Những lý do để nói không với việc dạy chữ trước khi vào lớp 1

Tâm sinh lý trẻ em đến 6 tuổi các đặc điểm thể chất như các cơ, xương bàn tay mới phát triển để trẻ có thể cầm bút. Quá trình cảm giác, tri giác, tư duy, ý chí... mới hoàn thiện. Thời điểm ấy mới phù hợp với việc học tập nghiêm túc.

Thời điểm hiện tại, phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1 có khá nhiều băn khoăn, lo lắng về việc chọn trường, chọn cô... thậm chí cả việc nên hay không nên cho con học trước chương trình lớp 1.

Là một trong những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Nguyễn Ánh Nguyệt (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Thấy đồng nghiệp ở cơ quan nói chương trình học lớp 1 khá nặng. Kết thúc học kỳ 1 các con đã phải biết đọc, biết viết. Nhiều kiến thức như vậy nếu không cho con học trước làm sao con có thể theo được chương trình ở lớp. Đó là chưa kể lớp có vài chục học sinh, giáo viên cũng khó có thể bao quát hết tất cả các học sinh trong lớp.

Chị đồng nghiệp mình kể, ở lớp con gái chị, có bạn vào lớp 1 mà vẫn chưa biết cầm cái bút, mặt chữ cũng không nhớ được, cô giáo dạy cũng rất vất vả. Ngay từ điểm xuất phát đã thua các bạn khác rồi thì trong năm học làm sao theo kịp.

Chính vì thế, từ cuối tháng 5 mình đã tới một số trung tâm gia sư thăm dò và tìm gia sư cho con. Mỗi tuần gia sư đến dạy cho con 5 buổi, mỗi buổi hai tiếng, mình cũng nói với gia sư chú ý tạo cho con hứng thú chứ không được tạo áp lực. Ngoài ra, lúc rảnh rỗi mình và con cùng đọc bảng chữ cái, tập tô, tập viết các con chữ. Cu cậu có vẻ rất thích khi đọc chữ và cầm bút tô chữ. Nhiều khi, ra hiệu sách mua đồ chơi, trên vỏ đồ chơi có những con số và con chữ mình hỏi cu cậu nói được ngay”.

Cùng quan điểm trên, một phụ huynh khác cho rằng: “Tôi hoàn toàn đồng tình với việc cho con đi học để tạo cơ hội tiếp xúc với bút vở trước khi vào lớp 1. Cha mẹ nên tạo cho con nền tảng trước khi con đi học lớp 1.

Thực tế, mình đã chứng kiến đứa con nhà chị hàng xóm, học mấy buổi mới xác định được ly, học một tuần mới viết được một chữ. Khi bạn ấy mới tập đánh vần thì các bạn khác đã đọc truyện vanh vách rồi. Đó là chưa kể, bé con nhà chị hàng xóm của mình rất thông minh và nhanh nhẹn.

Nếu không học trước thì xác định con không thể theo nổi. Vì thế, năm nay, khi con chuẩn bị vào lớp 1 mình đã nhờ một cô giáo chuyên dạy lớp 1 nhưng giờ đã về hưu kèm con. Có nhiều bạn bè của mình có con sắp vào lớp 1 cũng cho con đi học trước để khi vào năm học cô giáo đỡ vất vả mà còn có nền tảng từ trước”.

Năm nay con gái chị Nguyễn Hoàng Yến (Hai Bà Trưng  - Hà Nội) cũng bước vào lớp 1. Chia sẻ với phóng viên báo Infonet, chị Yến cho biết: “Cũng có nhiều người khuyên đừng cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 nhưng thấy con cái của bạn bè, hàng xóm đều đi học trước nên mình sốt ruột. Từ cuối tháng 4 mình đã cho con theo học một lớp học chữ ở trung tâm. Tới thời điểm hiện tại, con hoàn toàn có thể đọc và viết thành thạo các chữ trong bảng chữ cái.

Mình thấy việc cho con đi học trước là cách mà bố mẹ tạo cho con tiền đề cho con đỡ bỡ ngỡ trước khi bước vào một môi trường mới. Theo mình được biết, tại Hà Nội hầu hết phụ huynh đều cho con đi học trước hoặc kèm kiến thức trước khi con học lớp 1.

“Khu chung cư nhà mình có 5 bé chuẩn bị bước vào lớp 1 nên các mẹ đã thống nhất mời một cô giáo tiểu học tới nhà dạy nhóm cho các con, vừa để các con cạnh tranh với nhau mà cũng đỡ tốn kém chi phí. Một tuần các con học 3 buổi tối, các con mới học từ giữa tháng 5 nhưng tới giờ các con đã thông thuộc các nét cơ bản. Theo quan điểm cá nhân của mình, điều đó hoàn toàn tốt cho các bé”, chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Hoàng Mai –Hà Nội) cho biết.

Liên quan đến vấn đề trên, PV báo Infonet đã có cuộc trao đổi cùng cô Lê Thị Loan – Giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục. Cô Loan cho hay: “Các bậc cha mẹ không nên cho con học trước chương trình lớp 1 vì: Chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế tổng thể từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp. Chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 nhằm giúp học sinh phát triển năng lực và phẩm chất tương ứng chứ không chỉ biết đọc, biết viết như nhiều cha mẹ lầm tưởng.

Ngoài ra, tâm sinh lý trẻ em đến 6 tuổi các đặc điểm thể chất như các cơ, xương bàn tay mới phát triển để trẻ có thể cầm bút, các quá trình cảm giác, tri giác, tư duy, ý chí... Thời điểm ấy mới phù hợp với việc học tập nghiêm túc (hiện nay ở một số nước phát triển trẻ em đủ 6 tuổi mới được đi học lớp 1).

Hơn thế, việc dạy học phải được thực hiện bởi những giáo viên có nghiệp vụ sư phạm chứ không thể tuỳ tiện được, bởi những hiểu biết đầu tiên của trẻ khi đi học thường gây ấn tượng rất mạnh. Nhất là những thói quen, những lỗi của trẻ rất khó sửa, đặc biệt là việc học của trẻ lại do gia sư nghiệp dư tự dạy không theo phương pháp sư phạm nào cả.

Cuối cùng, nếu trẻ biết đọc biết viết trước khi đi học, trẻ dễ nảy sinh tâm lý chủ quan không cần học, gây mất trật tự trong giờ học làm ảnh hưởng đến cả lớp và về lâu dài ảnh hưởng không tốt đến chính đứa trẻ đó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN