Những quyết sách mới cho kỳ thi THPT quốc gia 2019
Từ năm 2019, Kỳ thi THPT quốc gia sẽ chỉnh theo hướng đây là đề thi của THPT, bám sát vào yêu cầu của THPT, còn các trường ĐH,CĐ sử dụng hay không là việc của trường.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thi THPT quốc gia 2019 sẽ có một số điều chỉnh phù hợp
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức sáng nay, 24/9.
Nhấn mạnh việc “kỳ thi từ năm tới đây sẽ không phải để phục vụ cho hai mục đích đồng thời mà phục vụ cho tốt nghiệp THPT” ông Nhạ lưu ý: Do vậy đề thi sẽ không phải ra để phục vụ mục đích “2 trong 1” mà phục vụ để đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó các trường ĐH, CĐ sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, vừa qua, điểm học bạ gần như “phao cứu sinh” để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp đối với thí sinh. Tuy nhiên, từng bước, Bộ sẽ phải tiến tới giảm tỷ lệ điểm học bạ để làm sao ý nghĩa của kỳ thi phải thực sự trở về đúng bản chất, thực chất.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đưa ra một số giải pháp để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Theo đó, tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xẩy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi trong năm 2019, 2020.
Thứ hai, tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của các địa phương đối với các Hội đồng thi;
Thứ ba tăng cường nhiệm vụ phối hợp, nhất là vai trò giám sát của các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi: tăng cường huy động các trường ĐH, CĐ có năng lực và điều kiện, uy tín tham gia phối hợp tổ chức thi; đồng thời thực hiện nguyên tắc các trường ĐH, CĐ không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương nơi trường đóng;
Thứ tư nâng cao hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát;
Thứ năm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh;
Tiếp theo là hoàn thiện phân hệ quản lý phách độc lập trong phần mềm quản lý thi để tăng cường tính bảo mật trong chấm thi tự luận; hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm để vừa đảm bảo chấm thi tốt nghiệp, vừa ngăn ngừa nguy cơ gian lận và hỗ trợ phát hiện sai phạm trong chấm thi.
Cuối cùng là cải tiến phương thức chấm tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi; theo đó sẽ tổ chức chấm theo cụm hoặc chấm chéo bài thi giữa các tỉnh, đảm bảo nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ cũng nghiên cứu để áp dụng một số điều chỉnh về kỹ thuật trong tổ chức thi như quy định chi tiết theo hướng yêu cầu cao hơn đối với việc lưu trữ đề thi, bài thi tại các điểm thi; quy định rõ trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi tại Điểm thi cho phó điểm trưởng điểm thi phụ trách chuyên môn là cán bộ trường ĐH, CĐ, thư ký điểm thi và cán bộ PA83 tại điểm thi.
Quy định rõ hơn về các hoạt động phải cách ly đối với các nhiệm vụ liên quan đến mối quan hệ giữa số báo danh và số phách, điểm bài thi của thí sinh trong thời gian làm phách và chấm bài thi tự luận.
Đồng thời yêu cầu cán bộ giám sát chấm thi trắc nghiệm phải có trình độ tốt về công nghệ thông tin; bố trí các phương tiện kỹ thuật cao như camera giám sát quá trình chấm thi.
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề...