Những người gieo chữ ở xã đảo

Sự kiện: Giáo dục

Thầy cô ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ chỉ cần được sống với nghề, dạy học trò nên người thì bao nhiêu trở ngại cũng hóa thành không.

Họ là những người thầy từ nhiều vùng, miền khác nhau về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM công tác. Cái duyên đưa đẩy họ đến với xã đảo, lâu dần trở thành cái nợ. Mà món nợ này không phải nợ vay-trả, không phải cứ nói rứt là rứt được... Chỉ vì trót yêu, trót thương!

Bỡ ngỡ với học trò xã đảo

Từng là giáo viên của một ngôi trường THCS ở quận 8 nhưng thầy Phạm Văn Cương (SN 1985, quê Nghệ An, hiện là giáo viên dạy văn Trường THCS Thạnh An) đã quyết định thi tuyển vào Trường THCS Thạnh An để được giảng dạy ở ngôi trường này. Thầy Cương bảo ngôi trường như mối nhân duyên trong cuộc đời đi dạy của mình. “Tôi cũng không ngờ là sau chuyến đi du lịch cùng thầy cô trường cũ về xã đảo này, tôi bỗng yêu khung cảnh sông nước, nhịp sống êm đềm ở đây. Sau đó về, tôi biết trường đang tuyển giáo viên nên quyết định thi để vào dạy ở trường” - thầy kể.

Từ đó đến nay thầy Cương đã có bảy năm gắn bó với trường, từ lúc trường còn chưa được xây mới lại như hiện nay. “Lúc tôi mới đến, cảm thấy nơi đây vắng vẻ và thiếu thốn đủ thứ. Lạ nhất là điện không có sẵn cả ngày như ở Sài Gòn. Cứ đến 12 giờ đêm là điện cúp đến sáng hôm sau mới có lại, mà khí hậu ở đây thì khô, nóng nên ban đầu rất khó chịu. Sau dần mới quen và bắt nhịp được” - thầy kể.

Những ngày đầu đến xã đảo bắt đầu việc giảng dạy là cả một chặng đường dài đầy bỡ ngỡ với thầy Cương, đặc biệt là học trò ở xã đảo.

Những người gieo chữ ở xã đảo - 1

Thầy Cương đã có bảy năm công tác tại trường và ngày càng gắn bó hơn với học sinh ở xã đảo Thạnh An. Ảnh: NVCC

“Học sinh ở đây không có điều kiện để tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ, hiểu biết của các em cũng hạn hẹp hơn so với các bạn. Hỏi các em về tô tượng, coi phim, hay vẽ tranh, đi nhà sách..., các em cũng không biết. Các em như tờ giấy trắng vậy đó” - thầy kể lại.

Và lần khiến thầy Cương thương hơn những cô cậu học trò của mình là khi thầy ra đề bài kiểm tra môn văn, các em nộp bài chỉ với một mặt giấy... “Việc viết một bài văn với các em trở nên khó khăn lắm, làm tôi bất ngờ thực sự. Với một đề văn, học sinh TP viết đến 2-3 trang giấy, còn các em ở đây chỉ viết được có một mặt giấy thôi... Tôi gắng khơi gợi cho các em để có thêm ý tưởng nhưng các em cũng không biết thêm nhiều để viết nữa...” - thầy nhớ lại.

Gắn bó với ngôi trường đã được 11 năm, thầy giáo dạy thể dục Trần Tiến Thanh (vốn ở Tiền Giang) thì tâm tình ban đầu chưa quen nên thầy giận học trò nhiều vì các em ngây ngô quá. “Nhưng sau đó thì lại thấy thương nhiều hơn chứ không giận gì hết trơn. Tụi nhỏ ở đây thiếu thốn nhiều lắm, có đứa ham học nhưng vì hoàn cảnh phải nghỉ giữa chừng...” - thầy tâm tình.

Thầy Thanh nói sở dĩ thầy còn gắn bó, bám trường, bám xã đảo để dạy là bởi chính các em học trò ở đây. “Các em làm cho tôi cứ dâng trào cảm xúc, muốn làm gì đó cho các em, không thể bỏ được. Tụi nhỏ thơ ngây, còn dè dặt lắm” - thầy nói.

Thầy trò cùng chạy bão...

Mọi thiếu thốn trong sinh hoạt hay nếp sống quẩn quanh, thậm chí với nhiều người cảm nhận là buồn tẻ đều không thể ngăn được tấm lòng người thầy muốn bám xã đảo để dạy chữ.

“Bảy năm dạy ở đây, tôi có hai lần cùng chống bão với học trò, bà con và thầy cô ở trường. Tự nhiên thấy nó vui mà ấm áp lắm. Bão vào, thầy cô trẻ đi vận động bà con lên huyện để tránh bão, số còn lại thì bám ở trường cùng chống bão. Mọi người cùng sinh hoạt, ăn uống chung với nhau, có chuyện gì cũng gọi nhau í ới nên rất vui. Đó là những lần khiến tôi cảm thấy muốn gắn bó nơi này mãi” - thầy Cương tâm sự.

Còn trong ký ức của thầy Thanh, cơn bão số 9 vào năm 2006 mãi là kỷ niệm trong cuộc đời của mình. Thầy kể: “Lần đó trường còn chưa được xây mới, không khang trang như bây giờ. Bão đến nhìn khung cảnh đìu hiu lắm, tôi với mấy thầy cô, học trò ở lại trường chống bão, cùng trải qua khó khăn nên gắn bó. Nhớ nhất là nước ngập đến nửa lớp học, thầy trò lội bì bõm dưới nước nhưng mà vui, vui vì còn làm cùng nhau. Lần đó cây gãy đổ nhưng tôi may mắn thoát chết đó chứ” - thầy Thanh kể lại.

Thầy Cương đã lập gia đình được hai năm nhưng vợ chồng thầy không có nhiều thời gian ở cạnh nhau. Thầy ở Thạnh An, vợ làm việc và sống ở quận 4 nhưng vẫn hiểu và chia sẻ với nhau để thầy tiếp tục nghiệp giảng dạy của mình... Còn thầy Thanh thì nói rằng cứ mỗi lần nhớ quê, thầy lại ra bến đò đứng nhìn...

Ở nơi xã đảo xa xôi đó, vẫn có những người thầy lặng thầm với công việc của mình như vậy. Họ không mong cầu quá nhiều về cuộc sống, chỉ cần mỗi ngày đứng lớp để dạy cho học trò ở đây từng con chữ để nên người đã là niềm vui!

Kỷ niệm buồn gắn kết tình thầy trò

Đến giờ, trong tâm trí của thầy Thanh vẫn luôn nhớ đến hai học trò thân thiết đã qua đời... “Một đứa là nam, rất chăm ngoan và hiền, nó theo tôi học thể thao đến lớp 9. Sau này thầy trò vẫn gặp nhau, thân nhau lắm. Nhưng ai ngờ nó mất trong một lần đi ăn sinh nhật bạn, không biết xô xát kiểu gì rồi bị đâm nên mất...” - thầy ngậm ngùi nhớ lại.

Thầy kể tiếp rằng đứa thứ hai là một học sinh nữ bị mắc bệnh ung thư máu rồi qua đời ngay sau đó. “Nhớ lần đầu tiên tôi hỏi, em không trả lời mà chỉ nhìn rồi ra hiệu nhưng tôi không hiểu. Còn nói em là không nghe lời thầy nhưng sau này biết được em bị bệnh, lòng tôi thắt lại. Khi bệnh trở nặng, học trò trong lớp rủ tôi đến thăm em lần cuối, tôi dặn các em đến trước rồi tôi đến sau vì đang ăn dở bữa cơm. Khi đến nơi thấy mọi người ngồi khóc, tôi vào, em nhìn tôi rồi đi luôn... Đến giờ tôi vẫn luôn tự hỏi là em đợi tôi đến chào lần cuối rồi mới đi hay sao...” - thầy Thanh nghẹn ngào.

Còn thầy Cương thì nhắc đến hai cô học trò của mình nay đã nghỉ học: “Hai chị em cùng đi học, rồi vì hoàn cảnh mà cả hai nghỉ học cùng một lúc. Tới giờ tôi cứ ám ảnh mãi trường hợp đó vì các em đều rất chăm ngoan”.

Nỗi lòng của những người thầy đặc biệt âm thầm xóa mù chữ nơi thâm sơn cùng cốc

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuyền (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN