Những lời nói vô tình của cha mẹ gây sát thương cho trẻ khi trưởng thành
Mỗi đứa trẻ đều như một trang giấy trắng, lời nói và hành động của cha mẹ là mực vẽ nên những màu sắc khác nhau trên trang giấy đó.
Mỗi người chúng ta đều có cả một quãng đường đời rất dài phải đi, lời nói của cha mẹ là ánh đèn soi sáng đường các con bước. Những lời nói ấy có thể là ánh nắng ấm áp mùa hạ, cũng có thể là cơn gió lạnh mùa đông… Lời nói của cha mẹ có thể quyết định con đường tương lai của con. Là cha mẹ, bạn hãy tự kiểm điểm bản thân để tránh không thốt ra những lời này trong cơn tức giận để không làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
1. Loại như con thì làm nên trò trống gì?
Đây có thể nói là một câu mắng xát muối lòng trẻ nhưng nhiều cha mẹ vẫn vô tâm nói ra. Trẻ có làm nên trò trống gì cho tương lai không thì cần có sự định hướng, sự tin tưởng, khích lệ của bố mẹ, người thân xung quanh.
Nếu con bị chính bố mẹ - người thân thiết nhất coi thường và không tin tưởng thì chắc chắn trẻ sẽ chẳng có tâm trí để phấn đấu. Đặc biệt nghiêm trọng là sự coi thường của bố mẹ có thể khiến con từ một đứa trẻ ngoan ngoãn thành người hỗn láo, ngông cuồng và gây hại cho xã hội.
2. Nhìn con nhà người ta đi, rồi xem lại mình xem
Nhiều cha mẹ thường dùng phép so sánh, với mục đích tốt là muốn động viên con nỗ lực học hỏi người khác. Ví dụ, khi điểm số của con không bằng một bạn nào đó ở lớp, bố mẹ sẽ nói: "Nhìn bạn ấy mà xem, tại sao con lại không được điểm như thế?". Trong mắt cha mẹ, thành tích của đứa bé học giỏi có thể là một mục tiêu cho con mình tiến bộ. Nhưng khi bạn nói ra câu này lại lợi bất cập hại.
Mỗi đứa trẻ đều có ưu, nhược điểm riêng. Việc so sánh con có thể khiến bé cảm giác như bố mẹ châm biếm điểm yếu của mình, chê cười sự thiếu sót của bé, và thông thường thành tích của con không được cải thiện sau những lời này. Ngược lại, chỉ những bậc cha mẹ thấy được điểm mạnh của trẻ và đánh giá cao những mặt mạnh đó, con họ mới có thể đạt được thành tích ngày một tốt hơn.
3. "Khi ở tuổi con, bố/mẹ học giỏi hơn nhiều"
Từ khi sinh ra đến khi được 6 tuổi, cha và mẹ đối với những đứa trẻ gần như là các vị thần, những người biết tất cả mọi thứ. Họ là người tạo nên thái độ của đứa trẻ với thế giới và với cá nhân mình. Câu nói này có thể phản ánh sự đua tranh của cha mẹ với con, dường như bạn nói với con :"Con chẳng bao giờ bằng bố/mẹ! Dù con có cố gắng thế nào, bố/mẹ cũng sẽ giỏi hơn con". Trẻ em lớn lên với ám ảnh này, theo như quy luật, suốt đời sẽ phài cố gắng chứng minh rằng chúng giỏi.
Tất nhiên, khi nói những câu như thế, bạn thực sự chỉ muốn kích thích sự tự ái trong tâm lý của trẻ, để cổ vũ chúng đạt được mục tiêu nào đó. Nhưng tai họa là ở chỗ cuối cùng đứa trẻ sẽ cố gắng làm gì đó không phải cho mình mà cho bố và mẹ, để họ cuối cùng nhìn thấy rằng nó xứng đáng với họ. Lớn lên, những đứa trẻ này không bao giờ hạnh phúc với thành công của mình, niềm vui chỉ đến khi cha mẹ công nhận thành tích của chúng, nhưng điều đó sẽ luôn luôn rất khó khăn.
4. "Con giống hệt bố/mẹ con"
Những câu nói kiểu thế này hầu hết do các bậc làm cha mẹ trẻ đang có vấn đề gì đó bất hoà với nhau rồi sau đó trút giận lên trẻ. Việc này vừa khiến cho người bố hoặc mẹ và cả người con cảm thấy bị xúc phạm. Ví dụ, như một đứa trẻ hết mực yêu thương mẹ nó, trong mắt trẻ mẹ là người tuyệt vời nhất mà suốt ngày lại bị bố cho nghe câu mỉa mai "Mày giống y hệt mẹ mày" bé sẽ cảm thấy cả mình và mẹ đều không được tôn trọng. Khi đó, người cha/mẹ vô tình đã đẩy con vào cuộc đấu tranh để chọn lựa, hoặc là theo phe bố hoặc là theo phe mẹ; trong trường hợp bố mẹ đã ly dị thì cảm giác của trẻ càng tồi tệ hơn.
5. "Sao con không thể được như anh/chị con"
Câu nói này cũng tương tự như những câu hàm ý về sự so sánh đã nêu ở trên. Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ có một tính cách riêng, không thể áp đặt tính cách, ưu điểm của đứa này lên đứa khác được. Việc so sánh như thế sẽ gây tổn thương và ức chế tinh thần rất lớn cho trẻ, vô hình tạo ra khoảng cách giữa các con với nhau và tình cảm anh chị em trong gia đình cũng bị sứt mẻ.
6. Nếu con không dừng lại thì mẹ sẽ chẳng có gì để nói với con!
Câu nói này khiến trẻ nghĩ rằng trẻ không được tìm sự giúp đỡ của cha mẹ nếu không làm theo cách mà cha mẹ muốn hoặc yêu cầu. Đứa trẻ có thể cảm thấy bị từ chối, làm tổn hại đến lòng tự trọng của chúng. Trẻ dần cảm thấy kém tự tin khi khám phá thế giới, đặc biệt là khi trẻ không có cha mẹ hỗ trợ.
7. "Có gì đâu mà con phải sợ"
Câu nói này hoàn toàn không thể an ủi cảm xúc sợ hãi của trẻ. Và một lần nữa, nó thể hiện bạn đang đánh giá thấp cảm xúc của con, khiến chúng nghĩ bản thân kém cỏi. Thay vào đó, hãy chia sẻ cảm xúc cùng con bạn, cho thấy bạn luôn ở bên cạnh chúng.
8. "Bố/Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi?" khi con cố nán giờ học để xem TV
Khi bạn quát "Bố/mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi?", điều này sẽ không cho trẻ biết bất kỳ ý tưởng nào về lý do tại sao chúng nên dừng lại hoặc bắt đầu làm điều gì đó mà bạn muốn chúng làm. Thay vào đó, câu nói của bạn có thể khiến con cảm thấy như chúng không có quyền gì cả, và nó sẽ sợ chính cha mẹ mình. Bạn nên đưa ra những hướng dẫn đơn giản dễ hiểu và giải thích ngắn gọn những lý do đằng sau lời nói của mình có lẽ sẽ hiệu quả hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Xã hội có những kỳ vọng nhất định cho bé trai và bé gái. Trong đó, những truyền thống cổ xưa cũng dựa trên giới tính...