Nỗi niềm người mẹ dốc hết tiền cho con du học 3 lần

Sự kiện: Thời sự Du học

"Tôi rất hối hận vì việc quá nuông chiều và cho con đi du học một cách mù quáng. Khi cho con đi du học các mẹ nên chú ý đến năng lực học tập và khả năng tiếp thu của con chứ đừng quá “hướng ngoại”, một phụ huynh cho hay.

Hiện tại, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ cha mẹ đầu tư cho con đi du học nước ngoài theo kiểu “không thương tiếc tiền bạc” khá cao. Nhiều bậc phụ huynh còn luôn tồn tại suy nghĩ “hi sinh đời bố củng cố đời con”.

Đã có rất nhiều du học sinh dành được tấm bằng tốt nghiệp đại học nước ngoài danh giá và có một công việc tốt, một vị trí xứng tầm, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều du học sinh “quá sức” sau đó thất bại trở về, kéo theo những khoản nợ của bố mẹ. Không ít em sống trong bi kịch là trầm cảm và sống tách biệt hẳn với cộng đồng.

Trong một cuộc trò chuyện cùng một người chuyên làm về tư vấn du học, PV báo Infonet được chị cho biết: “Mặt trái của du học có rất nhiều câu chuyện đau buồn mà ít ai nhắc đến vì không ai muốn xoáy sâu vào nỗi đau của những người thất bại.

Tôi đã từng chứng kiến một bạn du học sinh có nguyện vọng sang Nga. Trước đó, gia đình bạn này cũng tới một số trung tâm và được hứa hẹn đủ thứ. Bản thân học sinh đó sang Nga nhưng tiếng Nga cũng chỉ biết một ít. 

Trước khi đi, em bị áp lực khi cả nhà dồn hết sức cho mình đi nên khi sang đó, dù không theo kịp được chương trình nhưng em cũng không dám về nước. Cuối cùng, em rơi vào tình trạng trầm cảm và bố mẹ phải đưa về chữa trị chứng bệnh thần kinh”.

PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng chị Hoàng P. N (Hà Nội), chị N. cho hay: “Vợ chồng tôi sống ly thân từ khi con trai mới học lớp 8. Tôi có một chuỗi kiot kinh doanh ở khu vực sân bay Nội Bài nên về kinh tế cũng không quá thiếu thốn. Chỉ có một đứa con trai nên với việc học hành của con, tôi luôn đầu tư hết mình.

Năm 2011, tôi cho con sang trường Auckland của New Zealand học ngành tài chính để sau này về kế nghiệp mẹ. Thế nhưng, do là con trai mải chơi nên chỉ được 6 tháng, học thì ít, quậy phá thì nhiều, cu con đòi về nước.

2 năm sau, tôi lại đầu tư cho con sang học ngành kinh tế tại Mỹ. Do chưa có một chút kỹ năng sống nào vì khi còn ở Việt Nam được tôi bao bọc từng chút, nên sau khi sang Mỹ một thời gian năm, con lại vẫn không theo kịp nhịp sống cũng như phương pháp học, tiếng Anh cũng không thạo, cháu lại chán nản muốn về nước. Thương con, tôi đồng ý cho con về.

Bằng tuổi con, nhiều bạn học đại học trong nước cũng đã gần xong nhưng lần này con bỏ về nước coi như tay trắng. Suốt ngày con rong chơi, tụ tập bạn bè rồi cũng chán. Đầu năm 2014, con lại năn nỉ cho sang Mỹ học ngành công nghệ. Lần này, con hứa sẽ chịu khó, khi nào cầm tấm bằng trên tay mới về nước.

Mặc dù công việc kinh doanh mấy năm nay thua lỗ nhưng thương con, tôi vẫn đầu tư cho con đi lần nữa, lần này xác định là “được ăn cả, ngã về không”. Đến giữa 2015, con bị nhà trường buộc thôi học vì thường xuyên nghỉ học và điểm tích lũy quá thấp.

Thế nhưng, con lại không nói cho tôi, cũng không chịu về nước. Cuối năm 2015, con mới gọi điện khóc. Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi mới thấy nó khóc, rồi nó xin mẹ sang đón nó về nước. Sang đưa con về trong tình trạng người con đờ đẫn, mất phương hướng. Về Việt Nam, tôi cho đi khám thì bác sĩ nói con có dấu hiệu của người bị trầm cảm, cho tới giờ vẫn hay bị kích động”.

Chia sẻ về những thất bại của con, chị P.N cho hay: “Tôi rất hối hận vì việc quá nuông chiều và cho con đi du học một cách mù quáng. Khi cho con đi du học các mẹ nên chú ý đến năng lực học tập và khả năng tiếp thu của con chứ đừng quá “hướng ngoại”.

Nếu ngày trước, tôi dành nhiều thời gian cho con hơn, nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định cho con đi du học thì giờ đây biết đâu con cũng đã có một tấm bằng đại học trong nước thay vì trắng tay, “tiền mất tật mang” như bây giờ”. 

Du học là tốt nhưng phụ huynh cũng cần xây dựng một chiến lược đầu tư cụ thể với các mục tiêu rõ ràng cho từng thời kỳ sẽ giúp giảm bớt các rủi ro mà chúng ta phải gánh chịu”.

Như vậy, bên cạnh những hào quang, sự thành công của một số du học sinh, thì vẫn còn những du học sinh thất bại. Đứa trẻ nào cũng thế, khi nói được du học ai cũng thích mà không cần biết nội lực của mình thế nào. Có thể thấy du học là niềm khát khao cháy bỏng của bất cứ đứa trẻ nào nhưng nếu phụ huynh không bình tĩnh và thận trọng thì có thể biến giấc mơ thành ác mộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN