Những lợi thế khi học trường địa phương

Trước khi đặt bút chọn ngành, trường thi, thí sinh cần quan tâm đến nhân lực các ngành nghề tại địa phương.

Đến ngày 22/4 sẽ kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 tại các trường tổ chức thi. Nhiều chuyên gia giáo dục khuyên thí sinh nên “ăn cơm nhà học trường gần nhà”, vì đỡ tốn kém nhiều chi phí cũng như học đúng ngành địa phương đang cần nhân lực.

Thúc đẩy ngành lợi thế

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Thời gian qua đi tư vấn tuyển sinh cho thí sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng phần lớn các em hỏi nhiều về nhóm ngành kinh tế, trong khi khu vực các em đang sinh sống có những thế mạnh về nông nghiệp như như gạo, thủy sản… Nguồn nhân lực cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy sản… ở vùng này đang rất cần.

ThS Võ Thị Ngọc Mỹ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Nhu cầu về những loại giống thủy sản và cây trồng có năng suất cao ở đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Khu vực này đang phát triển mạnh ngành này nên rất cần đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tạo ra giống mới cho nông dân nhưng nhiều năm nay ít thí sinh quan tâm”. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bạc Liêu Nguyễn Tiến Thành cho hay ngành nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật là thế mạnh của bán đảo Cà Mau, dễ tìm việc sau khi tốt nghiệp.

Những lợi thế khi học trường địa phương - 1

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 tại Sở GD-ĐT TP.HCM. Ảnh: Quốc Dũng

Tại Bình Phước, ông Võ Duy Linh, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên-chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, lưu ý: “Bình Phước là một tỉnh nông lâm nghiệp, do đó thí sinh nên định hướng chọn các ngành nông lâm, công nghiệp vì sắp tới tỉnh rất cần nhân lực các ngành này phục vụ cho các khu công nghiệp”. Còn tại Bình Thuận, TS Trần Lương Công Khanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, cho hay: “Cơ hội việc làm tại tỉnh các ngành chế biến nông sản, thủy sản, sau thu hoạch rất lớn. Tỉnh có thế mạnh về du lịch nên đang có nhu cầu lớn với những hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Nga và tiếng Anh”.

Cần nhiều giáo viên mầm non, tiếng Anh

Thời gian qua, nhiều trường hợp cử nhân sư phạm ra trường khó xin được việc làm. Tuy nhiên, ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, thông tin: “Hiện Kiên Giang còn thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. Nếu thí sinh có nguyện vọng học sư phạm tiếng Anh thì nên chọn sư phạm tiếng Anh tiểu học”. Ông Võ Văn Nhàn, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang, cho biết thêm: “Tỉnh đang thiếu giáo viên bậc mầm non và tiểu học vì thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi và dạy tiểu học hai buổi/ngày. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường hằng năm dựa theo nhu cầu ngành giáo dục, vì vậy dự báo số lượng ra trường sau ba năm nữa chắc chắn có việc làm”.

Chia sẻ về đào tạo nhân lực ngành sư phạm, TS Phan Văn Nhẫn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết: “Các trường ĐH địa phương đào tạo ngành sư phạm theo đơn đặt hàng của Sở GD&ĐT. Hiện tỉnh có nhu cầu nhân lực ngành giáo mục mầm non và tiểu học. Sở không giao chỉ tiêu giáo viên bậc THCS và THPT nên nếu học ngành này sẽ khó tìm việc ở Tiền Giang”.

Cơ hội từ trường CĐ

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hiện nay vào ĐH là nguyện vọng hết sức chính đáng nhưng không phải ai cũng đủ sức đậu ĐH. Do đó, thí sinh nên nhắm khả năng của mình để chuyển sang học CĐ. ThS Bùi Đình Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Cao su, cho biết: “Bình Phước là tỉnh có diện tích cao su rất lớn, với hơn 150.000 ha. Trường chủ yếu đào tạo về kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là chuyên về cao su”.

Kinh tế của vùng và của TP Cần Thơ đang phát triển theo hướng tăng tỉ trọng cơ cấu công nghiệp và dịch vụ nhưng vẫn trên nền tảng nông nghiệp. Do đó, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ luôn xác định các ngành nông nghiệp là mũi nhọn đào tạo, dựa trên quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực của TP. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp có thể ứng dụng tốt vào công việc.

Gia hạn ngày nộp hồ sơ dự thi năm 2013

Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 là 17 giờ ngày 22/4, thay vì ngày 19/4 như quy định cũ. PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), vừa gửi đến các trường ĐH, CĐ về thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường có tổ chức thi.

Ông Nghĩa cho biết lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường tổ chức thi từ ngày 12 đến 19/4. Tuy nhiên, ngày 19/4 là ngày nghỉ lễ, vì vậy Bộ quyết định lùi thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường tổ chức thi đến 17 giờ ngày 22/4. Như vậy, so với quy định cũ, thí sinh có thêm ba ngày để cân nhắc chọn trường và nộp hồ sơ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TP.HCM)
Điểm thi đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN