Những lưu ý với thí sinh chọn ngành dịch vụ du lịch, sức khoẻ

Mùa tuyển sinh năm nay có một thông tin rất đáng mừng với các thí sinh: các ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, sức khoẻ đang nóng trở lại sau thời gian "đóng băng" vì dịch. Có 2 điều "cốt tử" thí sinh cần nắm khi chọn thi vào những ngành này.

Nhân lực dịch vụ du lịch, sức khoẻ sau dịch đang “nóng” trở lại

Các nhóm ngành trên được các chuyên gia ví như lò xo bị nén và đang dần giãn ra, dự kiến trong 2-3 năm nữa sẽ "khát" nhân lực. Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn tuyển sinh "Đúng ngành nghề - Sáng tương lai" lần thứ 14 năm học 2021-2022 diễn ra tại Trường THPT Hùng Vương (quận 5) mới đây.

Thí sinh rất quan tâm tới các ngành đào tạo du lịch, quản trị khách sạn trong dịp tư vấn tuyển sinh năm 2022.

Thí sinh rất quan tâm tới các ngành đào tạo du lịch, quản trị khách sạn trong dịp tư vấn tuyển sinh năm 2022.

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh phân tích, trong năm 2021, ngành du lịch tiếp tục chịu tổn thất nặng do dịch COVID-19. Nhiều hoạt động văn hóa - du lịch phục vụ du khách tại các địa phương trong cả nước đã dừng tổ chức, lượng khách du lịch nội địa đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020; công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt từ 10-20%; doanh thu du lịch thấp; một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa không đón khách, một số doanh nghiệp du lịch tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh... Tuy nhiên, tại một số địa phương không nằm trong vùng dịch, hoạt động du lịch vẫn khá sôi động. Các loại hình được du khách ưa chuộng là du lịch tâm linh, thăm thân, tham quan… Tại các điểm du lịch, những nơi có danh lam thắng cảnh đẹp vẫn ghi nhận và đón được một số lượng khách nhất định như: An Giang, Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng).

Theo ông Tuấn, khối ngành du lịch - dịch vụ đang đứng thứ 4/24 nhóm ngành có sự cạnh tranh trong xét tuyển mạnh nhất. "Không phải là không có cơ hội cho thí sinh vào học mà cái chính là bạn có đủ năng lực, chất lượng đáp ứng được hay không, có đủ sức và đủ đam mê để theo nghề hay không. Thực tế học sinh của ta sau khi ra trường năng lực ngoại ngữ còn yếu, kém, đáp ứng công việc chưa giỏi. Thị trường nhân lực "đóng băng" ở đây còn là do chất lượng đào tạo, năng lực, kỹ năng đáp ứng cho công việc", ông Tuấn nhấn mạnh.

ThS. Nguyễn Văn Định (Phó Trưởng khoa khách sạn nhà hàng, Trường CĐ Du lịch Sài Gòn) cũng cho biết, từ ngày 15/3, du lịch quốc tế chính thức mở cửa. Trường CĐ Du lịch Sài Gòn đào tạo nhóm ngành du lịch với 4 chuyên ngành: Quản trị khách sạn; quản trị lữ hành; hướng dẫn du lịch; kỹ thuật chế biến món ăn. Khi học xong ngành quản trị khách sạn tại trường, sinh viên được đào tạo kiến thức chuyên ngành, kỹ năng, nghiệp vụ để có thể làm việc ở các vị trí như lễ tân, chăm sóc khách hàng, marketing, nhân sự… Trong đó, năm 2022, nhà trường có 2 phương thức tuyển sinh là dựa vào học bạ từ 12 điểm trở lên và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội thực tập tại doanh nghiệp, cơ hội việc làm rộng mở.

Cần đủ đam mê và năng lực khi dấn thân

Ông Trần Anh Tuấn cũng đưa thông tin, ngày nay y học hiện đại ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào lĩnh vực y sinh học, công nghệ y học, các máy móc thiết bị hiện đại nhằm hỗ trợ chẩn đoán, chữa trị bằng thuốc, phẫu thuật hay các phương pháp điều trị khác.

Nhưng, nguồn nhân lực ngành y hiện không chỉ thiếu về lượng, yếu về chất mà còn phân bố không đồng đều giữa các vùng và trong từng chuyên ngành, nhất là lĩnh vực kỹ thuật y và y học hiện đại, chiếm tỷ trọng 2% trong tổng nhu cầu nhân lực giai đoạn 2020-2030.

Việc Việt Nam tham gia hiệp định AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) và TPP (Hiệp hội đối tác xuyên Thái Bình Dương) dự kiến sẽ tạo ra 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam chiếm 1/6 tổng nguồn nhân lực. Điều này tạo cơ hội cho một số ngành nghề mà người lao động trí óc tay nghề cao có cơ hội làm việc tại tất cả các quốc gia trong khu vực, trong đó bao gồm các nhóm ngành y tế sức khỏe. Trong thực tế, đợt dịch COVID-19 vừa qua thể hiện sự thiếu hụt nhân lực, lực lượng y tế như: BS online, BS tại nhà, BS gia đình, nhân lực xét nghiệm, nghiên cứu y sinh. Nhà nước cũng cần điều chỉnh lại vấn đề học phí trong học ngành y. Mức học phí còn cao nên nhiều thí sinh sau khi thi đậu không đủ tiền đi học. Theo ông Tuấn, để thu hút và giữ được học sinh giỏi cho ngành y thì rất cần một chính sách học phí ưu tiên.

Về phía thí sinh, giỏi chuyên môn, giỏi nghề và phải am hiểu công nghệ, tư duy, sáng tạo. Phải chọn nghề phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội.

Nghề là do bản thân lựa chọn và chịu trách nhiệm học tập. Khi được học nghề yêu thích, mỗi sinh viên cần học với mục tiêu phát triển cho chính bản thân mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Bốn trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh năm 2022 thế nào?

Các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đều sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực nhưng vẫn dành một phần chỉ tiêu xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Nga ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN