Nữ sinh nghèo đậu hai trường đại học

Không cha, nhà thuộc diện đặc biệt nghèo, mẹ hay đau bệnh… Trần Đoàn Thảo Nguyên (thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng), đậu 2 trường ĐH với số điểm cao, nhưng ước mơ giảng đường vẫn đầy chông chênh phía trước.

Nhà của Nguyên ở cuối thôn Quan Châu là bốn bức vách, lợp mái tôn, bên trong có chiếc bàn cũ và 1 chiếc xe đạp. Gần xế trưa, Nguyên cùng mẹ mới về, mồ hôi nhễ nhại vì vừa đi gặt thuê về.

“Hai mẹ con gặt ráng sào ruộng cho ông Minh ở thôn bên để chiều còn sang gặt cho bà Ánh”, Nguyên kể.

Hòa Châu đang vào vụ thu hoạch, không có ruộng, hai mẹ con tất tả xin đi cấy, gặt thuê.

Nữ sinh nghèo đậu hai trường đại học - 1

Bếp nấu ăn lộ thiên giữa nắng mưa của hai mẹ con Nguyên

“Nếu trả công theo ngày, mỗi ngày hai mẹ con được 200-300 ngàn đồng, còn theo sào thì 100-120 ngàn đồng/sào. Phải tranh thủ gặt không hết mùa. Giờ đồng ruộng ít hẳn, nhường đất cho đường sá, dự án hết”, bà Trần Thị Liên (45 tuổi), mẹ Nguyên nói.

Từ lớp 4 lớp 5, Nguyên đã thạo việc tỉa đậu, bắp, làm cỏ, chăn bò? Vài chị to khỏe trong làng cũng khó bì kịp khả năng tháo vát, chăm chỉ của Nguyên.

Nhắc đến bố, đôi mắt Nguyên đượm buồn, Nguyên kể: Từ nhỏ mẹ không hay kể về bố. Mỗi lần nói, mẹ lại khóc. Chắc tại bố thấy nhà nghèo nên bỏ chúng em đi. Một mình mẹ gồng gánh gia đình nghèo...?

Ngặt nỗi bà Liên hay bị chứng đau đầu kinh niên, thấp khớp hành hạ. Năm 2005, bà vay mượn dựng căn nhà tạm hiện nay. Lúc làm thiếu hụt tiền, bà con trong xóm thương cảm nên người giúp tiền, người giúp tre, tôn mới có thể hoàn thiện.

Đến giờ, ngay cả khu bếp, vệ sinh cũng chưa hoàn thiện. Khoảng trống đất vườn nhà bên được mẹ con bà Liên xin kê 3 viên gạch để đun thổi. Nhiều lúc trời mưa, cả nhà nhìn nhau nhịn đói, vì chẳng tìm nổi chỗ đun nấu.

Học Trường THPT Hòa Vang cách nhà gần chục cây số, mỗi ngày, Nguyên thức dậy thật sớm, chạy bộ tới trường. Đến năm cuối cấp, gia đình dành dụm chút tiền mua chiếc xe đạp cũ.

Bà Trần Thị Thích, bà ngoại Nguyên, bảo: quần áo cháu mặc cũng được người ta cho. Nguyễn Phạm Thanh Bình (bạn cùng lớp Nguyên), nói: Bạn ấy tội nhất lớp, nhiều bạn khó khăn nhưng không ai nghèo như thế.

Sách vở đầu năm học, Nguyên cũng bị thiếu...? Nhưng Nguyên vẫn làm cả lớp “ghen tị” về thành tích học tập. Không có tiền học thêm, ôn luyện, em tự học ở nhà là chính. Mỗi ngày, phụ mẹ lo việc nhà đến 8-9 giờ tối, nên Nguyên phải thức đến tận 1-2 giờ sáng để ôn luyện.

“Những buổi cấy gặt về, Nguyên quá mệt, ngủ gục trên bàn, nhưng vừa tỉnh giấc cháu lại vớ sách vở học”, bà Liên kể. Chỗ học của Nguyên chỉ là một chiếc bàn cọc cạch, phía trên treo đầy nồi niêu.

Cầm 2 tờ giấy báo nhập học ngành sư phạm Toán (ĐHSP Đà Nẵng) và SP tiếng Anh (ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng), Nguyên nói: Em chọn học ngành sư phạm Toán vì không phải đóng học phí và có KTX giá rẻ cho sinh viên. Em thích học ngoại ngữ nhưng lại sợ phải tốn nhiều tiền mua dụng cụ học tập, các phương tiện hỗ trợ nghe, nói, luyện viết...?

Vừa nhập học vài ngày, nỗi lo chi phí ập đến gia đình nghèo. “Trường thông báo phải đóng gần 1,5 triệu đồng các khoản tiền đầu năm. Em mới đóng được 800 ngàn đồng thôi, còn lại xin nợ thêm vài tuần nữa khi có tiền bán đậu, gặt lúa thuê sẽ nộp nốt”, Nguyên nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Huy (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN