Nở rộ đào tạo ngành sức khỏe: Băn khoăn chất lượng

Sự kiện: Giáo dục

Mùa tuyển sinh 2021 được đánh dấu bằng việc hàng loạt trường đại học ngoài công lập mở mới các ngành đào tạo sức khỏe, nâng tổng số trường đào tạo ngành này lên trên 30.

Sức khỏe và sư phạm là hai ngành đào tạo đặc thù nên cần có những quy định khắt khe để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Diệp An

Sức khỏe và sư phạm là hai ngành đào tạo đặc thù nên cần có những quy định khắt khe để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Diệp An

GS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói rằng, để duy trì được chất lượng đào tạo nhóm ngành sức khỏe, phải có sự vào cuộc giám sát mạnh mẽ của các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan quản lý, xã hội vì tại nhiều nơi, nhiều trường, tính tự giác học thuật chưa được đề cao. Theo GS. Hải, các trường phải tự đảm bảo chất lượng và thực hiện nghiêm túc các quy định, nếu không thì sẽ không đảm bảo được chất lượng. Việt Nam đã thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia nên việc kiểm định chất lượng sẽ được đánh giá ngày càng tốt hơn. Đây cũng là giải pháp tạm thời để kiểm soát chất lượng đầu ra.

GS.TSKH Phùng Đắc Cam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), nói rằng, các ĐH Y khoa trên thế giới đều xây dựng trên nền tảng bệnh viện đa chuyên khoa, có tầm kiểm soát bệnh tật rộng lớn, tức đào tạo y phải có không gian bệnh viện. Theo GS. Cam, cần hạn chế các trường ĐH ngoài công lập đào tạo những ngành về sức khỏe như Y đa khoa, Răng-Hàm-Mặt. “Nếu trường nào cũng đào tạo y thì làm sao có thể có được bác sĩ giỏi.

Như thế, hậu quả sau này người học sẽ phải chịu khi đi xin việc không được hoặc không qua được sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, những trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe không nên là trường ĐH đa ngành”, ông nói. Ông cho rằng, quy định mở ngành sức khỏe hiện nay còn một số bất cập, như về cơ sở thực hành. Cụ thể, Bộ GD&ĐT không quy định một bệnh viện chỉ được phép tiếp nhận bao nhiêu sinh viên thực hành mỗi năm nên khó tránh khỏi tình trạng một bệnh viện có nhiều trường ĐH đăng ký.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nói: “Y - dược là ngành đào tạo đặc biệt, nắm trong tay sinh mạng của con người. Cần thắt chặt ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo”. Ông cho rằng, chất lượng đào tạo một bác sĩ thế nào, phải chờ ít nhất sau 6 năm nữa đến khi sinh viên tốt nghiệp hoặc thi chứng chỉ hành nghề mới biết. “Nếu buông lỏng thì dự kiến tháng 8 tới, hàng nghìn tân sinh viên ngành sức khỏe nhập học vào các trường tư thục, nhưng chất lượng đào tạo ra sao vẫn không ai trả lời được”, ông nói.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, để mở nhóm ngành sức khỏe, ngoài quy định chung (điều kiện cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên/giảng viên) còn một số quy định đặc thù như giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo. Mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp với môn học giảng dạy. Cụ thể, ngành Y đa khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 6 tiến sĩ y học lâm sàng và 1 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). 

Tuyển sinh 2021: Lưu ý đặc biệt với thí sinh

Hiện nay các trường ĐH đã tự chủ nên có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN