốt 10 năm - 1

Bài thơ Tiếng vọng của Nguyễn Quang Thiều in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 nhưng tác giả không hề hay biết

Tự tiện sử dụng, làm sai tác phẩm

“Không chỉ cá nhân tôi mà còn những nhà văn khác cũng ở trong tình trạng không được xin phép sử dụng tác phẩm của mình cũng như không được trả tác quyền” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói thêm.

Cũng giống như trường hợp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hàng loạt tác giả khác như Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa cũng có chung nỗi niềm... Nhà văn Ngô Văn Phú, người có tác phẩm được đưa vào SGK lớp 1, 2 và 9 nhưng lại không hề hay biết, bức xúc cho hay ông không được hỏi khi in sách, không được trả đồng nào tiền tác quyền suốt 10 năm qua. “Đáng lý Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục phải hỏi tác giả có đồng ý cho in hay không, phải cho người ta xem bản thảo có sai sót gì không, đằng này họ tự ý đưa vào, tự ý biên tập cắt ghép tác phẩm của tôi” - tác giả của Con voi ở công viên Thủ Lệ nói.

Không chỉ không xin phép tác giả để đưa vào SGK, những người làm sách còn tự ý biên tập bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân trong SGK Tiếng Việt 1. Theo đó, câu “Quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng” bị biến thành “Chiều chiều con thả trên đồng”. Đỗ Trung Quân từng chia sẻ về vấn đề này, ông cho hay muốn NXB Giáo dục thực hiện đúng quy định về tác quyền, dù chỉ bằng một cam kết có sự đồng ý của tác giả và không nhận tiền bởi vì đã là pháp luật thì phải chấp hành.

“Quên” nghĩa vụ

Nhà giáo Đặng Hiển, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - tác giả bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão được in trong SGK Tiếng Việt 3, cho biết suốt 10 năm qua, ông chỉ nhận được đúng một lần tiền tác quyền là 100.000 đồng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng khẳng định dù là tác giả của khá nhiều tác phẩm được đưa vào SGK nhưng ông chưa bao giờ nhận được một đồng tác quyền nào từ việc in sách này. Theo nhà thơ, một NXB lớn, nắm độc quyền trong việc in SGK với số lượng cực lớn, tái bản liên tục hằng năm mà lại không quan tâm đến việc này thì khó chấp nhận. Theo ông, có thể người làm sách cũng như nhiều tác giả có tác phẩm được đưa vào SGK coi đó là một vinh dự nên coi nhẹ việc bản quyền. Tuy nhiên, việc gì ra việc đấy, không thể vì tác giả coi đó là vinh dự mà NXB “quên” nghĩa vụ trả tiền tác quyền.

Cũng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà giáo Đặng Hiển cho rằng các tác giả có tác phẩm in SGK chắc có lẽ cũng nghĩ được in sách là vinh dự, không đòi hỏi gì. “Về mặt luật mà nói, chúng tôi có quyền được hưởng, nhất là khi NXB Giáo dục in hàng triệu bản mỗi năm để bán cho học sinh, các tác giả lại chẳng được ngó ngàng đến là điều khó chấp nhận. Tôi nghĩ phải thay đổi, không chỉ là để tôn trọng tác giả có tác phẩm được chọn mà đã là SGK thì phải tuân thủ đúng luật pháp, trong đó có quyền tác giả” - nhà giáo Đặng Hiển nói.

Tác giả có 2 bài thơ được đưa vào SGK lớp 2 (Làm anh) và lớp 9 (Hương thầm), nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết bà chỉ nhận được tiền tác quyền 2 bài thơ duy nhất một lần cách đây khoảng 10 năm, số tiền cũng không đáng kể. Sau lần đó, bà không nhận thêm một lần nào nữa dù SGK đã tái bản hơn chục lần. “Nếu sách phát hành với lượng xuất bản ít thì không nói làm gì, có thể thông cảm được nhưng rõ ràng số bản in SGK rất lớn nên phải tính toán lại” - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lên tiếng.

1 tỉ đồng/năm

Theo nhà thơ Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học, Hội Nhà văn Việt Nam - có trên 500 tác giả có tác phẩm in trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn, chưa tính tới sách tham khảo. Ông Hàn cho biết có thể khi biên soạn, nhóm tác giả, chủ biên sách đã sơ suất chưa nghĩ đến việc lên dự toán về tiền bản quyền cũng như trao đổi, xin phép tác giả mà tự động lấy tác phẩm. Đến tận tháng 8-2014, Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Giáo dục Việt Nam mới đi đến thỏa thuận về việc trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm in trong SGK từ năm 2014. Áp dụng Nghị định 18/2014/NĐ-CP về nhuận bút, chỉ tính riêng trong năm 2014, số tiền bản quyền mà NXB Giáo dục phải trả cho các tác giả là 1 tỉ đồng. Riêng việc truy thu từ năm 2013 trở về trước có vẻ như sẽ không đơn giản như vậy.

Có đòi mới trả

Vấn đề bản quyền cho các tác giả SGK đã chìm trong quên lãng từ hơn 10 năm qua, đến tận năm 2013, khi Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết chương trình phối hợp phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn văn học 2013-2020, vấn đề này mới được xới lên, trong đó có quy định “Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thực thi các quy định về bản quyền trong xuất bản”. Có lẽ phải tới lúc này, nghĩa vụ về tác quyền trong SGK mới được để ý đến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lan Anh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN