Nữ sinh giật tóc, đánh nhau trong tiếng reo hò phản cảm: Vì sao ngày càng "hung tính"?
Phần lớn nguyên nhân chỉ do xích mích hoặc mâu thuẫn nhỏ nhưng các em đã chọn cách xử lý bạo lực.
Khi nữ sinh gặp mâu thuẫn nhỏ cũng giải quyết bằng bạo lực
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày, 3 vụ nữ sinh đánh nhau được báo chí đăng tải.
Chiều 26/10, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài 23 giây ghi lại cảnh ba nữ sinh đánh nhau dữ dội trong giờ ra chơi. Vụ việc được xác định xảy ra tại Trường THCS Lê Văn Thới (thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Nhóm nữ sinh lớp 8 tại tỉnh Tây Ninh đánh nhau - Ảnh cắt từ clip
Trong clip, có hai nữ sinh ngồi trên đất dùng tay giật tóc lẫn nhau. Một nữ sinh khác mặc áo khoác thì liên tục dùng tay đánh vào đầu và giật tóc của một trong hai nữ sinh trên.
Đến giây thứ 15, có một nam sinh đến kéo chân, lôi bạn nữ sinh đang bị đánh vào đầu. Vụ việc này xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn cười cợt, cổ vũ.
Qua xác minh, sự việc này xảy ra vào ngày 22/10 tại Trường THCS Lê Văn Thới (thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Nạn nhân bị đánh là H.T.T., học sinh lớp 8.4. Sau khi xảy ra sự việc, em T. bị đau ở cổ, đầu và trầy xước tay.
Trước thông tin này, Trường THCS Lê Văn Thới đã gửi báo cáo đến lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Dầu về vụ việc có 4 học sinh đánh nhau tại khu vực phía sau trường, xảy ra vào giờ ra chơi ngày 22/10.
Theo đó, sau khi được báo tin, thầy Võ Văn Tam - trực ban giám hiệu - đã xuống khu vực xảy ra vụ đánh nhau để mời các em học sinh này kết hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp 8.4 xử lý.
Nguyên nhân được xác định là các em có mâu thuẫn, nói xấu nhau trên mạng xã hội từ trước nên trong giờ ra chơi gặp nhau cãi vã. Do không kiềm chế được nên đã xảy ra vụ đánh nhau. Đoạn clip được quay và chia sẻ bởi một bạn học sinh lớp khác.
Có thể nói, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc nữ sinh mâu thuẫn, đánh nhau gây xôn xao dư luận.
Học sinh đánh nhau chỉ vì mâu thuẫn nhỏ - Ảnh cắt từ video clip
Cũng trong chiều qua (26/10), liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp 7 trên địa bàn bị bạn học đánh bầm dập, Phòng GĐ-ĐT huyện Quế Phong đã có báo cáo nhanh gửi Sở GD-ĐT Nghệ An.
Theo báo cáo này, tối ngày 21/10, em Hà Thị Phương N. (lớp 7, trú bản Na Lướm, xã Thông Thụ) tổ chức tiệc mừng sinh nhật.
Em N. có mời nhiều bạn bè, trong đó có em Hà Thị Mộng V. (lớp 7), em Lô Thị Ngọc T. (lớp 9) cùng là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thông Thụ và em Lang Thị Yến N. (lớp 9, Trường THCS Đồng Văn) tới tham dự tiệc.
Tại nhà em Phương N., em Mộng V. có xảy ra mâu thuẫn với một người bạn trong lúc dự tiệc. Sinh nhật xong, khoảng 22h tối cùng ngày, cả nhóm rủ nhau lên cầu Nậm Piệt chơi.
Lúc này, em Mộng V. bị Phương Ng., Ngọc Th. và Yến Ng. tát vào mặt, đạp vào người. Một lúc sau, có một nam sinh đi qua thấy nên đã can thiệp, chở nạn nhân về nhà.
Sự việc chưa dừng lại ở đó, khoảng 22h tối ngày 22/10, nhóm 3 nữ sinh tiếp tục lên nhà em Mộng V., chở em xuống cầu Nậm Piệt bắt xin lỗi.
Không nhận được lời xin lỗi từ V., 3 nữ sinh này đã kéo tóc, tát, đạp vào mặt, người của nạn nhân. Quá trình diễn ra sự việc còn dùng điện thoại quay lại video. Vài ngày sau thì clip lan truyền trên mạng xã hội.
Sau khi nắm được thông tin sự việc, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường liên quan phối hợp với Công an xã Thông Thụ để điều tra, xác minh và xử lý vụ việc.
Nữ sinh ở H.Phù Mỹ bị đánh hội đồng và bị tung clip lên mạng xã hội
Trước vụ việc trên, chỉ 2 ngày trước, Công an H.Phù Mỹ (Bình Định) đang điều tra sự việc một học sinh lớp 9 trên địa bàn bị nhóm nữ sinh đánh hội đồng ngay tại nhà rồi quay clip tung lên mạng xã hội Facebook, Tik Tok...
Theo đó, đoạn clip nữ sinh bị đánh hội đồng nói trên xuất hiện trên các trang mạng xã hội từ trưa 25/10 và đã bị gỡ xuống vào chiều cùng ngày.
Trong clip, một nữ sinh mặc áo thun trắng đang ở nhà thì bị các nữ sinh khác kéo đến đánh, đá, chửi thề...
Một nữ sinh hỏi nữ sinh bị đánh: "Nghe mấy đứa nói chị đưa video gì cho nhà trường mà, đúng không?". Nữ sinh bị đánh trả lời: "Đâu có đâu, video nào?". Nữ sinh kia trả lời: "Video hôm qua bọn em đánh chị!".
Khi nữ sinh bị đánh giải thích là mình không có video đó thì tiếp tục bị hỏi về chuyện liên quan đến việc mượn nick (tài khoản mạng xã hội)... Ngay lúc này, một nữ sinh áo nâu nhảy vào túm lấy nữ sinh bị đánh rồi vật mạnh xuống sàn nhà và một nữ sinh khác xông vào tiếp tục đánh.
Nữ sinh mặc áo thun trắng bị đánh nằm xuống sàn nhà, co giật. Các nữ sinh khác vẫn chưa buông tha, tiếp tục lôi nữ sinh này dậy để kiểm tra, truy hỏi và một nữ sinh khác khuyên cả nhóm không nên đánh nữa...
Clip nói trên được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Hầu hết các ý kiến đều rất bức xúc vì các nữ sinh còn nhỏ nhưng rất manh động.
Liên tục đánh đập nhau dã man, vì sao học sinh ngày càng 'hung tính'?
Chỉ ra nguyên nhân nữ sinh tham gia ẩu đả trong và ngoài nhà trường nhiều hơn, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cho biết, chuyện nữ sinh đánh nhau, tung clip lên mạng xã hội hiện nay có tần suất dày đặc không còn là hiện tượng mà đến lúc phải báo động và cần có những giải pháp. Hiện tượng nữ sinh đánh nhau nhiều và được đưa lên mạng là do nhiều em lầm tưởng mình là "người hùng", bên cạnh đó là trào lưu "câu like" sống ảo, nó cũng cho thấy đạo đức học sinh, các em không đoàn kết, yêu thương nhau, học sinh ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức…
Chia sẻ kinh nghiệm, thầy Phú cho biết, về kỷ luật, học sinh trong trường có ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy định nhà trường, chưa phải xử lý học sinh xô xát, đánh nhau bao giờ. Mỗi khi học sinh có khúc mắc, sẽ được giáo viên giải thích, làm hòa, được các bạn quan tâm, khuyên nhủ. Nhà trường xác định, kỷ luật là biện pháp hạn chế nhất, có quan tâm đúng mức, học trò sẽ không vi phạm.
Trên VietNamNet, TS Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng khoa Tâm lý & Giáo dục (Trường ĐHSP – Đại học Huế) chia sẻ, bạo lực học đường là một biểu hiện cụ thể của hành vi hung tính, trong đó hành vi hung tính được hiểu là hành vi mang tính thù địch, có liên quan đếm cảm giác tuyệt vọng và hẫng hụt, được biểu hiện rõ ràng bằng cường độ biểu đạt lời nói (đe dọa, chỉ trích, vu khống), hành vi (lăng nhục, đánh đập) và thái độ (ánh mắt thù địch).
Theo TS Hùng, tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra ngày càng gia tăng về tính chất, mức độ không chỉ đối giữa cá nhân với cá nhân mà còn là một nhóm đối với cá nhân, bạo lực học đường không chỉ diễn ra với học sinh nam mà còn diễn ra đối với các học sinh nữ.
Đặc biệt, có trình trạng nhiều học sinh chứng kiến cảnh bạo lực học đường nhưng lại không can thiệp mà còn cổ xuý, hô hào, quay video và đưa lên mạng.
Ông Hùng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo lực họ đường gia tăng, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân chủ quan nằm trong chính quá trình phát triển tâm sinh lý của các em. Giai đoạn phát triển dậy thì có sự thay đổi nhanh mạnh về mặt thể chất nhưng không cân đối do đó trong tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc là bốc đồng và không kiểm soát được hành vi bản thân.
Việc này khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động và đặc biệt là không biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, thiếu kỹ năng trong cách giải quyết các xung đột xảy ra trong cuộc sống.
Nguyên nhân khách quan được nhìn từ nhiều góc độ, trong đó có góc độ gia đình, xã hội và nhà trường.
Để hạn chế tình trạng học sinh đánh nhau, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đưa ra giải pháp: "Tình trạng học sinh đánh nhau, tung các clip lên mạng xã hội vừa qua là thực trạng đáng buồn. Các em đều trong độ tuổi diễn biến tâm lý khác thường, bồng bột… Do đó, giáo viên và phụ huynh cần phối hợp, nắm bắt được điều này để có những hướng dẫn cho phù hợp. Nhà trường cần tăng cường trang bị kỹ năng sống, giáo dục về văn hoá ứng xử, tôn trọng những người xung quanh và cả trên mạng xã hội".
Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, các địa phương, nhà trường tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội. Tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên...
Nguồn: [Link nguồn]
Học sinh liên tiếp đánh nhau, nói tục, chửi bậy ở khắp mọi nơi, thậm chí xưng hô “mày – tao” với giáo viên đứng lớp là tiếng chuông báo động về văn hóa ứng xử, giáo...