Những ngành học "bói" không ra tiến sĩ

Sau quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo do không bảo đảm yêu cầu về đội ngũ giảng viên, các trường có ngành đào tạo đặc thù có trong danh sách trên chới với vì không thể đáp ứng tiêu chí giảng viên.

Trong 207 ngành đào tạo ĐH bị dừng tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, Trường ĐH Hà Nội  bị đình chỉ 4 ngành là ngôn ngữ Bồ Đào Nha, ngôn ngữ Ý, kế toán, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Liên quan đến 2 ngành ngôn ngữ Bồ Đào Nha và ngôn ngữ Ý, ông Nguyễn Đình Luận, hiệu trưởng nhà trường, cho biết các nước bản ngữ không đào tạo tiến sĩ ngành này thì Việt Nam lấy đâu ra?

Các ngành ngôn ngữ điêu đứng

Theo ông Luận, việc Bộ GD-ĐT cảnh báo các trường cần phải chuẩn hóa đội ngũ giảng viên là đúng nhưng với những ngành đặc thù như ngôn ngữ hay nghệ thuật thì không nên quá cứng nhắc. Ông Luận nói thêm đã có 7 khóa sinh viên học 2 ngôn ngữ này ra trường trong 10 năm qua và họ đáp ứng rất tốt công việc. “Những người làm việc cho các sứ quán, các dự án có sử dụng 2 ngoại ngữ này đều từ Trường ĐH Hà Nội mà ra” - ông Luận nói.

Những ngành học "bói" không ra tiến sĩ - 1

Đòi hỏi các ngành đặc thù như quay phim, chụp ảnh có giảng viên là
tiến sĩ là yêu cầu quá khó Ảnh: Tấn Thạnh

Cũng theo lý giải của ông Luận, các trường thuộc khối Liên hiệp châu Âu (EU) có quy định không đào tạo và cấp bằng cử nhân phiên dịch cho công dân ngoài EU. Những công dân ngoài EU chỉ được các trường này đào tạo và cấp chứng chỉ. “Các khoa ngoại ngữ của Trường ĐH Hà Nội chủ yếu đào tạo phiên dịch. Khi đàm phán các hợp đồng hợp tác song phương, chúng tôi cố gắng đàm phán đào tạo đến thạc sĩ mà đối tác đã từ chối” - ông Luận cho biết.

Cũng rơi vào hoàn cảnh này khi bị đóng cửa ngành tiếng Nhật, ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông, cho biết ngành tiếng Nhật rất khó tìm tiến sĩ về giảng dạy. Tuy nhiên, theo ông Dụ, trường đã có giảng viên là thạc sĩ và 2 chuyên gia người Nhật, đây cũng có thể coi là ngành thế mạnh của trường từ nhiều năm nay. “Trường chúng tôi sẽ báo cáo lại bộ về vấn đề này” - ông Dụ cho biết.

Ngành nghệ thuật: Rành nghề hay tiến sĩ?

Bị dừng tuyển sinh nhiều ngành nhất là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh khi phải ngưng tới 15 ngành, chủ yếu là các ngành đặc thù như biên kịch sân khấu, đạo diễn điện ảnh - truyền hình, biên kịch điện ảnh - truyền hình, nhiếp ảnh, công nghệ điện ảnh - truyền hình, thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh, lý luận và phê bình điện ảnh - truyền hình, lý luận và phê bình sân khấu, quay phim, biên đạo múa, huấn luyện múa, lý luận và phê bình múa, diễn viên sân khấu kịch hát, đạo diễn sân khấu. Trước quyết định này của Bộ GD-ĐT, ông Trần Thanh Hiệp, hiệu trưởng nhà trường, thẳng thắn cho rằng  đối với nghệ thuật, dạy kiến thức sách vở là không được. Quan điểm của ông Hiệp được một đạo diễn điện ảnh có tiếng đồng tình. Đạo diễn này cho rằng các giảng viên từng đào tạo anh đa phần không có bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà chỉ là những người làm nghề. Tuy vậy, họ đã làm nên những bộ phim xuất sắc cho nền điện ảnh Việt Nam.

Cũng theo đạo diễn này, với những trường đào tạo về nghệ thuật, Bộ GD-ĐT không nên áp đặt một cách máy móc các quy định như những trường khác.  Một NSND đồng thời là giảng viên khi được hỏi cũng cho rằng nghệ thuật là sáng tạo, người dạy nghệ thuật phải là những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật đã được công chúng công nhận chứ không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ. “Nếu cứ nặng về lý luận, giáo pháp cho sinh viên nghệ thuật thì họ mất đi sự sáng tạo. Cứ dạy họ làm như cái máy thì đâu còn chất nghệ sĩ. Nếu cứ yêu cầu phải có tiến sĩ quay phim hay tiến sĩ diễn viên thì quá cứng nhắc” - NSND này cho biết. 

Sẽ giải trình cho bộ hiểu

Phản ứng trước việc Trường ĐH Y Dược TP HCM sẽ bị dừng tuyển sinh 3 ngành là kỹ thuật y học (hình ảnh), kỹ thuật phục hình răng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, ông Lê Quan Nghiệm, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là những ngành có chuyên môn hẹp. Những ngành này các trường trong nước chưa đào tạo sau ĐH. Còn ở nước ngoài, tên gọi của ngành học nhiều khi lại không trùng với Việt Nam. Vì thế, trường sẽ giải trình lại cho Bộ GD-ĐT hiểu rõ tình hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN