Những lỗi cần tránh khi du học

Do mỗi nước có một phương pháp giảng dạy khác nhau nên khi ra nước ngoài, du học sinh phải tìm hiểu kỹ để có sự thích ứng nhanh chóng.

“Thường phải mất một học kỳ hoặc cả năm học, du học sinh mới có thể hòa nhập được vào môi trường mới ở nước sở tại về sinh hoạt trong cuộc sống cũng như phương pháp học tập…”. Đó là những nhận xét chung của chuyên viên tư vấn IDP Việt Nam trong buổi hội thảo về du học New Zealand mới đây. Để rút ngắn thời gian hòa nhập này cũng như vượt qua nó một cách dễ dàng, theo kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh, du học sinh Việt Nam cần tránh những lỗi được coi là “quán tính”, do đã quen khi còn ở trong nước.

Cứ học theo cách cũ

Kim Ngân, đang học thạc sĩ ngành marketing và quản lý tại New Zealand, cho biết: Cách học ở New Zealand khác nhiều so với Việt Nam. Thời gian lên lớp không nhiều, chủ yếu đòi hỏi sự tự học. Nhiều bạn cứ thấy thầy cô không kiểm tra, không nhắc nhở cứ tưởng là việc học quá nhẹ nhàng nhưng đến kỳ kiểm tra thì bắt đầu thấy đuối. Thật ra, lượng kiến thức và bài vở rất nhiều, nếu không chịu khó đọc thêm tài liệu để nắm vững kiến thức thì sẽ rất dễ mất phương hướng và gặp nhiều khó khăn trong những kỳ thi học kỳ.

Đặc biệt là, theo Hồng Hạnh, cựu du học sinh New Zealand, hiện đang làm việc ở một ngân hàng: Thầy cô rất thích những ý kiến trái chiều; càng khác lạ, độc đáo càng được đánh giá cao. Nhiều bạn cứ nghĩ nói theo thầy cô sẽ được điểm cao. Nhưng thực tế là bài thi nếu cứ nói càng khác thầy cô càng tốt càng có điểm cao vì họ khuyến khích mỗi cá nhân có suy nghĩ độc lập. 

Theo Đình Ân, cựu du học sinh Mỹ, có một lỗi mà du học sinh cần tránh là khi làm bài hay suy nghĩ bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh, logic đó khiến thầy cô không hiểu. Kinh nghiệm của Đình Ân là khi viết tiếng Anh cần phải tập suy nghĩ bằng tiếng Anh.

Bài làm toàn hỏi “cụ” Google

Một số du học sinh do không biết nên đến kỳ thi cứ thoải mái tra Google và chép vào bài làm của mình, coi như sản phẩm của mình mà quên rằng các trường trên thế giới rất dị ứng với nạn “đạo văn”. Họ sẽ xử rất nghiêm những trường hợp này. Có trường còn có hệ thống “quét” bài làm. Nếu bài làm có phần nào chép từ Google là họ sẽ dò ra ngay. Dĩ nhiên, khi đó sinh viên sẽ bị đánh rớt môn học. Nhiều trường ĐH trên thế giới còn đặt “đạo văn” thành vấn đề đạo đức trong học thuật và có luật lệ hẳn hoi để giáo dục sinh viên.

Chỉ lo học và làm thêm

Hồng Hạnh cho rằng nhiều sinh viên Việt Nam khi du học do xót tiền của cha mẹ bỏ ra nên chỉ tập trung vào việc học hoặc đi làm thêm để có thêm tiền sinh hoạt mà quên chú ý một hoạt động rất được nước ngoài đánh giá cao là những hoạt động cộng đồng, từ thiện. Hoạt động cộng đồng không chỉ có lợi cho quá trình phỏng vấn xin việc sau này mà thực sự khi tham gia, sinh viên sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống và trưởng thành hơn. Vì nhiều kỹ năng sống sẽ không thể học trong trường ĐH. Nhiều đơn vị tuyển dụng sẽ chú ý đến hồ sơ ứng viên có nhiều hoạt động xã hội bên cạnh bảng điểm đẹp. Hơn nữa, khi tham gia những chương trình ngoại khóa sẽ giúp du học sinh trở nên tự tin, giảm bớt căng thẳng trong học tập, có nhiều bạn bè từ nhiều quốc gia và phần nào xoa dịu nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn.

Cuối cùng là nên học theo nhóm. Đây là cách phổ biến ở nước ngoài. Nhưng du học sinh Việt Nam thường chưa quen làm việc nhóm. Cứ làm việc cá nhân thì đạt điểm cao, mà làm việc nhóm thì gặp trục trặc, trong khi kỹ năng này rất cần thiết không những đối với quá trình học ĐH mà còn trong quá trình ra trường làm việc sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Ngô (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN