Những nguồn gốc, phong tục của ngày Tết Nguyên đán cha mẹ nên dạy con
Tết Nguyên đán không những là dịp để gia đình sum họp, quây quần, đoàn tụ, mà còn là dịp để người lớn giáo dục cho con trẻ về ý nghĩa cũng như phong tục dân tộc.
Nhiều cha mẹ vẫn chưa biết giáo dục cho trẻ con những điều gì trong ngày Tết Nguyên đán. Dưới đây là nguồn gốc và sự tích các phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam mà nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian Nguyễn Đức Hiển gợi ý cha mẹ nên dạy con.
Sự tích ông Táo về trời
Theo truyền thống của người Việt Nam ta, cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng.
Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời, đặc biệt trong nghi lễ này không thể thiếu mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.
Ông Táo cũng chính là người đại diện cho sự ấm no hạnh phúc của một gia đình, gia đình ấy có sung túc, hạnh phúc, no ấm hay không là phụ thuộc vào bữa cơm gia đình.
Gói bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt, hàng năm cứ vào ngày Tết khoảng từ ngày 27, 28, 29 Tết mọi gia đình lại ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng bánh tét.
(Ảnh minh họa).
Ở miền Nam thì có bánh tét, bánh có hình trụ, miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hoàn toàn giống nhau, lúa gạo là nguyên liệu chính của bánh, bánh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt.
Truyền thống này có từ thời vua Hùng và cho đến nay là điều không thể thay đổi được trong nét đẹp văn hóa những ngày Tết, gia đình nào cũng phải gói cho mình vài chục chiếc bánh để thờ cúng tổ tiên, tặng bạn bè, người thân hay ăn vào dịp Tết. Lúc gói bánh chưng chính là lúc nhớ về nguồn cội của mình, mọi người có thêm thời gian quây quần bên nhau, kể chuyện về một năm cũ đã qua và hy vọng về một năm mới vuông vức tràn đầy, những chiếc bánh bánh tét càng tròn, bánh chưng càng vuông thì năm mới càng đầy đủ, sung túc, thành công.
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là thứ đồ không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết của người Việt, tùy vào từng vùng miền mà có những loại quả khác nhau với những nét đặc trưng khác nhau, nhưng trên bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phải đầy đủ ngũ quả với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, mong sao một năm mới sẽ đầy đủ, sung túc hơn.
Lễ cúng tổ tiên
Theo phong tục của người Việt Nam, trong mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên, ông bà, tùy vào từng gia đình mà có cách trang trí và sắp đặt khác nhau. Cứ đến cuối năm, mỗi gia đình đều lau dọn bàn thờ để chuẩn bị đón Tết, sau đó đến chiều 30 tháng Chạp, thức ăn và trái cây được xếp lên bàn thờ dâng lên ông bà tổ tiên để mong ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng với gia đình.
Đây cũng chính là việc làm thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống của người Việt, nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý của gia đình, lối sống uống nước nhớ nguồn, không được quên nguồn gốc tổ tiên.
Đón Giao thừa
Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa. Đón Giao thừa được diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ, bởi vậy hoạt động còn mang ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đến đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng Giao thừa phải được thực hiện ở ngoài trời.
Hái lộc
Vào đúng thời khắc đêm Giao thừa hoặc vào sáng sớm hôm sau, người Việt thường có thói quen đi hái lộc đầu năm với mong muốn mang rước lộc về nhà để đón một năm mới thật nhiều may mắn.
Xông đất đầu năm
Thời khắc Giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất, đó phải là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.
Xuất hành
Vào ngày mùng 1 tháng Giêng, mọi người thường chọn hướng, chọn giờ và các phương tiện để ra khỏi nhà với mong muốn khi bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành, không gặp điều xấu, điều không tốt.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng mình sở hữu những kỹ năng nuôi dạy trẻ tiến bộ. Tuy nhiên, điều đó không phải luôn đúng!
Nguồn: [Link nguồn]