Nỗi lòng giáo viên vùng “rốn lũ”
Với giáo viên vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh, ngoài nhiệm vụ dạy học thì còn đó bao nỗi lo toan, vất vả. Mỗi trận “hồng thuỷ” ập đến, những giáo viên ấy lại mạo hiểm vượt lũ để đến trường cứu sách vở, đồ dùng cho trò…
Cống hiến thanh xuân vùng "rốn lũ"
Hai tuần sau khi lũ đi qua, những mảng phù sa chỗ vàng chỗ đỏ vẫn bám đầy các góc tường ở Trường Mầm Non Điền Mỹ 2 (xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ ở sân trường vẫn chưa thể xua tan nỗi lo còn hiện hữu trên gương mặt của những cô giáo nơi đây.
“Trường mất mát nhiều lắm. Từ bếp điện, quạt rồi đồ dùng, bàn học của các cháu. Lũ năm nay lên quá nhanh, vượt quá dự tính ban đầu”, cô Nguyễn Thị Sự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Điền Mỹ kể lại.
Điểm Trường Mầm non Điền Mỹ ngập sâu, sau khi lũ rút giáo viên lội nước dọn trường.
Cô Sự đã gần 30 năm theo nghề giáo. Ngần ấy năm trong nghề ngoài công việc giảng dạy, cô giáo ấy còn kiêm thêm nghề “cửu vạn” khi công tác ở trường vùng “rốn lũ”. Nhớ lại trận lũ vào cuối tháng 10 vừa qua, cô Sự rưng rưng nước mắt. Hôm đó mây đen ùn ùn kéo về Hương Khê, từng đợt mưa như trút khiến các tuyến đường ngập băng. Dòng nước đỏ đục cuồn cuộn từ thượng nguồn sông Ngàn Sâu như trút giận đổ về Điền Mỹ.
Nước lũ lên nhanh, cô giáo Trường Mầm non Điền Mỹ chạy đua với thời gian để thu dọn tài sản lên tầng hai. Từ tài liệu, sách vở, đồ dùng học tập, bàn ghế được di dời. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, nước bao vây tứ phía, đường ngập băng, giáo viên dọn đồ xong bắt đầu mới tất tả rời trường về nhà. “Nhiều giáo viên trong xã cũng cố gắng ở lại bám trụ dọn thêm đồ, nhưng không thể vì nước lên quá nhanh. Lúc đó nước đã ngập vào trường”, cô Sự nhớ lại.
Giáo viên Trường mầm non Điền Mỹ chuyển bằng thuyền vào trường để dọn bùn sau khi lũ rút.
Hai ngày sau, trời ngớt mưa, lũ xuống. Gác lại công việc bộn bề của gia đình, các cô giáo Trường Mầm non Điền Mỹ lại tiếp tục chèo thuyền vượt lũ đến trường dọn bùn. Cô Sự nói, thường ngày từ nhà đến trường 7km đi khoảng 15 phút, nhưng lần này phải mất gần 1 tiếng mới vào được điểm trường. “Tan hoang hết rồi”, đó là những lời thổn thức của các cô giáo khi đến trường chứng kiến cảnh khi lũ ngập trường tới gần 2m.
“Vượt lũ đến trường dù mạo hiểm, nhưng đó là nhiệm vụ. Đặc biệt hơn là điểm trường chúng tôi lũ chỉ rút vào ban đêm. Nên dọn ngày, rồi phải ở xuyên đêm để canh lũ tiếp”, cô Sự chia sẻ. Vốn mang trong mình nhiều bệnh tật, sau nhiều ngày ngâm mình trong nước lũ, cô Sự cũng phải nhập viện để điều trị vì sức khoẻ giảm sút.
Cảm động hình ảnh cô giáo lội nước lũ ngang bụng đến trường để cứu tài sản cho trò...
Cô Sự (áo hoa thứ 2 bìa trái) cùng giáo viên trong trường dọn bùn sau lũ.
Trong đêm, các cô giáo đầu đội đèn pin, dùng chổi đẩy bùn theo nước ra ngoài. Dù nước ngập tới bụng nhưng các cô giáo vẫn cố gắng trèo thang dọn trường đón trò trở lại sau lũ.
Cô Lê Thị Hoà (SN 1972) là một trong những nữ giáo viên kỳ cựu ở trường Mầm non Điền Mỹ. Nữ giáo viên chia sẻ, hàng chục năm công tác ở điểm trường vùng lũ, mỗi mùa mưa đến lại khiếp sợ. Như năm nay trường đã chạy lũ 4 lần rồi, riêng tâm lý lo lắng thôi cũng đủ nặng nề.
Còn đó những nỗi đau
Vệt nắng cuối ngày với chút se lạnh đầu Đông dẫn tôi vào Trường Mầm non Hương Thuỷ (xã Hương Thuỷ, huyện hương Khê) nơi đây còn in đậm phù sa khi lũ đi qua. Ngôi trường như "long chảo" nằm giữa cánh đồng, bao bọc bốn bề là núi rừng.
Đây cũng là điểm trường 13 năm trước đã xảy ra sự việc đau lòng trong trận lũ lịch sử khi cô giáo Trần Thị Hoa vượt lũ dữ đến trường cứu tài sản thì bị nước cuốn trôi. Thi thể cô 3 ngày sau mới được tìm thấy. Đám tang cô giáo Hoa được tiễn đưa trong ngày lũ, để lại nỗi đau dai dẳng mà mỗi lần nhắc đến lại quặn lòng.
Giáo viên Trường Mầm non Hương Thuỷ dọn rửa đồ dùng cho học sinh sau lũ.
“Đó là ký ức đau lòng mà khó nguôi ngoai. Mỗi mùa mưa đến lại lo, mỗi năm đến tháng 11 lại buồn. Ít ngày nữa, chúng tôi cũng đến gia đình cô Hoa để thăm hỏi và thắp hương tri ân và động viên người thân của cô ấy”, cô Nguyễn Thị Chiên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Thuỷ nói.
35 năm theo nghề giáo, cô Chiên đã chứng kiến bao nhiêu lần lũ dữ phá trường. Có những thời điểm lũ cuốn sạch tài sản hay những đợt lũ dồn dập hết trận này đến trận khác. Mỗi đợt lũ đi qua, quét đi nhiều đồ dùng, sách vở của trò và tài sản trường.
Lực lượng công an hỗ trợ giáo viên dọn trường để đón học sinh trở lại.
Người ta nói “sau cơn mưa trời lại sáng”. Nhưng đối với những giáo viên tại điểm Trường Mầm non Hương Thuỷ sau cơn mưa chỉ còn lại đổ nát và tan hoang.
“Cứ mưa là ngập. Như trận lũ vừa rồi nước vào trường hơn 1,5m. Bao nhiêu thảm cỏ, bồn hoa, tường học được trang trí đẹp mắt thì chỉ sau một đêm đã tan tác, còn lại màu vàng của bùn. Mọi thứ chẳng còn gì, chúng tôi lại phải bắt đầu lại từ đầu. Năm nào lũ đi qua cũng vậy”, cô Chiên ngậm ngùi kể.
Số lượng bàn ghế bị hư hỏng sau khi ngập lụt.
Trường Mầm non Hương Thuỷ có 18 giáo viên, nhưng nhiều cô giáo ở khác xã. Vì thường xuyên chịu cảnh ngập lụt, nên nơi đây giáo viên không chỉ dạy học mà còn phải ngâm mình trong nước lũ kê đồ đạc, hết lũ thì dọn dẹp vệ sinh.
“Như năm này lôi ra, cất đồ lên cao tới 4 lần rồi. Không làm thì sợ hư hỏng tài sản, mà cứ cất vào lôi ra thôi cũng đủ mệt mỏi rồi. Dẫu vất vả, khó khăn là vậy, nhưng nếu cho chọn lại tôi vẫn chọn nghề giáo”, cô Chiên chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
GĐXH - “Tôi bắt đầu đi ngủ lúc 22 giờ, mà hơn 23 giờ 30 tôi mới có thể ngủ. Tôi mất 90 phút để vật lộn với mớ cảm xúc hỗn độn, với những hình ảnh ám ảnh, với những...