Nữ sinh chuyên ngữ chinh phục đại học số 1 Trung Quốc

Sự kiện: Giáo dục

Nguyệt Quỳnh, 18 tuổi, nữ sinh từng biểu diễn trước phu nhân Bành Lệ Viên, chinh phục Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng hàng đầu Trung Quốc.

Lê Nguyệt Quỳnh là học sinh lớp 12 chuyên tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Nữ sinh nhận tin đỗ chương trình Kinh tế, Tài chính và Quản lý của Đại học Thanh Hoa, hôm 18/6. Ngôi trường hơn 110 tuổi này hiện ở vị trí thứ 12 thế giới, theo bảng xếp hạng đại học Times Higher Education.

"Từ khi em quyết định du học tới ngày nhận kết quả chỉ khoảng một năm", Quỳnh cho biết.

"Em may mắn vì liên tiếp có cơ hội thể hiện năng lực tiếng Trung trong những cuộc thi, sự kiện quan trọng. Nó trở thành điểm cộng lớn cho hồ sơ của em".

Nguyệt Quỳnh trong bộ ảnh kỷ yếu tốt nghiệp THPT. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyệt Quỳnh trong bộ ảnh kỷ yếu tốt nghiệp THPT. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyệt Quỳnh học tiếng Trung từ lớp 6, khi được mẹ khuyên nên biết thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Ban đầu, gia đình không định hướng em du học ngay ở bậc đại học. Nhưng khi thấy anh, chị khóa trên đăng ảnh chụp tại các trường hàng đầu châu Á, Quỳnh được truyền cảm hứng.

Tới cuối năm lớp 11, nữ sinh mới thực sự đặt mục tiêu du học và dành cả mùa hè để thuyết phục bố mẹ.

"Mẹ lo em du học hơi sớm, vất vả. Em nói Trung Quốc cũng gần, đi lại không mất thời gian như châu Âu hay Mỹ, văn hóa cũng nhiều nét tương đồng nên em không khó hòa nhập", Quỳnh nhớ lại.

Theo Quỳnh, Đại học Thanh Hoa yêu cầu ứng viên gửi bảng điểm (GPA), chứng chỉ tiếng Trung (HSK), hai thư giới thiệu, bản kế hoạch học tập và một video giới thiệu bản thân.

Thời điểm đó, Quỳnh đã có GPA trên 9, chứng chỉ HSK 6/6 và IELTS 7.0 nên khá yên tâm.

Với kế hoạch học tập, em xác định bố cục gồm hai phần: giới thiệu bản thân và định hướng. Những ngày đầu tiên, em chia nhỏ nội dung bằng cách tự đặt các câu hỏi và trả lời. Sau đó, Quỳnh lọc và sắp xếp ý để đưa vào bài.

Nữ sinh cho hay đã kể về quá trình đến với tiếng Trung, niềm đam mê với văn hóa Trung Quốc. Em chọn ngành Kinh tế vì thấy mình có khả năng học Toán, tính cách hướng ngoại, chủ động và thành thạo hai ngoại ngữ. Quỳnh còn kể về 10 năm học piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 2-3 năm học guitar và dance sport, coi đây là những cách để cân bằng và giải trí sau thời gian học tập.

Tới phần định hướng, nữ sinh cho biết nếu trúng tuyển sẽ nghiên cứu, học hỏi, mở rộng mối quan hệ vì Thanh Hoa có rất nhiều người giỏi. Sau tốt nghiệp, em muốn tiếp tục học thạc sĩ, sau này làm việc trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế.

"Cái khó nhất của bài là sắp xếp các ý cho logic, không bị nhàm chán. Em cố gắng liên kết chi tiết được đề cập ở trên với thông tin được đưa ra phía dưới. Em mất khoảng ba tuần cho bài viết này", Quỳnh cho hay.

Nguyệt Quỳnh phát biểu trong buổi giao lưu hữu nghị Việt - Trung, tháng 12/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyệt Quỳnh phát biểu trong buổi giao lưu hữu nghị Việt - Trung, tháng 12/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong video giới thiệu, Quỳnh nói bằng cả tiếng Anh và Trung. Nữ sinh làm kịch bản chi tiết, sử dụng thêm hình ảnh minh họa để làm nổi bật nội dung, thành tích mà em chia sẻ.

Quỳnh hoàn tất hồ sơ và nộp vào tháng 10/2023. Vì thế, em không kịp đề cập giải nhì Nhịp cầu Hán ngữ quốc tế một tháng sau đó, cũng như trải nghiệm khi phát biểu trong buổi gặp gỡ của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung Quốc, biểu diễn trước bà Bành Lệ Viên khi bà cùng Tổng bí thư Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam vào giữa tháng 12.

"May mắn là em đã có cơ hội chia sẻ những điều này trong vòng phỏng vấn", Quỳnh kể.

Buổi phỏng vấn diễn ra đầu năm nay. Các giám khảo thay nhau hỏi bằng tiếng Trung và tiếng Anh, yêu cầu thí sinh trả lời bằng cả hai thứ tiếng.

"Thầy cô không hỏi quá lắt léo hay đánh đố, đều liên quan đến trải nghiệm thực tế của mình nên em không cần quá nhiều thời gian suy nghĩ", Quỳnh nói.

Nữ sinh sau đó nhận được thư "đề nghị nhập học" của Đại học Thanh Hoa vào tháng 2. Dù chưa phải thông báo trúng tuyển chính thức, nữ sinh cho biết hiếm có ứng viên trượt sau khi nhận được thư này.

Nguyệt Quỳnh tại cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ quốc tế, tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 11/2023. Video: Nhân vật cung cấp

Cô Lê Thị Thanh Bình, nhóm trưởng Tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, cho biết Quỳnh là học sinh thứ hai của trường đỗ Đại học Thanh Hoa.

"Quỳnh là học sinh toàn diện. Ngoài ngoại ngữ, Quỳnh học rất tốt Toán, là một trong bốn bạn ở lớp chọn thi tốt nghiệp theo tổ hợp khoa học tự nhiên", cô Bình nói.

Ngoài ra, theo cô Bình, Quỳnh nhanh nhẹn, hoạt bát. Nhờ lực học tốt cùng nhiều tài lẻ, ngoại hình ưa nhìn, em luôn nổi bật trong các hoạt động.

Nữ sinh đang đợi kết quả xét học bổng của Đại học Thanh Hoa. Ít ngày nữa, em sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù xác định du học, Quỳnh cho biết vẫn cố gắng hoàn thành kỳ thi tốt nhất có thể, khép lại hành trình 12 năm học phổ thông một cách trọn vẹn.

Vượt qua hơn 98.000 thí sinh, Huỳnh Lê Bảo Nhi, trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3, dẫn đầu về môn Văn với 9,5 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hằng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN