Những lưu ý quan trọng trong tuyển sinh khối ngành công an năm 2023
Năm 2023 là năm thứ 2 Bộ Công an tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh công an nhân dân để tuyển sinh vào các trường, học viện, đại học thuộc Bộ Công an.
Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, kỳ thi năm nay sẽ lấy kết quả để tuyển sinh cả hệ trung cấp, thay vì chỉ tuyển sinh hệ đại học như năm trước.
Về cơ bản năm 2023, Bộ vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào các học viện, trường CAND như năm 2022 nhưng vẫn có một số điểm mới thí sinh cần lưu ý.
Dự kiến kỳ thi đánh giả tuyển sinh công an nhân dân (CAND) năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 2 - 3/7 với 2 mã bài thi CA1 và CA2. Sau khi có hướng dẫn, thí sinh sẽ kiểm tra website của Bộ Công an, các trường/học viện và Công an các tỉnh, thành phố để lựa chọn mã ngành phù hợp.
Đề thi đánh giá tuyển sinh CAND năm 2023 cơ bản giữ ổn định như 2022 về cấu trúc. Tháng 4/2022, Bộ CA đã công bố dạng thức và đề thi tham khảo. Năm nay, thí sinh có thể tiếp tục nghiên cứu dạng thức đề cũ trước khi Bộ Công an công bố dạng thức đề 2023.
Kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an chiếm 60% tổng điểm xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT tạo chiếm 40% tổng điểm xét tuyển.
Có 3 phương thức tuyển sinh được khối trường CAND sử dụng là: Tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định của Bộ Công an; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả học tập THPT và Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an.
Cấu trúc bài thi gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm (lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ngôn ngữ Anh) và phần tự luận (Toán hoặc Ngữ văn).
Thời gian làm bài thi: Tổng thời gian làm bài 180 phút (phần trắc nghiệm 90 phút, phần tự luận 90 phút). Thí sinh chọn 1 trong 2 mã bài thi để dự thi, gồm: CA1 (phần thi trắc nghiệm và tự luận Toán) hoặc CA2 (phần thi trắc nghiệm và tự luận Ngữ văn).
Ở phương thức xét tuyển chứng chỉ quốc tế, năm 2023, Bộ Công an dự kiến sẽ bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được phép tuyển thẳng gồm: Tiếng Tây Ban Nha (DELE), tiếng Pháp (DELF C1), tiếng Nga (TRKI 3), Tiếng Đức C1, Tiếng Nhật (JLPT N1), tiếng Hàn (TOPIK II Level 4), tiếng Ý (CELI 4).
Điều này nhằm thu hút được những thí sinh có trình độ ngoại ngữ cao, đặc biệt là những ngoại ngữ mà hiện nay Bộ Công an chưa đào tạo được trong các học viện, trường CAND. Đây là nguồn cán bộ phù hợp để cử đi học tại các nước có hợp tác đào tạo với Bộ Công an.
Ở phương thức xét tuyển thẳng, năm nay, Bộ Công an cũng dự kiến chỉ lấy thí sinh đoạt giải nhất các cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế (bỏ giải Nhì, giải Ba so với năm 2022). Giải Nhì, giải Ba dùng để tuyển thẳng đối với hệ trung cấp CAND.
Về chế độ ưu tiên, đối với thí sinh dự tuyển đào tạo đại học chính quy tuyển mới, áp dụng điểm ưu tiên theo Thông tư số 08/2022 của Bộ GD&ĐT; đối với thí sinh đào tạo hệ trung cấp, áp dụng theo Thông tư số 05/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, điểm ưu tiên chỉ áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT trong năm 2022 và 2023. Các thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2021 về trước không được cộng điểm ưu tiên khu vực (số chiến sĩ nghĩa vụ và thí sinh tự do).
Thí sinh đạt tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường CAND chiếm tỉ lệ 40% và điểm bài thi đánh giá của Bộ Công an chiếm tỉ lệ 60% được quy về thang điểm 30 làm tròn đến 2 số thập phân từ 22,5 điểm trở lên thì điểm ưu tiên của thí sinh được tính như sau: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x (điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên đối tượng + điểm thưởng).
Nguồn: [Link nguồn]
Theo đó, năm 2023, 17 trường quân đội đều xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.