Những thử thách và rèn luyện từ "cơn bão corona"

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Ngành giáo dục và UBND các địa phương đã có nhiều biện pháp để học sinh ở mọi cấp học cùng tham gia chống dịch nhưng vẫn có ý thức học tập trong thời gian nghỉ học.

Phụ huynh “ứng phó” sao?

Hiện nay, hầu hết các địa phương đã chủ động cho học sinh nghỉ học tới hết tháng 2. Số ngày nghỉ này được nối tiếp với 2 tuần nghỉ Tết nên đã kéo dài thành một tháng, tính đến thời điểm này. Vì vậy, đối với nhiều phụ huynh, bài toán đau đầu là làm sao để giữ cho con trẻ được an toàn, phòng chống được bệnh tật, đặc biệt là giữa thời điểm mà dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra đang phức tạp.

Mặt khác, cùng với phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh thì, điều quan trọng không kém là làm gì để cho con trẻ tham gia các hoạt động trong thời gian nghỉ học. Từ đó, giúp trẻ vừa có ý thức tiếp tục học tập, vận động, tránh ù lì... khi quay trở lại trường. Trong thời gian này, mỗi nhà đang có nhiều cách để “ứng phó” với vấn đề này, ghi nhận của PV cho thấy, nhiều gia đình đang có cách làm hay.

Nhiệm vụ quan trọng đối với các em vẫn phải duy trì việc học tập hàng ngày khi thời gian nghỉ kéo dài.

Nhiệm vụ quan trọng đối với các em vẫn phải duy trì việc học tập hàng ngày khi thời gian nghỉ kéo dài.

Anh Hoàng Trọng Phát (phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã hướng dẫn con vệ sinh sạch sẽ, đồng thời, có chế độ dinh dưỡng phù hợp hàng ngày. Song song đó, tôi cũng cho các cháu tham gia một số hoạt động thể thao, như: Đạp xe vòng quanh khu vực nơi tôi sinh sống. Đó là một cung đường dọc bờ sông Sài Gòn (giáp giữa quận 12, TP.HCM và tỉnh Bình Dương). Mặc dù, mặt đường không thuận lợi lắm, tuy nhiên, được đạp xe trẻ nhỏ rất thích thú”.

Cùng với Khang (13 tuổi) và Hưng (9 tuổi) con anh Phát thì tham gia “tour xe đạp dọc bờ sông” hàng ngày còn có 1 trẻ hàng xóm là Thành (8 tuổi), con của chị Lê Thị Kim Huê. Theo lịch trình này, “các cháu chạy dọc bờ sông, có ghé vào một ngôi chùa để nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục hành trình qua một cây cầu khá là cao, ai nấy cũng cố gắng để vượt qua.

Anh Phát là một hướng dẫn viên du lịch, chuyên tour xe đạp cho khách quốc tế đến Việt Nam trong mấy chục năm qua.Với anh, thời gian được nghỉ ngơi, không phải đi tour (cùng với con trẻ được nghỉ học) thì cũng là dịp để anh đưa tụi nhỏ chạy xe đạp. Ngoài rèn luyện sức khỏe, khám phá xung quanh thì cũng là cách để các cháu biết thêm về một môn thể thao rất là hấp dẫn là đạp xe.

Trong khi đó, nhiều gia đình lại đang loay hoay với việc trẻ nhỏ được nghỉ dài ngày nhưng do không có điều kiện, thời gian hoặc ngại cho đến các điểm vui chơi công cộng, dẫn tới trẻ bị “nhốt”ở nhà coi tivi, chơi game, xem phim... Chị Nguyễn Thị Thu Thúy (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Rõ ràng là chúng tôi không dám cho trẻ đến các điểm công cộng hoặc khu vui chơi giải trí, kể cả siêu thị.

Từ những bức xúc trong thực tiễn cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, khi mà nhà nhà đều có các phương tiện điện tử, thiết bị nghe nhìn thông minh như, điện thoại, tivi, máy tính bảng, máy tính... thì cần có các chương trình giáo dục đào tạo lành mạnh, thậm chí kể cả chương trình giáo dục chính thống để có thể ứng phó với các sự cố như: Thiên tai, dịch bệnh. Lần này là dịch viêm phổi cấp, do chủng virus nCoV gây ra. Tuy nhiên, việc này cũng vấp phải một số khó khăn nhất định, đặc biệt là không phải gia đình nào cũng có điều kiện như nhau ở trong một ngôi trường tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông. Khi đó, không phải em nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận với các phương tiện như: Điện thoại thông minh hay máy tính, máy tính bảng...

Học tại nhà, dạy online sẽ có cơ hội phát triển?

TS Nguyễn Văn Phương, trường đại học Công Nghệ TP.HCM cho rằng: “Đối với các đô thị như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... hay các tỉnh thành khác thì việc áp dụng các chương trình giáo dục từ xa, thông qua các phần mềm, ứng dụng có thể tải về trên điện thoại, máy tính bảng hay máy tính, thậm chí cả trên tivi là điều hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, nó cũng có những khó khăn nhất định, khi trong các trường học, ngay cả khu trung tâm các đô thị lớn thì vẫn còn đó rất nhiều người có hoàn cảnh còn khó khăn. Điều này chúng ta cũng phải chấp nhận và chia sẻ nhưng nếu thí điểm, ai có thể cho con em mình được học các chương trình này thì có thể đăng ký, còn những em chưa đáp ứng được thì có thể bố trí từng nhóm học tập ngay tại trường”.

Cũng theo TS Phương thì: “Lúc này có thể dễ kiểm soát về dịch bệnh cũng như hạn chế được các vấn đề phát sinh khác khi chỉ có ít học sinh phải đến trường. Còn lại những học sinh nào có điều kiện thì có thể học tập ngay tại nhà mình. Và chương trình vẫn có thể chạy theo đúng kế hoạch, đặc biệt có thể áp dụng cho các nội dung ôn tập, cũng cố kiến thức hay các nội dung bổ trợ khác”.

Chuyên gia tâm lý lên tiếng

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Mạnh Hùng (TP.HCM) lại cho rằng:“Đối với lứa tuổi tiểu học hay các bậc học cao hơn thì cần phải có sự hỗ trợ, tương tác của phụ huynh hoặc người lớn. Khi mà tiếp cận các chương trình này, hoặc các em chưa đủ trình độ để có thể sử dụng các phần mềm, các ứng dụng hay các thiết bị thông minh. Thêm vào đó, ngồi trước các thiết bị này, liệu chắc rằng, các em chỉ chăm chú học tập hay không? Do đó, cần sự sự hỗ trợ của người lớn, phụ huynh. Thêm vào đó, các chương trình, nội dung học phải được thiết kế như thế nào và thời gian ra làm sao để phù hợp được... Trong bối cảnh này, theo tôi, tốt nhất là có sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh để tải các ứng dụng thông minh hiện có trên thị trường hoặc các chương trình giáo dục chính thống để cho các em tiếp cận như: Bác học nhí, tam giác Toán, hay các ứng dụng của Gogole, Microsoft, các chương trình học học ngoại ngữ khác...”.

Tìm hiểu của PV thì hiện nay, một số trường cao đẳng, đại học đã ứng dụng đưa chương trình đào tạo từ xa để triển khai vào giáo dục chính thống. Đặc biệt là trong dịp dịch bệnh bùng phát như hiện nay, đây cũng là cơ sở để các trường triển khai, đưa chương trình học vào khoá học chính thống. Thêm vào đó, một số trường học cũng thiết kế chương trình để giúp cho học sinh tiếp cận với các chương trình học theo hình thức đào tạo từ xa. Các chương trình này, chủ yếu là do giáo viên trực tiếp giảng dạy soạn và up lên các trang/kênh, như Youtber, Facebook...

Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Hùng cũng lo ngại: “Nếu để trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử cũng là điều không nên. Do đó, cần phải có một thời gian nhất định, ví dụ như một ngày thì sẽ chia ra: Buổi sáng là khoảng từ 30 đến 60 phút và tương tự thời gian này vào buổi chiều. Còn lại thì phải để cho con trẻ tham gia các hoạt động vận động khác, như: đạp xe, đá bóng, cầu lông... hay bất cứ một hoạt động vận động nào để có thể làm cơ thể toát mồ hôi. Có như vậy mới đủ sức để chống chọi lại với dịch bệnh cùng với chế độ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý và kế hoạch học tập như trên thì sẽ vượt qua được những biến cố như hiện nay”.

Bà Trần Thị Ái Xuân, Giám đốc một chương trình đào tạo kỹ năng mềm cũng chia sẻ: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là trong những thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì luôn phải dạy cho con trẻ tinh thần chiến đấu để sinh tồn. Sinh tồn ở đây không hiểu đơn thuần kiểu như bị lạc ở trong rừng mà phải chiến đấu vì những điều cơ bản nhất để sinh tồn trong cuộc sống, như: Phải vệ sinh sạch sẽ cá nhân mình, ăn uống đầy đủ với nhiều chất dinh dưỡng và giải thích cho trẻ biết về dịch bệnh. Đồng thời, phải tập thể thao, ngủ nghỉ hợp lý để giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là phải luôn duy trì tinh thần học tập, cả chương trình chính khoá và các nội dung bổ trợ khác. Có như vậy thì trẻ mới có thể ứng phó được mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Mặt khác, cũng nâng cao cho trẻ cách nhận thức về những điều cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, từ đó, sẽ dần trưởng thành hơn”.

Học trò kêu chán học online, thầy giáo tự gửi ảnh ”dìm hàng” kèm lời ”dằn mặt” siêu hài hước

Thấy học trò kêu học online nhàm chán, một thầy giáo đã tự gửi ảnh "dìm hàng" bởi phong cách thời trang "chẳng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Thanh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN