Những lưu ý khi đăng ký xét tuyển ÐH

Từ ngày 24/4 đến 10/5, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ÐH). Ðể đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các thông số khai trên phiếu đăng ký dự thi phải hoàn toàn chính xác…

Không đúng nguyện vọng không được hệ thống chấp nhận

Theo Bộ GD&ĐT, phần thông tin cá nhân, thí sinh ghi đầy đủ, chính xác theo yêu cầu và chỉ được chọn một phương thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Hoặc trực tuyến hoặc bằng phiếu, buộc phải đánh dấu chọn vào một trong hai ô, không được bỏ trống.

Ngoài ra, thí sinh bắt buộc phải ghi tổng số nguyện vọng. Nếu đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức trực tuyến thì phải tự nhập các nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống và được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trong thời gian quy định của đợt đăng ký này và tuyệt đối không điền thông tin phần đăng ký trực tiếp. Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu phải khai các nội dung theo bảng mẫu và không được thay đổi nguyện vọng đăng ký sau khi đã xác nhận của đợt đăng ký này. Nếu đăng ký bằng phiếu thì không đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến.

Thí sinh cần sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự từ trên xuống dưới (nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất). Nếu đăng ký nguyện vọng nào không đúng với quy định của các trường thì sẽ không được nhập vào hệ thống phần mềm để trường xét tuyển.

Vì vậy, thí sinh cần tra cứu thông tin về đối tượng ưu tiên tuyển sinh, khu vực tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, đặc biệt là mã ngành, mã trường trên các trang chính thức của trường hoặc trang tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để ghi chính xác trong hồ sơ.

Một điểm nữa thí sinh cần lưu ý là sau khi thời hạn đăng ký dự thi kết thúc, không được thay các thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký. PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhắc nhở, thí sinh cần khai rõ, chính xác mã số định danh hoặc số căn cước công dân của mình. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng đi theo thí sinh suốt quãng đường học tập về sau. Vì thế, không được khai man bằng số căn cước của người khác.

Một số đặc thù

Ông Kiên cho biết, năm nay, kết quả bài thi đánh giá tư duy đã được trường đăng ký trên hệ thống tuyển sinh của Bộ bằng 3 mã xét tuyển BK1 (Toán, Đọc hiểu, Lý, Hóa), BK2 (Toán, Đọc hiểu, Hóa, Sinh), BK3 (Toán, Đọc hiểu,Tiếng Anh).

Vì vậy, dù là phương thức xét tuyển theo đề thi riêng của trường nhưng thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng trong phiếu đăng ký dự thi giống như phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ông nêu ví dụ, thí sinh muốn đăng ký ngành Khoa học máy tính bằng hai phương thức là kết quả thi tốt THPT và kết quả bài thi đánh giá năng lực tư duy thì sẽ phải khai trên phiếu đăng ký dự thi giả sử nguyện vọng 1 tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Lý, Hóa), nguyện vọng 2 tổ hợp xét tuyển là BK1.

Không những thế, với tổ hợp BK1, thí sinh có quyền xét tuyển vào 42 chương trình đào tạo của trường, tổ hợp BK2 có 7 chương trình và tổ hợp BK3 có 24 chương trình. Với các chương trình này, khi khai trên phiếu đăng ký dự thi ở phần mã ngành, thí sinh sẽ phải lưu ý thêm chữ “X” vào cuối. Ví dụ, nếu xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì phần mã ngành thí sinh sẽ ghi là IT1, nhưng nếu bằng bài thi đánh giá năng lực tư duy thì sẽ phải ghi là IT1x.

Thí sinh muốn xét tuyển vào trường ĐH Xây dựng, trường ĐH Mỏ địa chất cũng phải nắm rõ những quy định trên do hai trường này lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển. Ông Kiên cho hay, ngoài đăng ký trên phiếu đăng ký dự thi, thí sinh xét tuyển bằng bài thi đánh giá tư duy cũng phải đăng ký với trường theo quy định.

Trường ÐH Ngoại ngữ cho rằng, mỗi phương thức xét tuyển có một yêu cầu đặt ra để tuyển được sinh viên phù hợp. Ví dụ, với phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ÐGNL, nhà trường yêu cầu năng lực tư duy của thí sinh, bên cạnh năng lực ngoại ngữ phù hợp. Như vậy, không phải cứ tham gia kỳ thi ÐGNL do ÐHQGHN tổ chức là có thể có cơ hội xét tuyển vào tất cả các trường ÐH thành viên.

Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) quay lại tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) với những điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, trong các trường thành viên, tiêu chuẩn, tiêu chí xét tuyển lại khác nhau. Trường ĐH Y dược (ĐHQGHN) không lấy kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển. Năm 2021, trường ĐH Y dược sử dụng 3 phương thức tuyển: dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021; xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5,5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQGHN lý giải, do yêu cầu đào tạo đặc thù, trường ĐH Y dược cần dựa vào kết quả thi môn Sinh và môn Hóa của thí sinh. Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2021 của ĐHQGHN không tổ chức thi 2 môn này mà chỉ có bài thi khoa học. Nếu sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL, trường lại phải tổ chức thi thêm các môn Hóa, Sinh gây phiền phức cho thí sinh.

Trường ĐH Ngoại ngữ lại chọn lấy kết quả kỳ thi ĐGNL là một trong 3 phương thức tuyển sinh dù năm nay môn Ngoại ngữ không được ĐHQGHN tổ chức thi như những kỳ thi ĐGNL trước đây. Trường ĐH Ngoại ngữ lấy điều kiện cần là học lực 5 kỳ học THPT của thí sinh đối với môn ngoại ngữ đạt từ 7 trở lên. Còn điểm trúng tuyển sẽ dựa theo độ dốc kết quả thi ĐGNL cho đến hết 20% chỉ tiêu đã được thông báo.

Nguồn: [Link nguồn]

Chưa có căn cước công dân, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thế nào?

Bộ GD-ĐT yêu cầu, khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có Căn cước công dân (CCCD).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN