Nửa lo nửa mừng với đề thi tham khảo

Sự kiện: Giáo dục

Các giáo viên có nhiều kinh nghiệm ôn luyện thi THPT đều nhận định với đề thi tham khảo THPT quốc gia 2018, học sinh khó kiếm điểm 9, 10 ở nhóm các môn khoa học tự nhiên. Ngược lại, đề thi nhóm các môn khoa học xã hội lại dễ thở hơn nhiều.

Sáng 24-1, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia 2018. Theo đó, phương thức tổ chức các môn thi, bài thi của kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, đề thi sẽ tăng số câu hỏi phân hóa để đảm bảo tính phân hóa khi xét tuyển vào các trường ĐH.

Thầy NGÔ PHẠM HƯNG THỊNH, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM:

“Môn toán khó lấy điểm 9, 10”

Đề thi được ra theo cấu trúc từ dễ đến khó. Từ câu 1 đến câu 30 là những kiến thức cơ bản. Thế nhưng từ câu 30 trở đi, độ khó của câu hỏi tăng dần. Năm nay, đề thi bao gồm kiến thức lớp 11 và lớp 12. Trong đó, lớp 11 chủ yếu là những kiến thức liên quan đến chương Xác suất. Trong thời gian 90 phút, học sinh (HS) sẽ rất vất vả với đề thi này, đặc biệt là những câu cuối, hay nhưng rất khó. Vì thế, các em khó có thể đạt được điểm 9, 10. Với đề thi trên, qua Tết tổ toán của trường sẽ phải lên kế hoạch hệ thống hóa lại kiến thức lớp 11 cho các em. Hiện với đề thi minh họa chỉ mới đề cập đến nội dung xác suất nhưng không biết khi ra đề chính thức Bộ có xoáy hết tất cả chương trình hay không. Cho nên chúng tôi phải tổ chức ôn tập thật kỹ, bởi nếu HS bị hổng lượng kiến thức này sẽ rất nguy hiểm.

Nửa lo nửa mừng với đề thi tham khảo - 1

Gần như chưa có kỳ thi tốt nghiệp THPT nào được đón đợi với nhiều hồi hộp như kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới đây. Trong ảnh: HS trao đổi sau giờ thi tốt nghiệp THPT năm học 2017. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thầy VŨ KHẮC NGỌC, giáo viên hóa học cấp THPT tại Hà Nội:

“Môn hóa đòi hỏi HS vừa giỏi vừa nhanh”

Nếu như năm ngoái đề bắt đầu có sự phân hóa rõ kể từ câu 25 trở đi thì năm nay từ câu 19 đã bắt đầu có tính chất phân hóa, các câu hỏi phân hóa cao, mức đánh giá lớn.

Cụ thể, HS sẽ có 5-8 điểm cho phần lý thuyết với các câu hỏi dễ, trung bình và 2 điểm còn lại dành cho bài tập với các câu hỏi khó, phức tạp.

Đề thi năm nay có cả kiến thức lớp 11, tuy nhiên các câu hỏi đều không khó. Do đó đây là một định hướng quan trọng cho các bạn HS nên quan tâm, chỉ tập trung một số nội dung lớp 11 trọng tâm để tránh bị lố thời gian. Như vậy, để làm tốt đề thi môn hóa năm nay đòi hỏi HS không chỉ phải giỏi mà còn phải nhanh, đặt bút làm liền, đặt mục tiêu cao, cần phải luyện tập thường xuyên nếu các em muốn vào các trường ĐH tốp đầu.

Thầy LÊ THÁI NGỌ, giáo viên môn vật lý cấp THPT tại Hà Nội:

“Môn vật lý ra đề khó hơn năm ngoái rất nhiều”

Nếu so độ khó với đề thi THPT quốc gia năm 2017 thì đề tham khảo năm nay khó hơn rất nhiều. Cụ thể, đề thi có độ khó tăng lên, kiến thức bao phủ chương trình lớp 11 và lớp 12, có câu kết hợp cả kiến thức lớp 11 và 12 như câu 42.

HS có thể dễ dàng đạt 6 điểm (từ câu 1 đến câu 30) thuộc phần kiến thức rất cơ bản. Mức 6-8 điểm (câu 31-40) đòi hỏi kỹ năng xử lý biến đổi bài tập tốt. Để đạt được mức 8-10 điểm, HS phải giải được câu hỏi đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng, vận dụng cao, hiểu rõ bản chất vấn đề. Đề thi sử dụng kiến thức lớp 11 phù hợp, rơi vào phần dãy số và lượng giác, xác suất.

Nhìn chung, tôi nhận thấy đề thi tham khảo môn vật lý năm nay đáp ứng được yêu cầu thi THPT quốc gia, vừa dùng để xét tốt nghiệp và có tính phân loại cao để làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH.

Cô TRỊNH THU TUYẾT, giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội:

“Môn ngữ văn dễ đạt 7 điểm trở lên”

Theo tôi, cấu trúc đề thi ngữ văn THPT quốc gia 2018 không có gì thay đổi, vẫn có hai phần đọc hiểu và làm văn với thời gian vẫn giữ nguyên là 120 phút. Theo đó, phần đọc hiểu vẫn như năm 2017 được chia làm bốn phần nhỏ, trọng tâm không nhiều nên HS cần chú ý trả lời ngắn gọn, súc tích và nên dành 40 phút cho phần này.

Phần quan trọng 80 phút còn lại dành cho câu nghị luận văn học. Điều thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2018 là đưa thêm chương trình văn học lớp 11 vào cấu trúc đề thi. Tuy nhiên, với cái nhìn tương đối thì tôi cho rằng HS nên chú trọng vào văn học hiện đại hơn để có thể nắm vững kiến thức làm bài và có thể phần nào yên tâm rằng đề thi sẽ không rơi vào văn học Trung đại lớp 11.

Tôi đánh giá đề văn năm nay không làm khó cho HS, để đạt mức điểm từ 7 trở lên hoàn toàn có thể.

Cô NGUYỄN THỊ HUYỀN, giáo viên môn địa lý Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP.HCM:

“Đề thi môn địa vừa sức học sinh”

Theo tôi thì đề thi minh họa khá dễ. Các câu hỏi trong đề đều bám sát chương trình sách giáo khoa. Nhìn tổng thể, 20 câu đầu tiên kiến thức khá cơ bản, càng về sau độ khó có tăng lên. Đề cơ bản giống năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay đề có thêm kiến thức lớp 11 chiếm 10%-15%, chủ yếu tập trung vào phần ASEAN. Nội dung này được học vào cuối lớp 11, lại liên quan đến Việt Nam nên sẽ không gây khó đối với HS. Tôi chỉ sợ nhất là đề ra vào những phần đầu của chương trình địa lý lớp 11, khi đó HS khối 12 không có thời gian ôn tập nhiều nên các em sẽ thiệt thòi. Còn nếu với đề thi này thì tôi nghĩ các em sẽ dễ đạt điểm cao.

Bộ GD công bố đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2018

Ngày 24/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố đề thi tham khảo trung học phổ thông quốc gia 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN