Những lưu ý đặc biệt khi xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội
Gần 1.000 học sinh các trường THPT khu vực phía Bắc có một ngày trải nghiệm thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Trong thời gian trải nghiệm, có thể thấy, ngoài yêu cầu cao về năng lực, để trở thành sinh viên trường y, học sinh phải thực sự yêu thích lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Hôm nay, 19/4, gần 1.000 học sinh THPT và phụ huynh đến từ nhiều địa phương khu vực phía Bắc đến thăm, cùng trải nghiệm tại một số địa điểm thuộc khuôn viên Trường Đại học Y Hà Nội trong chương trình One Day in HMU lần thứ 5. Đồng thời, học sinh, phụ huynh trực tiếp giao lưu với sinh viên và tìm hiểu thông tin về các ngành đào tạo đại học hiện nay của nhà trường.
Gần 1.000 học sinh THPT tham gia trải nghiệm 1 ngày là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Hữu Linh
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, trường là cái nôi của y học hiện đại Việt Nam, hầu hết các trường đại học y dược trên cả nước trước đây vốn là phân hiệu của Trường Đại học Y Hà Nội.
GS Tú khẳng định định hướng nghề nghiệp quan trọng với học sinh phổ thông. Ông cho biết, khi lựa chọn học Y, thí sinh cần xác định sẽ là 365 ngày nhân với 4 - 6 năm hay thậm chí nhân với 9 năm (nếu tiếp tục học bác sĩ nội trú) gắn bó với Trường Đại học Y Hà Nội. "Nói như thế để các em biết rằng con đường học y rất dài, rất gian nan. Tuy nhiên, có như vậy mới xứng đáng với nghề nhân văn, đặc biệt, nghề được xã hội trông cậy, tin tưởng. Vì vậy, các em nuôi dưỡng khát khao, hoài bão, cố gắng học tập tốt. Những em đang học lớp 10, 11 còn nhiều thời gian định hướng, ôn tập để đưa ra lựa chọn. Học sinh lớp 12 chỉ còn thời gian ngắn nữa phải đưa ra quyết định, hi vọng một ngày trải nghiệm tại trường củng cố thêm niềm tin, ý chí để quyết tâm thi đỗ vào trường", GS Tú nói.
Trải nghiệm của học sinh đối với từng bộ môn sẽ học trong Trường Đại học Y Hà Nội
Ông mong tháng 8 tới sẽ được đón nhiều tân sinh viên trong số những học sinh THPT có mặt hôm nay tham gia trải nghiệm tại trường.
TS Nguyễn Thị Mai Hương, Giảng viên môn Tâm lí, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ hành trình chuyển mình từ học sinh đến sinh viên. Bà Hương đánh giá, giá trị của mỗi học sinh/sinh viên đến từ chính gia đình. Gia đình là trường học đầu tiên của lòng nhân ái.
Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề để bước vào giảng đường đại học, nếu học sinh không xuất phát từ tình yêu, trên chặng đường phía trước, sẽ rất nhiều lần phải dừng lại để suy ngẫm lí do vì sao bắt đầu.
Mỗi ngành học sẽ mang đến những trải nghiệm riêng cho sinh viên
Theo bà Hương, buổi đầu tiên nhập môn vào trường, sinh viên sẽ phải trả lời câu hỏi điều gì khiến bạn lựa chọn nghề nghiệp này. Hầu hết với sinh viên, lựa chọn ngành nghề xuất phát từ tình yêu trong gia đình. Có thể trong gia đình, bố mẹ không làm nghề liên quan đến lựa chọn của học sinh, nhưng giá trị mà nghề nghiệp đó mang lại như thế nào, tình yêu bố mẹ gửi gắm vào nghề nghiệp đó ra sao sẽ quyết định nhân sinh quan và quan điểm về nghề mà con cái lựa chọn. Sự lựa chọn của con cái có thể không phụ thuộc nghề nghiệp mà bố mẹ đang làm nhưng ứng xử của phụ huynh với nghề sẽ giúp các con tiếp nối cách ứng xử đó.
Bà Hương khẳng định học Y khoa rất vất vả, gian nan. Tình yêu của sinh viên ngành y không phải là sự lãng mạn mà nằm ở trong khát khao lí tưởng, tạo động lực bên trong của mỗi con người.
Với nhiều bối cảnh, hoàn cảnh của gia đình, xã hội sẽ định hướng việc lựa chọn nghề cho học sinh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của học sinh như tìm hiểu năng lực bản thân, sở thích – đam mê; giá trị cá nhân; cơ hội nghề nghiệp. Nhưng đôi khi, sự lựa chọn không tuân theo các yếu tố này do học sinh không được tư vấn, hỗ trợ mà dựa vào tâm lí đám đông.
Với những chia sẻ của mình, TS Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định năng lực quyết định thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào trường y, còn tình yêu, niềm đam mê mới là động lực để sinh viên gắn bó, cố gắng trên chặng đường phấn đấu trở thành một bác sĩ.
Năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh 15 mã ngành với nhiều mã ngành mới và đều có nhu cầu xã hội cao.
Trường dự kiến các phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ (chỉ áp dụng với các ngành ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt), xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2024, điểm chuẩn ngành Y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội là 28,27/30 điểm. Tiếp đến là ngành Răng - Hàm - Mặt có mức điểm chuẩn từ 25,29/30 đến 27,67/30 điểm, tùy theo các phương thức xét tuyển. Ngành Tâm lí học bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 có mức điểm chuẩn từ 25,46/30 đến 28,83/30 điểm, tùy theo các phương thức xét tuyển.
Kết quả thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội đạt mức điểm không thấp nhưng nhiều học sinh lớp 12 tại Hà Nội vẫn cảm thấy lo lắng vì chưa...
Nguồn: [Link nguồn]
-19/04/2025 16:35 PM (GMT+7)