Những thầy giáo dành cả thanh xuân 'gieo chữ' ở miền sơn cước

Sự kiện: Giáo dục

Với lòng yêu nghề, tình thương với học trò và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều thầy, cô giáo đã "dành cả thanh xuân" của mình để thực hiện sứ mệnh “trồng người” nơi miền sơn cước, tỉnh Quảng Trị.

Những ngày giữa tháng 11, từ trung tâm TP Đông Hà vượt hơn 100 km, chúng tôi đến với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng (TH&THCS), thuộc xã Ba Tầng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Ngôi trường này hiện nay có 6 điểm trường với 60 cán bộ, giáo viên. Trong đó, cán bộ giáo viên ở miền xuôi lên công tác, giảng dạy chiếm một nửa. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng các thầy cô ở đây đều nỗ lực hết mình, vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ "trồng người".

Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng.

Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Hữu Trực (quê ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết, năm 2006 sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn ở lại Huế làm việc, thì bản thân thầy lại chọn trở về quê và hướng lên các huyện vùng núi của tỉnh nhà để công tác.

"May mắn ngay sau đó, tôi được nhận hợp đồng giảng dạy ở huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Đến năm 2010, tôi được UBND huyện Hướng Hóa tuyển dụng và phân công giảng dạy tại tại Trường Phổ thông cơ sở Pa Tầng nay là Trường TH&THCS Ba Tầng cho đến nay", thầy Trực tâm sự.

Theo thầy Trực, khi mới đến công tác tại điểm trường Măng Sông của Trường TH&THCS Ba Tầng, đường sá nơi đây đi lại vô cùng khó khăn. Từ nhà đến điểm trường này phải đi một quãng đường hàng chục cây số, trèo đèo, lội suối rất vất vả. Không những thế điều kiện sống ở đây cũng thiếu thốn đủ bề khi không có nước sạch để sinh hoạt, không có sóng điện thoại…

Thầy giáo Nguyễn Hữu Trực hàng ngày vẫn miệt mài "gieo chữ" cho các em học sinh ở vùng cao Quảng Trị.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Trực hàng ngày vẫn miệt mài "gieo chữ" cho các em học sinh ở vùng cao Quảng Trị.

"Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề, tình yêu thương những trẻ em nơi đây, chúng tôi vượt lên trên tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học. Được nhìn thấy các em được đến trường, trưởng thành và thành công trong cuộc sống là niềm vui và hạnh phúc của người thầy. Đó cũng chính là động lực để bản thân tôi luôn cố gắng vượt qua khó khăn đem kiến thức của mình dạy cho các em", thầy Trực tâm sự.

Cũng rời quê nhà lên "gieo chữ" cho học sinh ở vùng cao xã Ba Tầng suốt hơn 18 năm nay, thầy Nguyễn Mạnh Cường (quê ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong), cho biết, ngày mới ra trường, bản thân luôn xác định sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu theo sự phân công của cấp trên.

"Những ngày đầu mới nhận việc, bản thân tôi gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ vì khác xa so với những tưởng tượng thời sinh viên. Tuy nhiên, với động lực là mang lại con chữ, niềm vui cho các em và bà con dân bản nên bản thân đã cố gắng bám trụ suốt 18 năm qua", thầy Cường cho biết.

Ngoài làm công tác chuyên môn, nhiều thầy cô nơi đây thường xuyên tuyên truyền và vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp với cán bộ Bộ đội biên phòng vận động người dân bãi bỏ các phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, không xâm canh xâm cư, không vượt biên trái phép... Thầy cô cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô còn làm tốt công tác "dân vận" đi đến từng nhà để vận động phụ huynh và động viên các em đến trường cũng như đi học thêm để củng cố kiến thức.

Như nhiều giáo viên từ miền xuôi đến dạy học cho trẻ em ở vùng sơn cước, vào dịp cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, thầy Trực, thầy Cường thường tranh thủ về thăm quê. "Tranh thủ những ngày cuối tuần tranh thủ ngày nghỉ, vượt quãng đường hơn 120km, tôi lại về thăm nhà để được sum vầy cùng bố mẹ, vợ con và người thân ở quê" - thầy Trực nói.

Chia sẻ về mong muốn của mình, thầy Trực cho biết, sau nhiều năm công tác ở vùng núi, đã trải qua nhiều cung bậc vui buồn của nghề giáo, bản thân thầy bây giờ mong muốn được tạo điều kiện chuyển về công tác ở gần nhà, gần bên gia đình.

"Trải qua hơn 12 năm công tác ở vùng núi, bản thân tôi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến giờ phút này, bản thân tôi mong muốn được về xuôi để tiếp tục công tác giảng dạy của mình, được ở gần bên gia đình, để phụng dưỡng bố mẹ lúc về già, cùng vợ dạy dỗ con cái nên người. Dẫu biết rằng, nơi đây đã từng là thanh xuân của tôi, là nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên được trong suốt cuộc đời làm thầy của mình" - thầy Trực trải lòng.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường - người có 18 năm gắn bó với học sinh Trường TH&THCS Ba Tầng.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường - người có 18 năm gắn bó với học sinh Trường TH&THCS Ba Tầng.

Tương tự thầy Trực, thầy Cường đến nay đã có hơn 18 năm công tác tại miền biên viễn, bản thân thầy luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. "Những lúc nhớ con, nhớ gia đình, tôi thường gọi điện thoại về để thăm vợ con và gia đình. Vì đường sá cách trở, nên vợ chồng chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn", thầy Cường tâm sự.

Sau gần 20 năm giảng dạy ở vùng cao khó khăn, thầy Cường vẫn luôn mong muốn được các cấp tạo điều kiện để được về công tác gần nhà, để có thời gian chăm sóc bố mẹ già, cũng như dạy dỗ con cái. Những mong ước trên có thể giản đơn đối với người khác, nhưng lại là điều rất khó khăn đối với các thầy, cô giáo đang công tác tại miền sơn cước.

Thầy giáo Hoàng Vũ Bằng Giao - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Ba Tầng cho biết, với đặc thù là vùng sâu, vùng xa khó khăn, các giáo viên phải xa gia đình, do đó nhà trường luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đến đời sống của các thầy cô giáo. "Nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí các hoạt động vào dịp cuối tuần, ngày lễ phù hợp, thuận lợi nhất để các thầy cô giáo ở xa nhà có thời gian về thăm gia đình", thầy Giao nói.

Điểm trường Măng Sông thuộc Trường TH&THCS Ba Tầng.

Điểm trường Măng Sông thuộc Trường TH&THCS Ba Tầng.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với giáo viên đang công tác, giảng dạy tại các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, lãnh đạo Sở luôn thấu hiểu, ghi nhận những cống hiến to lớn của các thầy, cô trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.

Chuyện nghề của những người chuyên “ăn cơm trong bóng tối”

Nghề giáo luôn là một nghề thiêng liêng, cao cả, được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Và đối với các cô giáo mầm non thì sự cao quý ấy càng nhiều gấp bội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Dũng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN