Những ngành khoa học đặc thù: Báo động chất lượng đầu vào
Với tình hình tuyển sinh đại học như hiện nay, 10 năm nữa, Việt Nam không có chuyên gia ở một số ngành khoa học đặc thù, PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định.
Nhiều ngành học vẫn “khát” thí sinh có chất lượng
Bên cạnh những ngành có điểm chuẩn cao gây sốc, nhóm ngành khoa học cơ bản đặc thù vẫn giậm chân tại chỗ dù phổ điểm năm nay tăng. Trường ĐH Tài nguyên &Môi trường thuộc Bộ TN&MT có hàng loạt ngành học đào tạo nhân lực phục vụ bộ chủ quản với điểm chuẩn chỉ 15 điểm/3 môn như Quản lý tài nguyên nước, Quản lý biển, Thủy văn, Khí tượng và Khí hậu học, Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, Kỹ thuật trắc địa bản đồ… Trong khi đó, những ngành không liên quan lại có điểm chuẩn cao như Marketing (26 điểm), Quản trị kinh doanh (25,75 điểm), Quản trị khách sạn (24 điểm).
Tương tự, điểm chuẩn của Trường ĐH Thủy lợi năm nay theo xu hướng chung các ngành đều tăng. Nhưng điểm chuẩn những ngành khoa học đặc thù phục vụ cơ sở hạ tầng cho đất nước ở mức thấp nhất của trường như Kỹ thuật cấp thoát nước (16 điểm), Kỹ thuật tài nguyên nước (16,2 điểm), Thủy văn học (16,8 điểm).
PGS.TS Vũ Hoàng Linh cho biết, những ngành như Khoa học Trái đất, Khí tượng, Tài nguyên và Môi trường nước, Hải Dương học, Địa chất học, Công nghệ giám sát tài nguyên môi trường có nguồn tuyển nhưng chất lượng không đạt mong muốn, điểm chuẩn chỉ ở mức 6 điểm/môn. Ông Linh cảnh báo, đây là những ngành phục sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội, không có chuyên gia những ngành này sẽ có tác động rất lớn. Theo ông, với chất lượng đầu vào chỉ 16-18 điểm như hiện nay, khó đảm bảo nhân lực sau này ra trường làm dự báo bão chuẩn. Ngành nào cũng cần người giỏi, nhưng những người làm dự báo bão nếu tính sai thì hậu quả không chỉ là các con số. Do vậy, Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT phải có chương trình phối hợp đặt hàng các trường, nếu không, 10 năm nữa, Việt Nam sẽ không có chuyên gia ở những lĩnh vực trên. Ông Linh nói rằng, sinh viên những ngành học này ra trường có việc làm nhưng vất vả nên ít thí sinh chọn. Số lượng các trường đào tạo những ngành này không nhiều, chỉ tiêu lại rất thấp, chỉ vài chục sinh viên/khóa, nên chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học hoàn toàn khả thi, ông nói.
Đối với khối trường đào tạo kỹ thuật, có ngành học từng rất huy hoàng trong quá khứ như Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chương trình chất lượng cao cầu đường Việt - Pháp) của Trường ĐH Giao thông vận tải năm nay điểm chuẩn vẫn ở mức 16,05 điểm. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho hay, hai năm qua, nguồn tuyển nhóm ngành kỹ thuật dồi dào và chất lượng hơn những năm trước. Tuy nhiên, có một số ngành liên quan đến kỹ thuật xây dựng điểm chuẩn dưới 20 điểm. Theo ông Chương, nguyên nhân là bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại và đây là những ngành học vất vả, đòi hỏi người đi làm phải có sức khỏe tốt.
Tín hiệu mừng từ ngành sư phạm
Năm nay, Nghị định 116 của Chính phủ hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí cho sinh viên sư phạm, đặt hàng các trường đào tạo giáo viên chính thức có hiệu lực. Chính sách này đã có tác động mạnh mẽ đến tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH. Điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay cao không kém các trường kinh tế đang “hot” nhất. Theo thông báo của trường, điểm trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Anh lên đến 28,5; thí sinh muốn vào các ngành sư phạm Toán (dạy bằng tiếng Anh) và Giáo dục chính trị phải có điểm chuẩn lên đến 28,2. Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên từ 22 đến 27,1 tùy ngành; so với năm 2020, điểm chuẩn các ngành năm nay đều tăng từ gần 1 điểm đến 4 điểm. Tại Trường ĐH Sài Gòn, điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng từ 0,5 đến 2 điểm so với năm ngoái.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm nay có 30/3.259 mã ngành có điểm chuẩn tăng từ 9-11 điểm (dưới 1%); số ngành tăng từ 5 điểm trở lên có 265 ngành (8%), trong đó, khối kỹ thuật - công nghệ và sư phạm chiếm tới 50%, sau đó tới khối kinh doanh và quản lý (42 ngành), xã hội nhân văn (32 ngành), pháp luật (10 ngành).
Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội có mức điểm chuẩn thấp hơn một chút, nhưng cũng ở 27,6 đối với ngành sư phạm Tiểu học; 25,6 với sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên; sư phạm Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý là 25,5 điểm. Ngay cả một ngành tưởng như khó tuyển sinh vì đầu ra khó, lương thấp, công việc vất vả là sư phạm mầm non cũng có điểm chuẩn lên tới 25. Tăng cao nhất, cũng gây ngạc nhiên nhất, là ngành sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) với điểm chuẩn lên tới 30,5. Với mức điểm này, thủ khoa khối C00 năm 2021 (tổng điểm thi 29,25) cũng không thể trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên đối tượng và khu vực. Cũng ở trường này, ngành sư phạm Lịch sử chất lượng cao lấy điểm chuẩn rất cao, tới 29,75. Các ngành đào tạo sư phạm thuộc chương trình chuẩn, điểm trúng tuyển từ 18 đến 27,75. Theo lý giải của nhà trường, điểm chuẩn tăng cao ở những ngành sư phạm chất lượng cao vì chỉ tiêu ít và có nhiều ưu đãi hơn đại trà. Thực tế các ngành khác của trường đều tăng và nguyên nhân quan trọng nhất là năm nay, toàn bộ chỉ tiêu đào tạo sư phạm của trường là do tỉnh Thanh Hóa đặt hàng.
Với nhóm trường đào tạo giáo viên, bên cạnh đề dễ, phổ điểm đẹp, một lý do quan trọng khiến điểm chuẩn tăng là năm nay sinh viên sư phạm được miễn học phí, ngoài ra còn được cấp sinh hoạt phí hằng tháng 3,56 triệu đồng. Chính sách ưu đãi này đã thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển, đặc biệt trong giai đoạn nhiều gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, sinh viên còn được sắp xếp công việc sau khi tốt nghiệp.
Trong khi điểm chuẩn đại học các trường "tốp đầu" tăng mạnh 29 - 30 điểm, nhiều trường đại học khác lại có...
Nguồn: [Link nguồn]